Giai đoạn 2018-2020, Hải Phòng có tới hàng chục tuyến xe buýt phải dừng hoạt động vì vắng khách, nhưng những tuyến còn lại đang hoạt động hiệu quả khá nhờ cơ chế hỗ trợ của thành phố và luôn có lượng hành khách ổn định. Cách làm mới trong đầu tư phát triển giữa nhà nước và doanh nghiệp đã tạo nên những tuyến xe buýt sạch đẹp, thuận lợi và đúng giờ…
Phát triển đồng bộ, mang tính kết nối
Giám đốc Công ty TNHH vận tải Thịnh Hưng Hà Duy Hưng cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, công ty từng có tới gần 10 tuyến xe buýt, trong đó có những tuyến trọng điểm như: Sân bay Cát Bi-cầu sông Hóa; khách sạn Dầu Khí-Đồ Sơn, Kiến An-Khu công nghiệp VSIP… Nhưng rồi cũng lần lượt phải bỏ vì vắng khách, doanh nghiệp không thể bù lỗ. Vì thế, để bảo đảm kinh doanh, công ty chỉ còn duy trì tuyến Khách sạn Dầu Khí-Đồ Sơn và sân bay Cát Bi-cầu Hóa. “Làn gió mới” về cơ chế hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng của thành phố chính là động lực để doanh nghiệp tự xem xét lại mình. Vì vậy, sau khi khảo sát, công ty quyết định đầu tư tuyến xe buýt từ bến xe Thượng Lý đi phà Gót (Cát Hải) từ tháng 6-2020. Chỉ sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, tuyến xe này luôn duy trì ở mức 300-350 lượt khách/ngày. Đặc biệt, trong tháng 7-2020, tuyến xe này có tới 450-500 lượt khách/ngày, cao hơn nhiều so với những tuyến khác của công ty.
Việc phát triển tuyến xe buýt đồng bộ, có chiều sâu và nâng cao tính kết nối là cách đầu tư và duy trì tuyến xe phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đường bộ Hải Phòng Triệu Hạo Nhiên chia sẻ, hiện công ty đang duy trì tuyến cầu Rào-khu công nghiệp Nomura-Dụ Nghĩa và tuyến Bến Bính-An Lão-Vĩnh Bảo (sau kéo dài đến bến xe Vĩnh Bảo), trên các tuyến này phải luôn bảo đảm về giờ, thời gian xe chạy và phục vụ trên xe. Trong thời điểm các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đang gặp khó khăn, nhưng công ty vẫn thực hiện nghiêm chỉnh về lộ trình, thời gian.
Một trong những động lực để các tuyến xe buýt trọng điểm hoạt động hiệu quả cao là chủ trương hỗ trợ của thành phố. Cơ chế này được hỗ trợ trực tiếp đến người đi xe buýt nên các tuyến xe có hỗ trợ mức giá rất rẻ. Tuyến xe buýt đi từ bến xe Thượng Lý đến bến Gót dài tới 35km, nhưng giá vé chỉ 15.000 đồng/lượt; tuyến từ sân bay Cát Bi đi cầu Hóa dài 40km giá 15.000 đồng/lượt; 2 tuyến gồm cầu Rào đi Dụ Nghĩa hay từ bến Bính đi bến xe Vĩnh Bảo của Công ty CP Đường bộ Hải Phòng, giá vé cũng tương đương và rẻ gấp gần 10 lần nếu đi xe taxi. Theo ông Triệu Hạo Nhiên, nếu không có cơ chế hỗ trợ của thành phố, doanh nghiệp xe buýt rất khó để duy trì hoạt động vì giá vé được tính từ chi phí quản lý, đầu tư nên sẽ cao, thành phố hỗ trợ giá vé sẽ giảm và đó là điều kiện thuận lợi để các tuyến xe buýt hoạt động hỗ trợ người dân tốt hơn.
Đừng để người dân “quay lưng” với xe buýt
Giai đoạn 2018-2020, hàng loạt doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt và bỏ tuyến xe buýt. Từ 14 tuyến nay chỉ còn vài tuyến và từ 7 doanh nghiệp nay chỉ còn 3. Đó là minh chứng cho thấy sự đầu tư hiệu quả thấp. Thương hiệu xe Hải Âu nổi tiếng trong vận tải hành khách tuyến cố định, nhưng khi tham gia vào xe buýt (dù là hỗ trợ xe khách) cũng không duy trì được lâu vì không có khách. Xe buýt Quảng Đông từng một thời tung hoành, nhưng do không được đầu tư, xe xuống cấp trầm trọng khiến hành khách không muốn lên xe. Nhiều tuyến xe của Thịnh Hưng được mở ra, nhưng không nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu và năng lực cũng nhanh chóng dừng hoạt động… Truyền thông kém, đầu tư thiếu đồng bộ và chưa thu hút người dân là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của xe buýt Hải Phòng.
Theo ông Hà Duy Hưng, một trong những sai lầm của doanh nghiệp khi triển khai các tuyến xe buýt chính là yếu kém trong truyền thông và thiếu sự tương tác truyền thông giữa doanh nghiệp với hành khách. Đơn cử các tuyến của Thịnh Hưng phải dừng hoạt động vì không nhiều người biết đến tuyến xe buýt này.
Thâm chí, nếu không nhìn vào thành xe dán lộ trình tuyến, người dân cũng không biết xe buýt chạy đi đâu. Vì thế, khi mở tuyến mới từ bến xe Thượng Lý đi phà Gót, công ty tổ chức các chương trình truyền thông gắn với công khai giá vé và các tuyến đường xe sẽ đi qua ngay từ đầu, đồng thời, nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của thành phố. Việc đánh giá đúng nhu cầu kết hợp với khảo sát tuyến kỹ lưỡng mang lại hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của thành phố mới là bước đà để xe buýt phát triển, vì từ đó, mới có thể giảm giá vé và đưa xe buýt hoạt động vào khuôn khổ từ dịch vụ đến phát triển tuyến, chuyến.
Xe buýt Hải Phòng ngoài nhận được hỗ trợ mức giá đến người dân, còn nhận được sự đầu tư rất lớn về hạ tầng bao gồm xây dựng hướng tuyến, nhà chờ và khu vực dừng đỗ đón trả khách. Tuy nhiên, song hành cơ chế hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới về chiến lược kinh doanh để xe buýt đạt được 3 mục tiêu chính là: thuận lợi cho người dân, hỗ trợ ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao hình ảnh vận tải đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, cần phải tính toán, khảo sát cụ thể, chi tiết nhu cầu của người dân trước khi mở tuyến mới; doanh nghiệp phải tương tác truyền thông 2 chiều và coi phản biện của người dân là cơ sở để cung cấp dịch vụ cho phù hợp. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, ý thức, văn hóa tham gia giao thông của lái xe không để người dân quay lưng lại với xe buýt.