Được bố mẹ lo tươm tất mọi thứ, nữ sinh năm nhất Đại học ngồi tính nhẩm các khoản tiền đã chi, giật mình với con số lên đến 32 triệu đồng.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Đại học có lẽ là ngày vui nhất của các cô cậu học trò sau 12 năm đèn sách miệt mài. Cùng chung niềm vui ấy là các bậc phụ huynh, những người đã dõi theo chặng đường học tập của con. Nhưng cũng từ đây, niềm vui gắn liền với những khó khăn và thử thách khác, khi con cái bước sang một chặng đường mới cần nhiều sự đầu tư hơn.
Mới đây, một bài đăng của nữ sinh năm nhất Đại học đã nhận được sự chú ý của đông đảo thành viên mạng. Bài viết nói về những chi phí đầu tiên khi từ quê lên thành phố nhập học. Nội dung cụ thể như sau:
‘Nhà em có 5 người, gia đình thuần nông, bố mẹ ở nhà ngoài nông dân còn nuôi thêm đôi lợn với gà. Bố mẹ suốt bao năm đi làm kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn, chẳng dư ra được đồng nào, có chút tiền mua sắm cái này cái kia, toàn thứ cần như quần áo, giày dép.
Mặc dù đã đi học được 1 tháng nhưng hôm nay em mới giật mình nhìn lại số tiền bố mẹ đã đầu tư cho việc học đại học.
Tiền trọ 3 tháng là 2,4 triệu, cọc thêm 1 triệu là 3,4 triệu (em ở 3 người, mỗi người 800 nghìn/1 tháng, phòng cũng bé nhưng được cái tự do giờ giấc để em đi làm). Tiền học 1 kì nộp là hơn 7 triệu, tiền đóng các khoản khác đầu năm 1 triệu.
Tiền mua 1 chiếc xe máy, mua lại thôi, là 9 triệu. Bố mẹ bảo mua xe như thế đi cho tốt, chứ cũ quá đi hay hỏng mất thời gian, mất công việc, mất cả tiền. Tiền mua 1 chiếc laptop sau khi trừ khuyến mại các thứ là hơn 8 triệu, thật ra giá hơn 10 triệu. Tiền ăn tiêu vặt tháng đầu tiên, bố mẹ đưa em 3 triệu bảo là để dư ra 1 chút để nhỡ có việc gì.
Em chợt tính tổng lại: 3,5 + 8 + 9 + 8.5 + 3 = 32 triệu. Em không biết với mọi người khoản tiền này thế nào nhưng với gia đình em, chưa bao giờ nhà em tiêu 1 khoản tiền lớn như vậy, kể cả ốm đau hay mua đồ đắt nhất cũng chỉ 10 triệu đổ lại. 32 triệu thì trong đó bố mẹ em vay người thân 15 triệu.
Giờ em thấy thương bố mẹ lắm, em cũng đang đi xin việc rồi. Xong em nghĩ nhà chẳng có tiền mà còn học đại học, đây mới chỉ là chi phí mới lên, sau này còn sách vở, học thêm tiếng Anh.
Đến bao giờ mới có thể tự lo cho được bản thân, rồi lo cho bố mẹ. Em rất phục những anh chị mới lên đại học mà đã tự lo đc cho bản thân, bây giờ em chỉ mong muốn đơn giản là…lo được cho bản thân trước đã…có anh chị nào từng cảm thấy như em không, anh chị đã làm như thế nào ạ?’
Ngay khi chia sẻ, bài đăng này nhận về nhiều sự đồng cảm, đặc biệt là từ những bạn sinh viên có cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, vẫn có những bạn đặt ra câu hỏi về sự cần thiết của một số nhu cầu mà cô nữ sinh đã liệt kê trong bài chia sẻ.
– Bố mẹ tớ cũng làm nông, tớ nhập học là bố khăn gói đi cùng. Lên thành phố may mắn được ở ký túc xá nên phần chi phí phòng ốc cũng bớt một phần. Năm đầu nên tớ nói bố mẹ chưa nên mua máy tính, để xem tình hình thế nào rồi sang học kỳ 2 mua cũng được. Ngót nghét cũng hơn 20 triệu đó.
– Gia cảnh khó thì chọn ở kí túc xá, công việc làm thêm loanh quanh gần trường là đỡ được cái xe, tiền trọ ngoài cũng đắt hơn kí túc, không biết các trường khác như nào chứ trường mình 1 phòng 8 người có 160k 1 tháng.
Năm đầu cũng không phải cần lap, mình học năm 2 rồi trong lớp vẫn đầy người không có. Những người có lap chủ yếu là làm slide bài tập nhóm thôi.
– Hai khoản đắt nhất là laptop và xe máy thì là 2 khoản chưa cần cho năm nhất luôn… Có thể sang năm 2 3 từ từ mua cũng được, ba mẹ không cần vay mượn rồi.
Câu chuyện của nữ sinh năm nhất có lẽ là câu chuyện chung của nhiều sinh viên khác. Thế mới cảm nhận được tình yêu thương bao la của bố mẹ dành cho con cái. Dù vậy, ‘bố mẹ thương con là đúng, nhưng nên biết chọn những thứ thật sự cần và phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Những thứ không cần thiết lắm thì từ từ rồi sắm sửa sau vẫn tốt hơn’ – bạn T.Q chia sẻ.