Nhu cầu vay tiền khôi phục kinh doanh, trả một số khoản chi phí sinh hoạt sau thời gian giãn cách tăng cao. Lợi dụng điều đó, nhiều kẻ lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để trục lợi.
Chị H.P (ở TP.HCM) là tiểu thương có nhu cầu thêm vốn nhập đồ về bán và mua cho con một chiếc máy tính để học online, nhưng vì làm công việc tự do không chứng minh được thu nhập nên không thể vay trực tiếp tại ngân hàng. Thông qua các hội nhóm hướng dẫn cho vay, chị kết nối với được với một người tự nhận là nhân viên ngân hàng T**** bank.
Vẫn còn bực tức vì bị lừa gần 3 triệu đồng, chị H.P kể lại sự việc: “Nó bảo hồ sơ loại nào cũng bao được hết, bên đó sẽ làm giấy tờ bổ sung. Muốn vay 40 triệu thì phí bảo hiểm hồ sơ là 1 triệu 600 nghìn, mình không nghi ngờ gì mà chuyển khoản luôn. Sau đó thì nó chặn facebook mình trong vòng một nốt nhạc”.
Trường hợp của chị H.P không phải cá biệt, đã có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy từ những thủ đoạn tưởng chừng rất đơn giản này. Thông thường, các ngân hàng sẽ có những điều khoản cho vay riêng, tùy vào từng mức vay sẽ đòi hỏi những yêu cầu khác nhau. Trong đó phần chứng minh thu nhập, công việc, tài sản thế chấp là yêu cầu quan trọng nhất. Vì cần tiền gấp mà không thể vay trực tiếp thông qua ngân hàng, nhiều người đã tìm đến những hội nhóm cho vay, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn.
Chỉ cần một bài đăng nhờ hỗ trợ vay vốn, sẽ có hàng chục “tư vấn viên” vào giới thiệu những gói vay rất hấp dẫn, kèm theo lời hứa thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, không thu phí hoa hồng,.. Có nhiều kiểu lừa đảo, tuy nhiên việc giả mạo nhân viên ngân hàng để tạo lòng tin vẫn được sử dụng nhiều nhất.
Nói chuyện rất lịch sự và đáng tin, không ai lại nghĩ đây là những kẻ lừa đảo
Trong vai một người đang cần vay vốn gấp với lý do nợ xấu, chúng tôi được một người nhắn tin riêng và tư vấn. Người này rất nhiệt tình hỗ trợ và khẳng định vay bao nhiêu cũng được, thiếu giấy tờ gì thì sẽ làm bổ sung. Chi phí cho khoản vay 100 triệu là 5 triệu đồng và cần phải thanh toán trước để lo lót giấy tờ. Khi đặt vấn đề sợ bị lừa, đối tượng liền gửi rất nhiều ảnh chụp màn hình tin nhắn đã giao dịch thành công với nhiều khách hàng khác.
Khi chúng tôi hỏi về thông tin cá nhân để làm tin, chúng ngay lập tức gửi hình ảnh thẻ nhân viên và nhiều giấy tờ liên quan khác có tên N.T.T rồi khẳng định chắc nịch: “Bên em uy tín lắm, chị yên tâm có tiền trong ngày. Tiền thu trước cũng không phải phí hoa hồng gì của bọn em, tiền gửi qua cho sếp lớn bên ngân hàng để chạy giấy tờ, còn nhân viên như em đã có hoa hồng khi làm hồ sơ cho chị rồi”.
Đến phần chốt hồ sơ, chúng tôi gửi qua tin nhắn bài viết tố cáo người tên N.T.T này lừa đảo thì ngay lập tức bị chặn. Nhưng không phải ai cũng sớm nhận ra những chiêu trò này.
Theo thống kê sơ bộ từ Báo Công An Nhân Dân, trong vài năm trở lại đây, số lượng các vụ lừa đảo giao dịch điện tử của các đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng ngày càng có xu hướng gia tăng mạnh. Chúng giả danh là nhân viên ngân hàng với thẻ nhân viên và chứng minh nhân dân giả, được chỉnh sửa kĩ càng. Sau các bước hỏi thăm về nhu cầu, hồ sơ, chúng sẽ yêu cầu thu tiền trước với lý do phí kích hoạt khoản vay, phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí chứng minh thu nhập…
Sau khi chuyển tiền cho các đối tượng trên, thường có hai trường hợp xảy ra. Một là kẻ lừa đảo chặn số, chặn facebook, zalo và biến mất cùng số tiền đã lừa được. Hai là với một số người kém hiểu biết hơn, chúng tiếp tục bịa ra các lý do khác để dụ chuyển khoản thêm với các lý do như tài khoản bị đóng băng, tiền gửi bị lỗi và sẽ hoàn trả sau khi giải ngân.
Nhiều người vì mong mỏi vay được tiền đã vay mượn thêm để chuyển cho kẻ lừa đảo. Hoặc khi không thể lo được số tiền trên, chúng lại đưa ra chiêu trò ngon ngọt, hứa sẽ giúp khách hàng một phần và chỉ cần đóng nốt phần còn lại, nhận được giải ngân thì trả lại. Một số người ngây thơ đã bị dắt mũi từ lần này đến lần khác, đến khi nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn và không thể lấy lại tiền.
Một chiêu lừa khác mang tên “thanh lý hợp đồng vay vốn được duyệt sẵn”. Tài khoản facebook có tên B.P đăng bài viết: “Cần thanh lý 20 bộ hồ sơ vay vốn đã được duyệt nhưng khách hàng không nhận vì lý do cá nhân. Cho vay 30 triệu trong vòng 24 tháng, mỗi tháng chỉ đóng 1 triệu 400 nghìn đồng”.
Bài viết đánh trúng tâm lý của nhiều người với khoản vay nhỏ, thời gian trả tiền dài, số tiền thanh toán hàng tháng thấp. Rất nhiều người vẫn cả tin cho dù có cả hàng trăm lời cảnh báo. Một nạn nhân tâm sự: “Có 300.000 mà nó cũng lừa của em. Thật sự khó khăn lắm mới phải đi vay vậy mà còn lỡ lừa nhau”.
Vài người tinh ý nhận ra trò lừa đảo thì bị đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thách thức, dọa sẽ tung thông tin lên trang web đen đòi nợ, web mua dâm để ảnh hưởng đến cuộc sống. Ngoài ra, khi dọa “bóc phốt” lên các nhóm facebook thì những người này không hề sợ hãi vì thông tin cá nhân đều là giả.
Ngân hàng SCB cũng đã đăng tải cảnh báo thủ đoạn lừa đảo này, phía ngân hàng cho biết: Quy trình vay vốn luôn được ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng để được giải ngân theo quy định.
Cần lưu ý nợ xấu trên trung tâm tín dụng quốc gia Việt Nam không thể xóa nếu như ngươi vay chưa thanh toán hết các khoản vay. Nhân viên ngân hàng không có thẩm quyền che nợ, “làm bùa “ xóa nợ. Các hợp đồng cho vay tại ngân hàng chính thống sẽ được kí kết trực tiếp, có hợp đồng các điều khoản rõ ràng.
Nội dung duyệt khoản vay được làm giả, tạo lòng tin với khách hàng
Không có bất cứ ngân hàng nào cho vay mà không gặp mặt, không kiểm tra chứng minh thu nhập hoặc khả năng trả nợ của khách hàng. Để tránh rơi vào trường hợp như những nhân vật kể trên, cần lưu ý cố gắng thanh toán các khoản nợ ngân hàng đúng hạn để tránh ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng, khi cần thì không thể vay vốn được.
Nhằm chủ động bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân của khách hàng, ngân hàng SCB khuyến nghị khách hàng thực hiện theo các chỉ dẫn sau:
– Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở hồ sơ, giải ngân tiền.
– Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.
– Khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.
– Khách hàng tuyệt đối không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc những người có dấu hiệu nghi vấn.
Theo Eva