Những chấn thương ám ảnh dai dẳng của các sao bóng chuyền khiến họ phải giải nghệ sớm

Chấn thương là điều khó tránh khỏi khi chơi thể thao, những môn cần vận động mạnh như bóng chuyền có đặc thù về chấn thương làm ám ảnh nhiều ngôi sao bóng chuyền Việt.

Mới đây, ngôi sao, chủ công hàng đầu bóng chuyền nữ Việt Nam là Hà Ngọc Diễm đã nói lời chia tay với bóng chuyền bởi những chấn thương của cô gặp phải trong quá trình tập luyện và thi đấu. Rất nhiều những ngôi sao lớn trong làng bóng chuyền Việt Nam đã từng phải chật vật thế nào để tìm lại đỉnh cao sau những chấn thương vai, lưng hay đầu gối.

Hà Ngọc Diễm đã phải giải nghệ vì chấn thương.

Có thể thấy gần nhất ngôi sao, chuyền hai Nguyễn Linh Chi sau khi mổ dây chằng đầu gối đã cố gắng tìm lại chính mình trong màu áo CLB bóng chuyền nữ BTL Thông tin – LienVietPostBank. Hay điển hình như đồng đội của cô là Âu Hồng Nhung đã phải chuyển từ chủ công sang đối chuyền và hiện tại đang chơi libero sau những chấn thương không mong muốn.

Chấn thương vai

Chấn thương vai là những chấn thương khá phổ biến với các VĐV bóng chuyền. Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất cơ thể nên rất dễ bị chấn thương. Chấn thương vai có biểu hiện đau khi vận động vai, vai có cảm giác cứng, khớp vai không bình thường.

Đây là những chấn thương thường gặp bởi trong bóng chuyền các VĐV sử dụng khớp vai rất nhiều. Nguyên nhân thường do người chơi không khởi động kỹ, các động tác đập bóng, sai kỹ thuật, hoặc một lực tác động mạnh vào. Chấn thường này thường dẫn đến rách dây chằng bao khớp, viêm hoặc rách gân cơ khợp xoay và cơ trên gai.

Âu Hồng Nhung đã phải chuyển qua rất nhiều vị trí để thích nghi sau chấn thương.

Gặp phải những chấn thương dạng này VĐV chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tập luyện và thi đấu. Việc phục hồi sau chữa trị cũng cần có chuyên gia về chấn thương thể thao hướng dẫn theo những bài tập nhất định để phục hồi một cách an toàn.

Chấn thương lưng

Chấn thương lưng là một trong những chấn thương nặng của các VĐV bóng chuyền. Theo thời gian khi sử dụng cơ lưng trong những lần nhảy đập bóng hoặc chuyền bóng khiến cơ gặp vấn đề. Không những thế khi nhảy cao và rơi xuống VĐV bóng chuyền sẽ bị ảnh hưởng tới cột sống. Không ít những trường hợp VĐV phải nghỉ giữa chừng để giữ cho mình thể trạng ổn định sau khi gặp phải những chấn thương về lưng, cột sống.

Bùi Thị Huệ đã gặp phải những chấn thương khá nặng trước thềm mùa giải 2020.

Điển hình như chủ công Bùi Thị Huệ sau những chấn thương trong suốt quá trình thi đấu và tập luyện thì giờ đây ở tuổi 35 cô đang cố gắng cống hiến những năm tháng cuối cùng trong màu áo Than Quảng Ninh ở mùa giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020.

Chấn thương liên quan tới gối

Một chấn thương khiến các cầu thủ bóng chuyền thấy ám ảnh nhất là những chấn thương liên quan tới gối. Chấn thương ở chân thường do khớp gối hoặc cổ chân bị xoắn quá mạnh khiến chân bạn không có thời gian nghỉ. Hoặc đầu gối bị đứt dây chằng, bong gân hoặc bị rách bàn chân.

Đây là những dạng chấn thương cơ bản nhất mà hầu như bất kỳ VĐV bóng chuyền nào cũng gặp ít nhất 1 lần trong đời. Nặng nhất là những ca đứt dây chằng, nó ảnh hưởng nhiều tới sức bật, di chuyển khiến VĐN phải mổ. Nếu quá trình hồi phục không đúng kỹ thuật có thể VĐV sau chấn thương sẽ mất luôn cả sự nghiệp.

Dương Thị Hên cũng là cái tên giải nghệ sớm vì những chấn thương.

Đối với không ít VĐV nổi tiếng của làng bóng chuyền Việt Nam thì nhiều ca chấn thương đã cuốn theo cả sự nghiệp đang nở rộ trước mắt. Có thể thấy Hà Ngọc Diễm (TH Vĩnh Long) hay Dương Thị Hên của VTV Bình Điền Long An là những ví dụ điển hình về ám ảnh của chấn thương.

Để khắc phục được những vấn đề này điều trước tiên những VĐV cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để khắc phục và điều trị kịp thời những chấn thương nhẹ trong quá trình tập luyện và thi đấu. Nếu những chấn thương nặng, cần có sự tham khảo ý kiến của các bác sỹ thể thao để đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho việc phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật.

Chấn thương là điều không ai muốn khi bước chân vào nghề thể thao,nhưng nó lại là một phần của thể thao đỉnh cao nên chắc chắn những kiến thức cơ bản sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong mọi hoạt động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *