Người thuê kéo về quê, chủ trọ bất mãn: Giúp họ hết lòng, họ âm thầm quay lưng

Trước tình trạng người thuê âm thầm kéo nhau về quê, chủ trọ chua chát vì tiền nhà không thanh toán mà cũng không nhận được bất kỳ câu chào hay thông báo nào.

Những ngày qua, sau 4 tháng giãn cách, nhiều người lao động kéo nhau về quê theo kiểu tự phát không chỉ khiến tình hình an ninh trật tự bị ảnh hưởng mà các chủ trọ cũng điêu đứng. Nguyên nhân là vì suốt 4 tháng qua, nhiều chủ trọ gồng mình giảm tiền phòng, điện nước, đồng thời hỗ trợ thực phẩm và các nhu cầu khác cho khách thuê để giảm đi phần nào gánh nặng cho họ. Chủ trọ hiểu cho nỗi lòng khách thuê nhưng một bộ phận khách thuê nào có thương cho chủ trọ.

Cụ thể, tình trạng người dân ồ ạt kéo nhau về quê đã làm nhiều chủ trọ chua chát vì họ không nhận được thông báo trả phòng và cũng không được thanh toán tiền thuê. Người thuê tự ý rời đi, bỏ lại cho họ sự ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa. Nợ ngân hàng, điện nước họ vẫn phải trả nhưng tiền phòng bị xù một cách “lãng xẹt”. Một chủ trọ đã viết bài than thở trên mạng xã hội như sau:

“Nhà trọ bên mình 35 phòng, vì nguyên nhân tổ chức về quê mà các bạn trốn về hết. Trong khi nhà trọ tôi 3-4 tháng nay không lấy tiền phòng còn giảm 50% để qua dịch các anh chị em trong trọ thanh toán dần. Tiền điện tiền nước cũng cho không lấy tiền lãi.

Ngân hàng thì nhà tôi vẫn đóng hàng tháng 15 triệu đồng tiền điện nước các bạn tiêu dùng thêm 21 triệu đồng là 36 triệu đồng. Bây giờ tổng nợ 35 phòng đã vượt hơn 140 triệu đồng rồi. Bây giờ các bạn tổ chức về quê hết bỏ trốn gần 10 phòng và tiếp tục sẽ còn tăng vì nghe hàng xóm nói họ đang dọn dần. Thật sự mình bất lực lắm bây giờ mình cũng đâu ép các bạn thanh toán tiền phòng được, ai cũng khó khăn mà.”

Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, chủ trọ đối đãi hết sức tử tế với người thuê và thậm chí còn tặng 10kg gạo, chưa bao giờ chê trách nửa câu nếu họ chưa kịp thanh toán tiền. Ấy vậy mà ngày hôm nay chủ trọ bị đối xử như thế này khiến họ vô cùng buồn lòng và bất mãn:

“Chính sách doanh nghiệp đang dần mở lại, về quê rồi lỡ lây dịch bệnh cho gia đình các bạn thì sao. Nguồn cung ứng lương thực của Bình Dương là từ miền Tây các bạn, chúng tôi ăn rau củ quả là từ quê các bạn. Lỡ dịch bệnh rồi đồ ăn cung ứng không đủ, vật giá leo thang. Lúc đó chúng ta cùng khổ chứ ai! Mong bạn nào còn gượng được ở lại thì ở cùng Bình Dương vượt qua dịch bệnh. Ai có ý định và chắc chắn về thì trước khi đi gọi họ 1 tiếng dù không có khả năng trả thì hãy cũng gọi biết đâu một ngày còn gặp lại nhau ở nơi này” – người này viết.

Bài đăng nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng mạng. Khoan bàn đánh giá chuyện người dân ồ ạt về quê, chỉ tính riêng chuyện tự ý dọn đồ mà không thông báo với chủ nhà một tiếng, âm thầm bỏ đi như vậy là chưa đúng và thiếu tình người.

Dẫu biết suốt 4 tháng qua người thuê đã rất mệt mỏi khi bó gối ngồi nhà, không có nguồn thu nhập để trang trải chi tiêu, tiền dự phòng đã cạn kiệt, đối diện với 4 bức tường, với sự bí bách không cách nào chịu được nên họ muốn gấp rút về quê sớm được chừng nào hay chừng đó. Thương lắm chứ! Dẫu biết về quê cũng có muôn vàn khó khăn đang đón đợi, nhưng dù sao ở quê cũng dễ kiếm miếng rau miếng cháo qua ngày… Nhưng làm gì thì làm cũng nên nói chuyện tử tế với chủ nhà, ở tiếp hay trả phòng cũng phải nói cho rõ ràng và thanh toán tiền sòng phẳng trước khi đi. Nếu không có tiền thì xin hẹn lại hoặc có giải pháp để chủ nhà yên tâm.

Dịch bệnh trong suốt thời gian qua đã đem đến quá nhiều mệt mỏi và khó khăn, ai ai cũng đều mong cuộc sống mau chóng trở lại bình thường để còn làm việc kiếm tiền. Vì vậy mà giờ mọi người ồ ạt về quê cũng là điều dễ hiểu, thiếu thốn và bí bách chỉ mong ngày được tự do. Thế nên nhìn cảnh mọi người chen chúc nhau mong muốn được về quê vừa thương mà vừa lo lắng. Nhưng rất nhiều người trong số họ rời đi đột ngột như vậy đem đến sự bất lực và bất mãn trong lòng những chủ nhà trọ.

Chủ nhà đối xử tốt với mình thì bản thân cũng phải cư xử cho đúng mực. Ai cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình mà!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *