“Lần sau, anh bảo mẹ đừng can thiệp vào chuyện của chúng ta. Đừng tưởng mua cho chúng ta căn nhà thì thích đến lúc nào thì đến”, lời con dâu nói khiến tôi chua chát.
Tôi năm nay 62 tuổi. Mấy hôm nay, theo dõi những bài viết của quý báo về vấn đề người già sống tự do, không phụ thuộc con cái, tôi bỗng thấy chột dạ.
Tôi vốn có một hoàn cảnh khá đặc biệt. 32 năm trước, khi con trai được 2 tuổi thì chồng tôi mất. Một mình tôi làm lụng lo cho con và mẹ chồng già yếu, bệnh tật nên cứ thiếu trước hụt sau.
Khi con được 6 tuổi, mẹ chồng tôi qua đời. Người họ hàng ở Đức về chơi, thấy hai mẹ con khó khăn nên khuyên tôi để con lại cho ông bà ngoại rồi sang nước ngoài làm ăn mấy năm, kiếm chút vốn về lo cho con.
Tính đi tính lại, tôi thấy con đường đó là sáng sủa nhất nên đã nén nước mắt, gửi con cho bố mẹ đẻ, sang xứ người mưu sinh.
Những năm tháng bên Đức, có bao nhiêu cơ cực và nước mắt nhưng tôi vẫn cố gắng, chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm tiền để sau này con trai có tương lai tốt đẹp.
Thấm thoắt 5 năm trôi qua, con trai tôi đã vào cấp 2. Cháu ngoan ngoãn, học giỏi khiến tôi rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, mẹ đẻ tôi qua đời. Bố tôi ốm đau nên hai ông cháu được đưa đến ở cùng vợ chồng em trai tôi.
Các em rất thương và quan tâm đến cháu, nhưng không biết vì lý do gì, con tôi bỗng trở nên ương bướng, khó bảo. Cháu hay bỏ học và đi chơi điện tử cùng bạn bè. Có lần, cháu còn đánh nhau, bị nhà trường gọi lên kiểm điểm.
Em trai khuyên tôi nên thu xếp công việc để về dạy con nhưng lúc đó, việc bên Đức không cho phép tôi nghỉ. Hai năm sau, tôi mới trở về thì con trai tôi đã là đứa trẻ hư hỏng, không thể học hết cấp 3.
Giận con nhưng cũng thương con, tôi quyết tâm cho con đi học bổ túc, quyết lấy bằng cấp 3 rồi đi học nghề cơ khí.
Con ra trường, đã bớt nghịch ngợm và tu chí làm ăn nên tôi đầu tư cho con mở xưởng. Tuy nhiên, xưởng của con làm ăn không tốt, chỉ vài năm đã đóng cửa. Con phải lên Hà Nội làm thuê cho người ta.
Bốn năm trước, con dẫn bạn gái về ra mắt và xin được làm đám cưới. Cô gái có vài phần tôi không ưng nhưng thấy hai con quấn quýt, vui vẻ nên tôi đồng ý.
Cưới xong, các con muốn sống ở thủ đô, tôi lại đành dốc hết vốn liếng, mua cho con căn nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội). Còn tôi vẫn sống ở quê.
Gần đây, trong hội bạn tôi chơi có một người bị ốm, nằm viện Hà Nội. Chúng tôi thuê xe lên đó thăm. Dự kiến, cả đoàn sẽ đi trong buổi sáng. Vì thế, tôi không nói với các con.
Tuy nhiên, vào viện thăm bạn xong thì tôi thấy người khó chịu, hoa mắt, chóng mặt. Bạn bè khuyên tôi nên ở lại viện để khám bệnh. Tôi khám xong thì trời đã sẩm tối nên gọi cho con trai đến đón về nhà.
Tối đó, sau khi ăn uống xong xuôi, tôi và con trai, con dâu ngồi trên ghế sofa xem tivi và nói chuyện. Tôi bảo các con nên có kế hoạch sinh con sớm. Tôi sẽ lên ở cùng, bế con cho chúng chuyên tâm làm ăn.
Con dâu không nói nửa lời, đứng dậy đi vào phòng trong. Con trai tôi thấy vậy cũng đi theo vợ.
“Lần sau, anh bảo mẹ, đừng can thiệp vào chuyện của chúng ta. Đừng tưởng mua cho căn nhà thì thích đến lúc nào là đến, thích nói gì là nói”, tiếng con dâu cất lên khi cửa phòng của chúng vừa đóng lại.
“Được rồi, em cứ nhịn đi. Ngày mai là bà ấy về rồi. Anh sẽ không để em phải sống chung với bà ấy đâu. Đừng quan tâm đến lời của bà ấy. Việc chúng ta, chúng ta làm”, tiếng con trai tôi đáp lại.
Tôi đau như có ai vừa đâm trúng trái tim mình. Đêm đó, tôi không thể ngủ được. Buổi sáng, các con chưa ngủ dậy, tôi đã sắp quần áo để chuẩn bị đón xe về quê.
Trên xe về, nước mắt tôi cứ chảy tràn. Tôi tự hỏi, liệu mình có sai không khi đã nỗ lực hết mình vì con, dành cho con tất cả để đến bây giờ, khi mọi tiền của đã đổ dồn cho con, tôi lại được nghe từ con những lời như vậy.
Tôi thật sự thấy mình quá thảm hại rồi. Xin mọi người cho tôi biết, tôi đã sai ở đâu và làm thế nào để tôi có thể sửa chữa sai lầm đó.