Những cục đất có hương vị được miêu tả là thơm ngon, béo ngậy đã trở thành món ăn đặc sản được người Lập Thạch, Vĩnh Phúc ăn trong hàng trăm, hàng chục năm nay.
Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có 1 ngôi làng được gọi với cái tên “làng ăn đất” rất nổi tiếng với tập tục đào đất để ăn. Không biết từ bao giờ người làng này đã có thói quen ăn đất. Ngay cả những người lớn tuổi nhất trong làng từ khi sinh ra đã thấy cha ông thường ngày cầm đất mà ăn ngon lành.
Trước đây, không chỉ có dân Lập Thạch thích ăn mà còn nhiều người ở khu vực lân cận cũng đến mua về. Khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được còn bày bán tràn lan ở chợ chẳng khác gì rau, thịt.
Tuy nhiên đến hiện tại không có quá nhiều người trẻ mặn mà với việc ăn đất, một phần là do số lượng còn lại không nhiều. Song một vài người già trong làng, trong đó có vợ chồng cụ Khổng Văn Loa và Khổng Thị Biện vẫn giữ thói quen này đến tận bây giờ.
Cụ Biện cho biết đã bắt chước cha của mình ăn đất đến nay cũng vài chục năm và một khi đã thích thì không thể quên được mùi vị đặc trưng của món ăn này: “Đất ngon lắm. Không phải đất nào cũng ăn được, chỉ đất vùng này do chúng tôi làm mới ăn được. Ngày nào không ăn vài miếng đất là trong người khó chịu.” – cụ Biện nói.
Theo cụ Biện, đất ăn được phải đào sâu hàng chục mét, gặp những vỉa đất màu trắng như những cục phấn mới đúng loại. Đất được đưa lên phải đem đi rửa, phơi khô rồi lọc hết cặn bẩn bám xung quanh, miếng nào to thì cắt ra cho vừa miếng ăn.
Sơ chế xong những miếng đất có thể ăn sống luôn hoặc hơ qua rơm. Nhưng để có vị thơm ngon đặc trưng thì phải hái lá cây sim tươi đốt cháy rồi hơ miếng đất lên trước ngọn lửa. Lúc này ăn vào sẽ có cảm giác thơm, bùi như lương khô nhưng không bị khát nước.
Để cho mùi vị thơm ngon hơn, người ta sẽ dùng lá sim hoặc lá ổi hun. (Ảnh: Dân Trí)
Qua hàng chục đến hàng trăm năm với tục lệ khai thác đất để ăn và bán, số lượng đất ăn được còn lại không quá nhiều, gần như chỉ có ở mảnh đất đồi Vàng gần nhà cụ Biện: “Tôi chỉ còn khoảng 1 tạ đất ăn, đồi Vàng đã được con cháu tôi san đi gần hết để làm nhà cửa. Sau này khi tôi ra đi, tục ăn đất có lẽ cũng không còn. Những gì còn lại chỉ là hoài niệm trong trí nhớ của nhiều người về 1 vùng quê nghèo.” – cụ Biện tâm sự.
Theo Lao Động, từng có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất, văn hóa vì tò mò nên cũng đến khảo sát, tổ chức hội thảo và lí giải về hiện tượng ăn đất này. Các phân tích gọi đây là đất cao lanh, chứa nhiều canxi, khoáng chất nên những ai thiếu canxi, sắt thường tìm ăn để bổ sung vi chất.
Do ăn nhiều nên dần trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người. Cộng với việc từ xưa điều kiện thiếu thốn nên vẫn có người ăn mãi đến lúc già.
Thật không ngờ một thứ chưa bao giờ được nghĩ sẽ trở thành món ăn lại là đặc sản của 1 vùng miền. Từng có người nói “không tiền cạp đất mà ăn” nhưng giờ có tiền cũng nào chắc được thưởng thức thứ đất này.