Gọi người phụ nữ ở nhà trông con là “kẻ ăn bám” nghe sao chua chát và bất bình đẳng quá. Không có người chịu hy sinh lợi ích riêng để ở nhà làm việc quần quật, đầu tắt mặt tối chăm nom con cái thì thử hỏi người đi làm liệu có yên tâm? Đừng nghĩ chồng đem tiền về nuôi vợ thì xem vợ là gì cũng được.
Ai cũng muốn được ăn sang mặc đẹp, tiền xài dư dả khỏi phải suy nghĩ, nhưng trong cuộc sống đôi khi chúng ta phải đứng trước sự lựa chọn mà bản thân không hề mong muốn. Nhất là đối với phụ nữ, sau khi lấy chồng sinh con, nhiều chị em sẽ phải ở nhà trông con cho đến khi đứa trẻ cứng cáp có thể gửi nhà trẻ.
Ai có ông bà trông con giúp thì đỡ, không thì phải một mình tự chăm. Thời gian này chính là lúc họ nhạy cảm nhất, đối mặt với nhiều suy nghĩ tiêu cực. Chính vì vậy, họ cần có sự quan tâm, động viên từ người chồng để giúp họ thêm tự tin và tích cực hơn.
Nhưng rất tiếc là các ông chồng rất ít người có thể cảm nhận được nỗi lo lắng của vợ, họ sống vô tư dẫn đến vô tâm khiến người phụ nữ tự bơi trong mớ bồng bông rối rắm.
Dưới đây là tâm sự của mẹ bỉm sữa ở nhà trông con đã khiến bao nhiêu chị em xúc động bởi họ như đọc được tiếng lòng của mình. Họ chấp nhận ở nhà để lo cho chồng con, chấp nhận mặc xấu để nhường phần tốt cho chồng con nhưng đôi khi còn bị mắng là “kẻ ăn bám” một cách đầy vô tâm và tàn nhẫn đến thế. Nội dung dòng tâm sự ấy như sau:
“Câu chuyện… ăn bám (đọc là chảy nước mắt).
Người không đi làm, ở nhà chăm con, sẽ được mang tiếng là “ăn bám”. Kẻ “ăn bám” thì không được coi trọng, phải thức trông con cho người đi làm ngủ, phải giữ con cho người đi làm ăn cơm trước, phải làm tất tần tật việc nhà, và phải đảm bảo cơm dẻo, canh ngọt cho người đi làm về ăn.
Kẻ “ăn bám” thì có thể không cần ăn sáng, cơm mỗi bữa có ăn ít một chút cũng không sao. Vì ở nhà thì đâu có mệt như người đi làm? Kẻ “ăn bám” thì vốn dĩ đâu có việc gì để làm? Sáng có thể “nướng” thêm một chút, rồi dậy vệ sinh cho con.
Thay bỉm, rồi nấu đồ ăn cho con, tranh thủ chờ đồ ăn chín, thì cho con uống vitamin. Sau đó cho con ăn, cho uống, rồi trông con chơi. Trong thời gian con chơi, tranh thủ đặt nồi cơm, nấu đồ ăn cho gia đình, con mà quấy thì tay bế, tay nấu.”
“Được cái con nhỏ thì lúc nào cũng quấy. Con ngủ trưa chừng 1,5-2 giờ. Tối đến, sau bữa cơm là khoảng thời gian hạnh phúc. Kẻ “ăn bám” có thể được xem tivi và trông con, nhưng cũng có khi là tranh thủ làm vài việc khi không vướng con. Như là dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn cho ngày hôm sau, thu xếp lại vài thứ, giặt giũ, phơi phóng. Có những khi xong việc cũng khuya.
Nửa đêm, kẻ “ăn bám” phải dạy dỗ con ngủ lại cho ngon. Thế là hết một ngày thật dài…
Đây là câu chuyện có thật dựa trên những tháng ngày đã qua của một số đông các bà mẹ bỉm sữa hiện tại. Không phải câu chuyện của riêng ai, cũng không có ai ưu ái gọi mình là kẻ “ăn bám”. Nhưng vô hình chung, tất cả những mẹ bỉm sữa chăm con, đúng thật là kẻ “ăn bám” đáng thương. Họ không phải làm việc gì cả, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác, họ thật sung sướng.
Nhưng có những khi, kẻ “ăn bám” thật sự, thật sự mệt mỏi. Vì không phải lúc nào con cũng khỏe mạnh tươi vui, không phải lúc nào con cũng tự chơi, không phải lúc nào con cũng ngoan. Con hay bày bừa, phá phách, rũ tung, xé toạc mọi thứ. Con ăn, nôn trớ khắp mọi nơi, con nghịch đủ mọi thứ, con rúc chỗ nọ, móc chỗ kia, con ăn vạ, con ngang bướng… Có những lúc đầu óc, và sự kiên nhẫn, đôi khi muốn nổ tung!
Chúng tôi không thơm tho, chúng tôi bù xù, lôi thôi, và chúng tôi cáu gắt, khó tính. Chúng tôi, nếu chưa kịp làm việc gì, là sẽ có câu hỏi: “Ở nhà làm cái gì mà còn chưa…!” Chúng tôi đâu có làm gì đâu, chúng tôi rảnh quá mà, chúng tôi là những kẻ “ăn bám”.
“Không phải kể lể, ai có con mà chẳng phải vậy? Nhưng nếu so sánh việc ở nhà với đi làm, thì chúng tôi – những người phụ nữ ở nhà chăm con, lương sẽ rất cao. Vì chúng tôi không làm giờ hành chính 8 tiếng một ngày.
Giờ hành chính của chúng tôi gần như 20 tiếng một ngày. 20 tiếng áp lực, la hét, mệt mỏi, cáu gắt. 20 tiếng chúng tôi phải bỏ hết năng suất, để những người đi làm, đỡ mệt mỏi. 20 tiếng chúng tôi chiến đấu, không vì gì hết! Chỉ là nghĩa vụ của tất cả những phụ nữ, làm mẹ. 20 tiếng! Ai trả lương cho chúng tôi?
Hay chỉ cần vuốt tóc tơ con đang say ngủ, nhìn chồng ăn bữa cơm ngon, là chúng tôi thấy mệt mỏi chẳng là gì. Chúng tôi hi sinh không vì gì, không ai ghi nhận, không lương, không một lời cảm ơn! Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng. Vậy đừng vì cho chúng tôi miếng cơm, mà nghĩ chúng tôi “ăn bám”.
Bài viết nói lên nỗi niềm của những người phụ nữ chấp nhận đánh đổi giữa công danh sự nghiệp bằng việc ở nhà trông con. Nhưng họ nhận được gì khi bị mang tiếng là kẻ ăn bám? Kẻ ăn bám trong mắt nhiều người là nhân vật vô tích sự, chỉ biết bám víu vào người khác bòn rút. Còn chị em đặt hạnh phúc gia đình lên trên hết, quần quật suốt ngày với những công việc không tên thì có đáng bị gọi là kẻ ăn bám?
Ai cũng phải làm việc để sống, để nuôi gia đình. Nếu người đàn ông ra ngoài kiếm tiền thì người phụ nữ ở nhà cũng xử lý hàng tá công việc không tên. Họ giống như siêu nhân, mọi việc đều được xử lý gọn gàng trước khi người chồng trở về nhà. Họ không làm ra tiền nhưng họ là người biết giữ tiền cho chồng, biết rút gọn các khoản chi tiêu một cách hiệu quả nhất, biết giữ hòa khí gia đình,…
Họ vất vả hơn rất nhiều so với những người đi làm vì thời gian làm việc của họ là 20 tiếng hoặc hơn, trong khi người đi làm chỉ 8 tiếng/ngày. Chưa kể người đi làm thì có lương còn vợ ở nhà thì làm không công. Công bằng nào cho những người vợ, người mẹ?
Ngưng gọi người ở nhà là kẻ ăn bám, bởi ở nhà với trăm công ngàn việc vẫn bị gọi là ăn bám thì thà ra ngoài đi làm sướng hơn. Các anh chồng nên nhớ này, nhà có phụ nữ giỏi giang lo lắng mọi việc trong ngoài thì các anh mới có thể vùng vẫy ngoài xã hội. Hậu phương có vững thì tiền tuyến mới làm được việc đấy nhé.
Nguồn tham khảo: Công lý & xã hội