Mỗi 1 vùng miền sẽ có 1 phong tục khác nhau khi chuẩn bị lễ cưới, có không ít nơi xem tiền dẫn cưới như 1 món quà và là lời cảm ơn đến gia đình nhà gái đã sinh thành, dưỡng dục người con gái mà họ chuẩn bị đón về làm dâu.
Thế nhưng, cũng vì điều đó mà có không ít câu chuyện éo le xảy ra. Chẳng hạn như trên mạng xã hội mới đây bất ngờ xuất hiện câu chuyện của 1 cô gái kể về tình huống éo le mà mình đã trải qua khi sát ngày cưới vẫn phải hủy hôn vì nhà trai tính toán tiền thách cưới.
“Nghĩ lại thấy buồn mọi người ạ. Lẽ ra hôm nay em sẽ được diện váy cô dâu, sánh vai chú rể bước lên lễ đường trao nhẫn cưới. Vậy mà giờ em lại phải ngồi đây vò võ một mình trong nước mắt. Dù bản thân hiểu rằng quyết định của mình là không sai, nhưng vẫn thấy đau quá.
Em với anh ấy yêu nhau được 3 năm thì tính chuyện đám cưới. Hôm anh dẫn em về giới thiệu gia đình, bố mẹ anh gặp mặt tỏ ra khá quý mến em nên tác thành cho 2 đứa đến với nhau sớm.
Mẹ anh đi xem được ngày liền mang trầu cau xuống bên nhà em dạm ngõ, nói chuyện người lớn. Nói chung lúc gặp mặt, hai bên vui vẻ, nói cười rôm rả lắm. Mẹ anh còn hết lời khen em ngoan ngoãn. Bà bảo rất ưng em về làm dâu nhà bà.
Tính bố mẹ em thoải mái, thủ tục cưới xin thế nào ông bà để cho nhà trai quyết định cả. Riêng có khoản thách cưới thì nhà trai phải theo nhà gái, vì đó là phong tục bao đời của quê em.
Khoản lễ đen này bố mẹ em cân nhắc rất kỹ. Bình thường ở khu em, nhà nào có con gái đi lấy chồng cũng thách cưới tầm bốn năm chục triệu. Nhà em đương nhiên không thể bỏ qua phong tục này, song bố mẹ em chỉ yêu cầu nhà anh khoản lễ 20 triệu gọi là cho có thủ tục, sau này sẽ cho bọn em làm vốn.
Mẹ em nói rõ ràng như thế. Ai ngờ vừa nghe xong, mẹ anh trợn mắt bảo: ‘Thế khác gì là mua dâu. Thời này là thời nào rồi còn thách cưới ngần ấy tiền. Chúng tôi không đồng ý với khoản thách thức ấy. Con trai tôi hỏi vợ chứ không mua vợ’.
Lúc nghe đằng nhà anh nói thế, cả em với bố mẹ đều sốc. Mà có phải riêng mình nhà em đâu, còn họ hàng đại diện nội ngoại nhà em ngồi đó nữa chứ. Phía nhà anh ăn nói như thế đúng là không tôn trọng gia đình em chút nào.
Bố mẹ em bực lắm song vẫn cố nhẫn nhịn giải thích đó là phong tục. Ấy thế mà mẹ anh lại phán thêm câu xanh rờn: ‘Phong tục thì phong tục, tôi chỉ để lễ đen 3 triệu không hơn’.
Cả họ nhà em trố mắt trước màn trả giá ‘mua dâu’ không khác gì mua rau thịt ngoài chợ của thông gia tương lai. Bố em nóng mặt, đập phịch tay xuống bàn quát: ‘Khỏi, nhà bà không cần bỏ một đồng thách cưới nào hết vì nhà tôi không bán con gái đâu’.
Nói rồi bố em hất tung luôn mâm trầu cau ra giữa sân, chỉ tay ‘tiễn khách’.
Bố mẹ anh hằm mặt ra xe về. Anh cũng nghe lời bố mẹ quay ra bảo nhà em ép người quá đáng. Thất vọng tràn trề, em chỉ gật đầu đáp lại: ‘Nếu anh thấy quá đáng thì giải tán luôn cho sớm’.
Vậy là buổi dạm ngõ của em khép lại trong tan tác. Sau hôm ấy, anh cũng vài lần gọi điện hẹn gặp em bàn bạc lại nhưng em không đồng ý. Em nghĩ ngay từ đầu bố mẹ anh đã không tôn trọng nhà em thì có cưới về cũng khó sống lắm. Hai bên thông gia sẽ nhìn mặt nhau thế nào.
Đặc biệt, điều làm em nản nhất là anh không có lập trường, luôn nghe theo bố mẹ. Với tính cách và lối suy nghĩ ấy, em làm vợ anh chỉ khổ mà thôi nên em quyết chấm dứt mọi chuyện tại đây”.
Dòng tâm sự ngay sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Cộng đồng mạng nhanh chóng chia làm 2 phe tranh cãi nảy lửa. Người thì cho rằng gia đình cô gái quá đáng, người khác lại cho rằng cách hành xử của nhà trai không đúng.
Chỉ mong rằng sau câu chuyện này cũng là lời cảnh tỉnh cho các gia đình hoặc cặp đôi chuẩn bị tổ chức đám cưới hãy cùng nhau bàn bạc, cân nhắc thật kĩ để đi đến thống nhất. Đừng vì cái tôi của mình rồi khiến hạnh phúc các con tan vỡ.