Cúng ông Công Ông Táo thường gọi ngắn gọn là Cúng ông Táo nhằm vào ngày 23 tháng Chạp, người Việt ta lại tất bật làm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Táo quân còn được coi là vị thần Bếp, chính vì vậy nhiều người quan niệm rằng phải cúng Táo quân ở bếp mới là đúng.
Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ bắt nguồn từ sự tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo. Theo quan niệm của người xưa, ba vị thần này được Trung ương Hoàng Đế phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện – Ác của loài người.
Sau đó, cứ vào ngày 23 hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Vì thế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Người dân thường chuẩn bị mâm cúng chu đáo với mong muốn Táo quân hài lòng sẽ nói tốt cho mình, như vậy sẽ được ban lộc và tránh bị Ngọc Hoàng quở trách.
Theo phong tục truyền thống và theo các nhà nghiên cứu, lễ cúng Táo Quân nên tiến hành vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Thông thường giờ cúng tốt nhất là vào trưa ngày 23, trước 12 giờ, vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
Năm nay, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch rơi vào thứ Năm, nhiều người vẫn phải đi làm, vì vậy không nhất thiết cứ phải cúng vào trưa 23 mà có thể cúng vào các giờ khác từ đêm 22 đến trước 12h ngày 23 đều được.
Cúng ông công, ông táo ở bếp hay trên ban thờ thì đúng?
Tuy nhiên, hiện nay việc cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp đang có sự khác biệt. Có những gia đình chọn cúng ông Công, ông Táo tại gian bếp. Có gia đình lại cúng trên ban thờ, có nơi lại cúng dưới đất…
Lý giải về sự khác biệt trong việc thờ cúng này, Ts. Ngô Duy Thịnh cho rằng, đây là sự khác biệt của văn hóa. Khi ở không gian xã hội nào thì có đặc thù ấy. Cúng ông Công, ông Táo ở ban thờ tổ tiên hay cúng ở nhà bếp, cúng ở dưới đất đều không sai.
“Tùy theo từng dân tộc sẽ chọn vị trí thờ cúng ông Công, ông Táo ở những vị trí khác nhau. Ví dụ như người dân tộc Tày họ thờ cúng Táo quân trên ban thờ tổ tiên. Một số địa phương ở miền Bắc cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo dưới bếp. Có những nơi lại cúng ở trên bức vách ngoài cửa ra vào…”, Ts. Ngô Duy Thịnh nói.
Vị chuyên gia văn hóa này cho biết thêm, việc cúng tiễn đưa ông Công ông Táo ở mỗi không gian văn hóa rất khác nhau. Do đó, không thể nói cúng trên ban thờ là đúng và cúng ở bếp là sai được. Điều quan trọng nhất là lòng thành kính, ý nghĩa nhân văn (phóng sinh cá chép) mà tín ngưỡng này mang lại vì giúp sống nhân văn, hướng thiện hơn.
Ts. Ngô Duy Thịnh cho hay: “Khi cúng tiễn ông Công, ông Táo chỉ cần một mâm cỗ đơn giản có thịt gà, thịt lợn, xôi, cá chép, 3 bộ quần áo giấy… Không nên làm quá cầu kỳ, phô trương mà mất đi những nét tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc”.
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp của người miền Bắc được hầu hết mọi nhà cúng trên ban thờ. Còn người miền Nam cúng 3 vị thần này ở dưới đất.
Lễ cúng ông Công, ông Táo: Mọi nhà nên cúng ở bếp hay trên ban thờ?
GS. Trần Ngọc Thêm cho hay, việc cúng các vị thần trên tại ban thờ của người miền Bắc chưa có một cơ sở lý giải nào nào chắc chắn vì sao như vậy. Nhưng theo phỏng đoán, người miền Bắc coi ông Công, ông Táo là thần. Vì vậy họ nghĩ, thần phải được thờ cúng trên cao, phải nhận được sự tôn kính nhất.
Vào ngày 23 tháng Chạp, người miền Bắc thường bày biện một mâm cỗ và 3 con cá chép, 3 bộ quần áo mới cho các vị thần trên để tỏ lòng thành kính nhằm tiễn đưa các Táo lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong năm qua.
Ngược lại: “Người miền Nam có tư duy dân dã, bình dân. Họ nghĩ thần cai quản ở đâu thì thờ cúng ở đó. Vì vậy họ thường thờ cúng thần thổ công và các Táo ở dưới đất”, Gs. Trần Ngọc Thêm nói.