Nếu như Thái Bình được coi là cái nôi của bóng chuyền Việt Nam thì ngay cạnh đó, mảnh đất hà Nam cũng sản sinh ra những VĐV bóng chuyền thuộc vào hàng khủng của làng bóng chuyền Việt.
Cái tên được nhắc tới đầu tiên phải kể đến nữ trung tá xinh đẹp Phạm Thị Yến của lò bóng chuyền Thông tin. Phạm Thị Yến là một trong những chủ công thuộc thế hệ vàng của Bóng chuyền Việt Nam giai đoạn 2005-2015 với những cú nhảy phát uy lực và chơi bóng tài hoa. Thành công tại CLB bóng chuyền nữ BTL Thông tin – LienVietPostBank cùng rất nhiều chức VĐQG và huy chương Bạc, Đồng SEA Games.
Nhắc đến cô là nhắc tới những quả tấn công biên mạnh mẽ. Có thể nói sự nghiệp của Phạm Yến có quá nhiều điểm nhấn đáng tự hào, đặc biệt với BTL Thông tin – LienVietPostBank, chị chính là biểu tượng cho sức mạnh và sự dẻo dai không biết mệt mỏi.
Chưa có thống kê chính thức nhưng Phạm Thị Yến chắc chắn là chủ công ghi nhiều điểm nhất nước ở giải vô địch quốc gia, cũng như trên tuyển trong thời gian chơi bóng đỉnh cao với hiệu suất trung bình trên 20 điểm mỗi trận.
Một người khác của lò Thông tin mà bóng chuyền Hà Nam từng sản sinh là Đỗ Thị Minh – Người chị họ của Phạm Thị Yến. Cô gái từng suýt trượt trong đợt tuyển sinh của CLB bóng chuyền nữ BTL Thông tin – LienVietPostBank đã dần trưởng thành và vụt sáng nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình.
Vị trí vững vàng tại CLB và là thành viên không thể thiếu của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia trong khoảng 10 năm trở lại đây là lời khẳng định chói sáng cho tài năng của cô gái quê Hà Nam.
Sở hữu thành tích VĐQG thuộc hàng cao nhất trong làng bóng nữ, ngay cả HCĐ, HCB tại các kỳ đại hội thể thao ĐNÁ (SEA Games) của Đỗ Thị Minh cũng thuộc vào dạng khủng.
Hiện tại Đỗ Thị Minh đã giải nghệ nhường lại sân chơi cho thế hệ sau tỏa sáng và cô lùi vào hậu trường, dành tài năng cho việc phát triển thế hệ trẻ của CLB bóng chuyền giàu truyền thống nhất Việt Nam.
Một tượng đài lẫy lừng mà bóng chuyền Hà Nam từng sản sinh như Ngô Văn Kiều chính là niềm tự hào của mảnh đất Hà Nam. Oanh tạc cơ của bóng chuyền nam Việt Nam có gốc gác tại Phủ Lý, Hà Nam nhưng anh cống hiến trọn thanh xuân cho đội bóng phố biển – Sanest Khánh Hòa.
Từng được coi là VĐV thành công nhất dải đất hình chữ S khi xuất ngoại và là chủ công hàng đầu của bóng chuyền nam trong suốt một thời kỳ dài. Ngô Văn Kiều chính là hình mẫu cho những VĐV trẻ trên con đường phát triển và khẳng định tài năng với niềm đam mê bóng chuyền cháy bỏng.
Cô gái phụ công – Lưu Thị Huệ của đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương và đội tuyển quốc gia cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nam. Sở hữu chiều cao ấn tượng 1,85m, Huệ được HLV Nguyễn Thúy Oanh dìu dắt và cô tiến bộ rất nhanh về chuyên môn, cùng với đó là chiều cao trong những năm đầu gia nhập đội bóng Ngân hàng.
Năm 15 tuổi, Lưu Huệ được triệu tập vào đội tuyển trẻ Việt Nam, bắt đầu thể hiện phẩm chất của một tay đập cự phách với hiệu suất ghi điểm đáng nể so với những VĐV cùng trang lứa.
Chơi bóng ở vị trí phụ công, Lưu Thị Huệ chính là hình ảnh của Nguyễn Thị Ngọc Hoa của đội tuyển Việt Nam trước đây. Những phẩm chất cực tốt như sức bật đà và bật tấn công đều cao, cẳng tay khéo, sải tay dài, tầm với khá rộng và tiếp thu rất nhanh lối đánh hiện đại.
Sở trường của cô gái này là đánh nhanh ở vị trí số 3, đối phương rất khó đeo bám và chắn kịp. Lưu Thị Huệ đã khẳng định được giá trị và khả năng của mình khi là một trong những phụ công triển vọng nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay.
Một chủ công khác tài năng không kém có xuất thân từ mảnh đất Hà Nam đó chính là Đinh Thị Thúy của Kinh Bắc Bắc Ninh. Cô gái xinh đẹp được coi là chủ công xuất sắc của đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương. Cô được gọi lên tuyển quốc gia năm 18 tuổi, được coi là một trong những tay đập trẻ triển vọng của bóng chuyền Việt Nam.
Sau khi lên tuyển, sự phát triển của Thúy ngày một vững chắc, tuy nhiên năm 2019 cô dính vào vụ lùm xùm giữa CLB và đã chuyển sang thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh. Hiện nay, Đinh Thị Thúy chính là nòng cốt của đội bóng chuyền Kinh Bắc trên con đường chinh phục những đỉnh cao mà HLV kỳ cựu Phạm Văn Long đang hướng tới.