Khi bão giá vàng bất ngờ ập đến

Việc giá vàng liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục trên cả thị trường thế giới và trong nước đã tác động mạnh đến nhiều nhà kinh doanh, đầu tư mặt hàng này.

Nhiều chủ tiệm vàng thừa nhận trong mấy chục năm kinh doanh vàng, họ chưa bao giờ chứng kiến giá mặt hàng này lại biến động thất thường, tăng giảm với tốc độ kinh hoàng đến như vậy.

Có hiện tượng bong bóng giá vàng

Tính đến hết ngày 8-8 vừa qua, giá vàng thế giới đã trải qua chín tuần tăng giá liên tiếp và phá vỡ mọi kỷ lục về giá. Đây là chu kỳ tăng giá dài nhất trong lịch sử giá vàng thế giới.

Đặc biệt, từ giữa tháng 7 vừa qua, giá vàng thế giới và trong nước liên tục thiết lập kỷ lục mới. Ban đầu vượt qua mốc 1.920 USD/ounce của năm 2011, rồi phi mã lên ngưỡng 2.000 USD/ounce và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử giá vàng với 2.072 USD/ounce.

Giá vàng trong nước theo đà tăng của vàng thế giới cũng lên giá từng giờ, có thời điểm lên đỉnh cao gần 62,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng mức giá cao kỷ lục này chỉ kịp tồn tại trong chớp nhoáng rồi nhanh chóng lao dốc. Màn “lượn tàu cao tốc” của thị trường kim loại quý quá đột ngột khiến nhà đầu tư trong nước không kịp trở tay, nhiều người lỗ nặng.

Bình luận về cơn biến động kinh hoàng của giá vàng, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích: Từ gần hai năm trở lại đây, giá vàng thế giới đã rục rịch tăng nhưng xu hướng tăng rõ rệt nhất là từ đầu năm nay. Tính trong vòng gần tám tháng qua, giá vàng thế giới đã tăng trên 500 USD/ounce, tương đương tăng khoảng 14 triệu đồng/lượng, trong khi đó giá vàng SJC tăng lên đến trên 20 triệu đồng/lượng.

“Không bao giờ có chuyện giá vàng tăng mãi hoặc giảm mãi, nhất là sau vài chục phiên tăng giá thần tốc nên giá vàng bước sang giai đoạn điều chỉnh là cần thiết. Phải có những bước điều chỉnh như vậy thì giá vàng trong trung và dài hạn mới có thể trở nên bền vững được” – ông Khánh nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: Giá vàng thế giới tăng chủ yếu là do khủng khoảng kinh tế, bất ổn chính trị và tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Tuy nhiên, đó còn ẩn chứa cả nguyên nhân do các nhà đầu cơ vàng lớn trên thế giới, những nhà đầu tư “cá mập” lợi dụng những vấn đề trên để tạo sóng vàng dâng cao rồi nhanh chóng xả hàng nhằm chốt lời.

“Ngoài ra, không ít nhà kinh doanh vàng trong nước cũng tận dụng cơ hội này để thổi giá bán lên các đỉnh cao chưa từng có nhưng lại dìm giá mua vào xuống rất sâu và đẩy rủi ro cho khách hàng” – vị chuyên gia ngân hàng đánh giá.

Giá vàng biến động như “tàu lượn siêu tốc” trong những ngày gần đây và dự báo sẽ tiếp tục biến động khó lường. Ảnh: THÙY LINH

Giá vàng trong nước cao bất thường

Có một điểm cần lưu ý là có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới đến gần 5 triệu đồng/lượng. Đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.

Lý giải về hiện tượng bất thường này, ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia, phân tích: Giá vàng trong nước tăng giảm một phần do ảnh hưởng bởi thị trường vàng thế giới nhưng ở nhiều thời điểm vẫn không cùng nhịp. Hơn nữa, thị trường vàng trong nước và thế giới không liên thông do Việt Nam cấm xuất nhập vàng và một số đơn vị kinh doanh vàng thiếu nguồn cung dẫn đến giá vàng trồi sụt bất thường, chênh lệch giá mua-bán quá lớn.

“Thực tế từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nhập thêm vàng và Công ty SJC cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công số vàng móp méo. Tức là lượng vàng miếng SJC chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu đó thôi nên khi người dân đổ xô mua thì đương nhiên giá bán tăng cao nhưng giá mua vào sẽ rất thấp. Do vậy, nhà đầu tư trong nước bị lỗ nặng khi phải mua giá cao mà bán giá thấp và chịu thiệt thòi” – ông Khánh nhận định.

Vị chuyên gia về vàng này cũng cho rằng khi thị trường vàng trong nước khan hiếm nguồn cung mà không được nhập qua chính ngạch thì cũng dễ nảy sinh nguy cơ nhập lậu qua biên giới. “Còn đối với người dân và nhà đầu tư, khi mua vàng trong bối cảnh giá biến động khó lường cộng với khan hiếm nguồn cung thì họ sẽ phải chịu rủi ro lớn do các tiệm vàng đẩy giãn cách giá mua-bán lên rất cao” – ông Khánh nói thêm.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định: “Các đơn vị kinh doanh vàng miếng báo cáo với NHNN hằng tuần và nhận thấy không có dấu hiệu khan hiếm. Trong suốt tháng 7, giá biến động mạnh nhưng giao dịch mua bán vàng của các đơn vị lại giảm đi so với những tháng trước đó khoảng 2.400 lượng, còn khoảng 190.000 lượng, do giá tăng quá cao”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *