Ðoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã tạo nên bước phát triển vượt bậc, mang tính đột phá trên mọi lĩnh vực.
Hải Phòng đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu đại hội đảng bộ thành phố lần thứ 15 đề ra, nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước từ 2-3 năm. Vững tin vào sự lãnh đạo của trung ương đảng và khát vọng phát triển,với khí thế và quyết tâm mới, Hải Phòng sẽ cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước, hướng tới là thành phố hàng đầu châu Á trong tương lai gần.
Trong 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội 15 Ðảng bộ thành phố, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng đã không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tích quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới.
Kinh tế-xã hội thành phố có bước phát triển vượt bậc, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu mà Nghị quyết Ðại hội 15 Ðảng bộ thành phố đề ra đều đã đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch về cả tiến độ thời gian và mức tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm tăng 14,02%, gấp hai lần giai đoạn 2010-2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 5.863 USD, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đề ra, gấp gần hai lần so với năm 2015. Tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước từ 3,5% năm 2015 đã tăng lên 5,1% năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 408.498 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5 năm đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2010-2015.
Sự phát triển của kinh tế-xã hội Hải Phòng trong 5 năm qua đã theo đúng các định hướng phát triển trong Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội 15 Ðảng bộ thành phố. Bức tranh tổng quan về sự phát triển kinh tế-xã hội Hải Phòng trong nhiệm kỳ vừa qua có thể khái quát như sau:
Thứ nhất: Chủ trương của Thành ủy về đổi mới công tác đầu tư, khơi thông mọi nguồn lực, huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đã được thực hiện thành công. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố đạt 564.295 tỷ đồng, gấp ba lần nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%.
Thứ hai: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là 43.886 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2015. Hải Phòng hiện là địa phương có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại, liên hoàn.
Khu vực đô thị trung tâm thành phố đã được chỉnh trang, nâng cấp, chuyển biến nhanh theo hướng văn minh, hiện đại. Không gian đô thị được mở rộng, phát triển theo đúng quy hoạch.
Thứ ba: Ba trụ cột kinh tế của thành phố có bước phát triển vượt bậc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp 2,12 lần giai đoạn 2010-2015 và hơn hai lần tốc độ tăng chung của cả nước. Ngành công nghiệp đã được điều chỉnh cơ cấu, phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, điển hình là Nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG…
Cảng biển quốc tế Hải Phòng đã hoàn thành, đi vào vận hành hai bến khởi động, đủ khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 200 nghìn tấn.
Lĩnh vực du lịch đã thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao.
Thứ tư: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với những cách làm mới đã thành công, đến năm 2019 toàn bộ 100% số xã của thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Công tác giáo dục-đào tạo, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đều được quan tâm đầu tư có bước phát triển mới.
Thứ năm: Công tác an sinh xã hội được Ðảng bộ, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong cả nhiệm kỳ, đã có 17.595 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hộ nghèo, 77.809 người trong diện hưởng trợ giúp xã hội đã được hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội của thành phố với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn thành phố giảm từ gần 4% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự trị an xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân toàn thành phố được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Ðảng, tự hào về sự phát triển của
thành phố.
Những thành tích đạt được toàn diện trong 5 năm qua, trước hết là do thành phố luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời là thành quả từ sự nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn thành phố, và cũng là kết tinh của một quá trình lao động bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ của Ðảng bộ thành phố.
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua đối với Ðảng bộ Hải Phòng là luôn chú trọng tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Ðảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Ðảng, duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thật sự tiền phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết vì sự nghiệp chung. Ðây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định làm nên những thành công toàn diện của thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Hải Phòng đứng trước vận hội to lớn để phát triển bứt phá. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã hoạch định cho thành phố con đường xây dựng, phát triển trong giai đoạn mới. Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 16 tới đây sẽ có trách nhiệm thể chế đường lối, định hướng tại Nghị quyết số 45-NQ/TW nói trên trong Nghị quyết Ðại hội để tổ chức thực hiện.
Ðảng bộ thành phố xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Ðến năm 2025, thành phố Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; là trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính-chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Ðông-Nam Á vào năm 2030.
Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội cũng đều được đặt ra ở mức cao, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, bảo đảm tính biện chứng, tính hiện thực. Trong đó các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là: Tăng trưởng GRDP đạt bình quân 14,5%/năm; tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước; GRDP bình quân năm 2025 đạt 11.800 USD/người; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 21,5%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1.200 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng năm 2025 đạt 300 triệu tấn; khách du lịch đến năm 2025 đạt 20 triệu lượt; đến năm 2025 có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ðể thực hiện thành công các định hướng, mục tiêu trên, Ðảng bộ thành phố chủ trương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một: Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển.
Hai: Ðổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Ba: Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Bốn: Ðầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Năm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Sáu: Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước.
Bảy: Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tám: Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Chín: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh; đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.
Phát huy những thành tích, kết quả toàn diện của nhiệm kỳ vừa qua, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu để hiện thực hóa khát vọng vươn lên, xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2025, hướng tới là một trong những thành phố hiện đại hàng đầu của khu vực Ðông-Nam Á vào năm 2030 và của châu Á vào năm 2045 như Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã đề ra, xứng đáng là “Thành phố gương mẫu của nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.