‘Già cậy con’ là quan niệm lỗi thời có thể đẩy chúng ta vào tuổi già không nơi nương tựa, gặp nhiều rủi ro đồng thời hủy hoại tương lai của con cái.
Quan niệm ‘già cậy con’ vẫn còn trong suy nghĩ nhiều người. Vậy nên, nhiều cha mẹ dốc hết tâm sức, gom góp đến đồng tiền cuối cùng để lo cho con mà không biết mình đang chơi một ‘canh bạc cuộc đời’ đầy rủi ro. Vì ngón tay có ngón dài ngón ngắn, con cái đứa hiếu nghĩa, đứa vô tâm – thật không biết đâu mà lần.
Nhiều người tuổi già tứ cố vô thân, không điền sản, may mắn thì vào trại dưỡng lão, không thì cũng vất va vất vưởng kiếm cơm đầu đường xó chợ. Lúc dồn hết tình thương, tâm huyết cho con, nào mấy ai nghĩ đến ngày bị con cái trở mặt, đuổi xua.
Nhưng ‘canh bạc cuộc đời’ còn rủi ro ở khía cạnh khác. Nhiều đứa con thật sự có hiếu với cha mẹ. Nhưng chẳng may công việc làm ăn xuống dốc, lâm vào cảnh nợ nần, từ đó không thể báo hiếu. Trong khi cha mẹ đã dốc hết tài sản cho con làm ăn mà chẳng hề nghĩ đến việc ‘thủ thân’.
Mặt khác, quan niệm ‘già cậy con’ có thể hủy hoại tương lai con cái. Còn nhớ có những miền quê đang yên ả, bỗng rộ lên phong trào cho con gái lấy chồng nước ngoài để có tiền giúp bố mẹ trả nợ, mua đất cất nhà. Những con người mộc mạc, chân chất, suy nghĩ giản đơn như bản chất vốn có, cứ nghĩ rằng con ra nước ngoài sung sướng, cha mẹ cũng được nhờ.
Đã có thời những câu cửa miệng của một số người cha người mẹ miền quê khi gặp nhau là khoe con tôi vừa gởi về nhiêu đây, còn con chị thế nào. Chẳng biết từ bao giờ, họ mặc định gởi càng nhiều tiền là chữ hiếu càng lớn.
Nhưng họ biết đâu, có những người con phải chấp nhận cuộc sống cực nhọc, nhục nhã, bị đày đọa nơi xứ người. Không phải cô gái Việt nào cũng may mắn được chồng yêu thương. Khác ngôn ngữ, xuất phát điểm không phải tình yêu, hôn nhân đến từ nhiều mục đích khác nhau đã khiến nhiều cô gái héo hon dần mòn trong lớp vỏ bọc gia đình.
Có người vì phẫn uất, bế tắc, bị hành hạ mà tìm cách từ bỏ cuộc sống để chấm dứt chuỗi ngày đau khổ. Song chưa bao giờ họ dám than thở hay hé môi về hoàn cảnh của mình với gia đình. Họ lo lắng sẽ làm cha mẹ thêm lo nghĩ, tuổi già sống còn được bao nhiêu ngày vui đâu.
Lúc này thì suy nghĩ ‘già cậy con’ đã gây ra những bi kịch không thể cứu vãn, tàn phá cuộc đời tương lai của con cái.
Vậy nên, nếu cha mẹ muốn tuổi già tự do, hạnh phúc, đủ đầy mà chẳng cần phiền lụy con cái thì hãy bớt ‘yêu con”.
Đừng dốc hết lòng hết dạ để về già sống đầy mạo hiểm bằng việc phụ thuộc vào lòng hiếu kính của con.
Hãy thể hiện trách nhiệm với bản thân bằng cách tích lũy để khi cuối đời tự lo cho chính mình mà không phải nhờ đến con.
Đừng làm thay con mọi thứ, cho con tất cả thứ con muốn vì như vậy là hại con, khiến con sống ích kỷ và dựa dẫm.
Hãy tận hưởng niềm hạnh phúc khi nuôi dưỡng một đứa trẻ, nhìn nó lớn lên mỗi ngày thay vì đẻ con để về già có nơi nương tựa.
Đừng gây áp lực trả hiếu lên con cái vì như vậy sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của tình cảm gia đình.