Cổ phiếu bầu Đức bất ngờ “gây sốt” bất chấp tháng “cô hồn”

Cặp cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ tăng trần trong phiên 19/8 (nhằm ngày 1/7 âm lịch). Thị trường chứng khoán tăng điểm với số lượng mã tăng áp đảo.

Các cổ phiếu của bầu Đức bất ngờ được mua vào rất mạnh trong phiên 19/8

Cặp cổ phiếu của hai công ty Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) là một trong những điểm sáng của phiên giao dịch hôm qua (19/8).

Cả hai mã này đều tăng trần và có thanh khoản tốt. Trong khi HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng trần lên 4.290 đồng/cổ phiếu thì HNG của HAGL Agrico cũng tăng trần lên 12.800 đồng. Và nếu HAG khớp lệnh 10,23 triệu cổ phiếu thì HNG được khớp 1,43 triệu cổ phiếu.

Trong quý 2 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục kinh doanh thua lỗ hợp nhất nhưng tình trạng lỗ đã thu hẹp đáng kể so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu đạt 647 tỷ đồng, tăng so với mức 512 tỷ đồng của quý 2/2019; lỗ sau thuế 65 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 728 tỷ đồng). Tuy nhiên, điểm sáng là có lãi ròng (sau khi loại trừ khoản lỗ từ cổ đông không kiểm soát) vẫn đạt 10 tỷ đồng.
Còn về phía HAGL Agrico, công ty cũng đạt doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ lên 499 tỷ đồng; lãi trước thuế hơn 7 tỷ đồng và lãi ròng lên tới hơn trên 9 tỷ đông do có lỗ thuộc về cổ đông không kiểm soát hơn 2 tỷ đồng.

Cùng với HAG, HNG thì trên thị trường phiên hôm qua còn có SHB cũng tăng trần lên 13.600 đồng và được khớp lệnh 8,28 triệu đơn vị.

LCG tăng trần lên 8.880 đồng, khớp lệnh 1,98 triệu đơn vị; TLD tăng trần lên 15.500 đồng, khớp lệnh 1,57 triệu cổ phiếu; DGW tăng trần lên 45.600 đồng, khớp lệnh 1,24 triệu cổ phiếu. BII, D2D, HAP, SPI cũng tăng trần.

Một số mã tăng trên liên tục trong nhiều phiên gần đây, có thể kể đến PPI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương, PVV của Công ty cổ phần Vinaconex 39; DAC của Viglacera Đông Anh; VHG của Đầu tư Cao su Quảng Nam; MBS của Chứng khoán Bảo Minh.

Mặc dù thanh khoản yếu nhưng diễn biến các chỉ số trong phiên giao dịch ngày 19/8 (trùng ngày Mùng 1 tháng Bảy âm lịch) vẫn rất khả quan.

VN-Index tăng 4,78 điểm tương ứng 0,56% lên 851,21 điểm còn HNX-Index cũng tăng 2,17 điểm tương ứng 1,85% lên 119,19 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,08 điểm tương ứng 0,15% lên 57,17 điểm.

Trong khi đó, khối lượng giao dịch trên HSX đạt 240,14 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 3.999,15 tỷ đồng. Trên HNX có 51,88 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 654,64 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 15,94 triệu cổ phiếu tương ứng 223,91 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường trong phiên này trở nên lạc quan hơn với số lượng 454 mã tăng, 70 mã tăng trần, áp đảo so với 285 mã giảm, 27 mã giảm sàn.

Thị trường tăng giá với số lượng mã tăng áp đảo

Riêng trong rổ VN30 có 21 mã tăng giá và theo đó, chỉ số VN30-Index đạt tăng 2,46 điểm tương ứng 789,41 điểm. Mặc dù vậy, khác với những phiên trước, biên độ tăng của VN30-Index lần này lại yếu hơn so với VN-Index cho thấy động lực giúp thị trường tăng trưởng lại là nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ.

Một số mã VN30 có mức tăng khá mạnh là POW tăng 3,2%; PLX tăng 2,1%; KDH tăng 1,5%; TCH tăng 1,5%; ROS tăng 1,3%; SSI tăng 1%. VRE, VCB, TCB, MSN, BID, VHM, HPG, GAS cũng tăng những mức tăng khiêm tốn.

Chiều ngược lại, VNM, HDB, CAV, STG, VGC giảm giá và có ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, song mức tác động không đáng kể.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn đi ngang trong vài phiên tới và bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.

Điểm tích cực là nhóm vốn hoá vừa và nhỏ tiếp tục thu hút dòng tiền và mức độ phân hóa của dòng tiền sẽ tiếp tục giảm dần, nghĩa là dòng tiền sẽ lan tỏa đều hơn giữa các nhóm cổ phiếu trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.

Mai Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *