Theo thông tin mới nhất về vụ nữ sinh Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu (An Giang) tự tử vì bị trường kiểm điểm. Sở GD&ĐT tỉnh vừa tạm đình chỉ công tác Hiệu trưởng và Hiệu phó nhà trường.
Nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường. Trong lúc học sinh thập tử nhất sinh thì cô giáo đăng đàn tố học sinh giả vờ chết để vu oan cho nhà trường. Phía nhà trường thừa nhận có sai sót, dùng từ gây hiểu nhầm với nữ sinh này, nhưng cho rằng nữ sinh chỉ ngất xỉu trong nhà vệ sinh, còn việc tử tự hay không sẽ có cơ quan có thẩm quyền trả lời. Đại diện nhà trường đến thăm học sinh duy nhất 1 lần vào ngày 3/12.
Cô giáo chủ nhiệm đăng đàn tố học sinh giả vờ chết để đổ oan cho giáo viên và nhà trường
Trong lúc em Y. đang chuyển viện từ An Giang lên TP.HCM vì tình trạng chuyển biến xấu, tài khoản mạng xã hội của người được cho là cô giáo chủ nhiệm của em đã có những lời lẽ tàn nhẫn, độc địa trên chính sinh mạng của học sinh mình.
Theo MTG, trên Zalo xuất hiện nội dung từ nick Yêu Màu Tím được cho là của cô giáo của em Y.
Người này viết: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen… Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”.
Trong những câu trả lời bên dưới, lời lẽ của cô giáo vô cùng trịch thượng và độc địa:
“Tự tử chết có coi là vinh quang không con?”.
“Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc M. (chị ruột em Y.) cho biết nick Zalo này của cô giáo dạy em Y sử dụng. Gia đình không có Zalo của cô nhưng em Y. và bạn học trong trường đều có.
“Từ khi Y. nhập viện thì gia đình giữ điện thoại di động không cho em xem Facebook hay Zalo sợ em bị sốc tâm lý nặng hơn. Còn nội dung cô giáo viết thì được các bạn của Y. gửi cho gia đình xem. Khi xem nội dung đó mọi người trong gia đình, kể cả bạn thân Y. đều rất bức xúc.”
Cách hành xử tệ, trái với sự dịu dàng, mẫu mực của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử nhà giáo
Nội dung bài đăng của cô giáo chủ nhiệm ám chỉ việc nữ sinh Y. giả vờ tự tử để vu oan cho cô này và nhà trường bằng lời lẽ rất mỉa mai, trịch thượng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cần nhớ rằng khi sự việc xảy ra, nhiều người đánh giá công bằng và khách quan cũng đã có lời bênh vực nhà trường, nhưng hành xử của cô giáo đăng đàn tố học sinh giả vờ chết để vu oan cho nhà trường đã khiến nhiều người phẫn nộ. Một số bình luận của cư dân mạng:
“Thầy cô trường này đã khôngt tôn trọng “quyền con người”, khi đi hạ nhục học sinh giữa lớp (đập bàn, nói to tiếng, hạ nhục học sinh), giữa sân trường (bêu tên học sinh, sáng tác thêm tội cho học sinh…), thì làm sao mà đòi làm tốt sự nghiệp trồng người như tiêu chí đã đề ra.
Đúng là phải nghe hai tai, ai đúng ai sai chưa biết nhưng cái cách đăng status thắng thua của giáo viên trên mạng xã hội khi mà học sinh vẫn còn nằm viện là vô cảm, không có lương tâm con người chứ đừng nói đến lương tâm nghề nghiệp”
“Đồng ý là cần nghe hai tai. Tôi chỉ không thích cách phản ứng của cô giáo. Dù có thế nào thì đạo đức của nghề cũng không cần dùng những từ ngữ kiểu hằn học hay tức tối như thế. Nếu học sinh đã phải chọn cách tự tử để lên tiếng về vấn đề nào đó, đứng trên góc độ nhà giáo và người có kinh nghiệm, nên nhìn lại bản thân và xem lại mọi việc, giáo viên như thế tôi đánh giá là không được”
“Cứ để thông tin đến từ 2 phía thì nhận xét sự việc chưa muộn. Nhưng xét riêng việc trò đã như vậy mà thể loại giáo viên còn đăng những câu nói kia được thì không biết dùng từ ngữ gì để diễn tả cho được cái sự khốn nạn”
“Nhà trường là nơi giáo dục tiên lễ hậu văn, là môi trường dạy cho các em các cháu từ chưa ngoan thành ngoan, chưa giỏi trở nên giỏi hơn, chứ không phải nơi để 1 em học sinh giỏi đến tự tử rồi bản thân như bị vu oan còn em tự tử là tội đồ. Dạy chưa đc thì dạy tiếp chứ sao lại tại các em. Tui thấy cô này không có tư cách làm nhà giáo.”
“Dù lí do như nào đi nữa. Nhưng 1 người giáo viên mà đem cái chết của người khác, nhất là người đó lại là học sinh của mình ra để chế diễu thì người đó không xứng đáng là giáo viên”
Còn theo Tuổi Trẻ, nhiều thầy cô giáo đã có những nhìn nhận, đánh giá đằng sau câu chuyện giáo dục đáng buồn này
Thầy Huỳnh Thanh Phú – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) – thẳng thắn nhìn nhận:
“Dù kỷ luật để răn đe học trò nhưng rõ ràng chưa làm trẻ tâm phục khẩu phục mới dẫn đến hành động như thế. Đúng như đã xác minh, sau sự việc phát hiện em tự tử bất thành, giáo viên viết trên Facebook là cách hành xử tệ, trái với sự dịu dàng, mẫu mực của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử nhà giáo.”
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft, đánh giá:
“Sự việc đã xảy ra là một chuyện, hậu xử lý lại là chuyện khác, nhưng cô giáo đem học sinh ra viết trên mạng xã hội là chỉ trích học sinh và cho cả thế giới đều biết. Đó là hành vi sai nghiêm trọng, cần kiểm điểm nghiêm túc chứ không phải quyền cá nhân thì giáo viên thích “tự do” trên trang của mình.”
Theo MTG, ngày 5/12, ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương (TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) xác nhận sau khi em Nguyễn Thị Ngọc Y. (SN 2005, học sinh lớp 10A4) nằm viện thì một cô giáo dạy em Y. có viết trên Zalo nội dung vô cảm. Hiện tại nhà trường đang yêu cầu cô gỡ nội dung đó xuống.
“Nhà trường cũng đã có hỏi cô giáo tại sao lại viết nội dung đó thì được cô trả lời là chỉ nói vu vơ thôi nên nhà trường đã yêu cầu cô không viết tiếp và gỡ hết những gì cô đã viết, đã đăng”, ông Hùm cho biết.
“Sau mọi chuyện diễn ra, em không dám đến trường nữa”
Ngày 6/12, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang có công văn về việc xảy ra tại Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7/12/2020). Sở GD&ĐT An Giang nhận thấy, trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót như tổ chức dạy thêm, học thêm, có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành….
Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường như đã nêu trên, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang Sở GD&ĐT An Giang còn giao cho Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cường, chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 liên quan đến sự việc xảy ra tại trường và việc đăng thông tin trên mạng xã hội (sau khi sự việc xảy ra), đối chiếu với các quy định của ngành chức năng, có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo về Sở GD&ĐT trong thời gian sớm nhất.
Đến thời điểm hiện tại, em Y. được chăm sóc tại Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Em khẳng định mình cố tình uống thuốc tự tử để giải thoát áp lực bị bạo hành tinh thần. Trong lớp cô hay ám chỉ em gây mất đoàn kết trong lớp, mặc đồ mỏng, cho rằng việc em không học tất cả các môn phụ đạo là gia đình làm việc với thầy hiệu trưởng chứ không phải với cô…
“Sau mọi chuyện diễn ra, em không dám đến trường nữa. Em tìm đến cái chết vì muốn thay đổi suy nghĩ của thầy cô, không muốn ba mẹ phiền lòng”, nữ sinh buồn bã cho biết.
Tại giường bệnh, chị gái ruột trực tiếp chăm sóc cho Y. chia sẻ, từ khi em chị chuyển viện lên TP.HCM đến nay, cô Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm của nữ sinh không hề gọi đến hỏi thăm hay xin lỗi. Cô giáo này là một trong những người trực tiếp tác động nhiều lần, khiến Y. bị ức chế tâm lý, xuất phát từ việc Y. chỉ học 1 trong 6 môn học phụ đạo của trường.
“Em tôi nói chỉ yếu nhất môn Tiếng Anh và vì lý do sức khỏe nên xin chỉ học phụ đạo môn này. Cô Huệ nói với em học bao nhiêu môn cũng phải đóng tiền (mỗi học kỳ hơn 600.000 đồng) và việc này là bắt buộc.”
Để hỗ trợ tinh thần cho Y., bác sĩ tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nói chuyện, giải tỏa cho em. Các bác sĩ khuyên Y. về cuộc sống còn rất nhiều người tốt, đặc biệt là cha mẹ vẫn luôn ở cạnh em, nên đừng vội vã hủy hoại sinh mạng của mình. Bên cạnh đó, bác sĩ tư vấn cho người nhà để giúp đỡ Y. vượt qua căng thẳng, mỗi khi gặp sự cố trong cuộc đời.
Được biết, em Y. là học sinh giỏi 9 năm liền, trước khi vào lớp 10. Gia đình cho biết em bị hen suyễn từ bé, sức khỏe kém, chưa kể đang gãy tay kẹp inox trước khi vụ việc xảy ra, nên mới không thể học tất cả các môn phụ đạo. Điều mà tất cả mọi người lo lắng là với tâm lý của em Y. hiện tại và cách hành xử cô giáo chủ nhiệm đăng đàn tố học sinh giả vờ chết thì liệu nữ sinh này còn có đường về học lại trường cũ hay không?