Đang tuyệt vọng vì bạn trai cắt đứt mọi liên lạc từ lúc được báo tin “đứa con của chúng mình đang hình hài”, đột nhiên Nguyễn Huyền Trân nhận được tin nhắn từ mẹ anh.
“Tôi rất lo lắng, nhưng sẽ nói chuyện với con trai về việc này”, bà Julie Hale, 59 tuổi, ở London, nhắn cho cô gái là người yêu của Thomas David Selvey – con trai út của bà. Nhưng Huyền Trân không còn tin vào bất cứ thứ gì liên quan đến Thomas.
Đó là câu chuyện của năm 2015, khi Huyền Trân, 22 tuổi, đang làm kế toán ở TP HCM. Cô và Thomas quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. Ngày đầu gặp nhau cũng là ngày cuối cùng chàng trai người Anh ở lại Việt Nam sau một tháng du lịch. Cuộc gặp ngắn ngủi nhưng sự hồn nhiên của cô gái bản xứ đủ khiến Thomas rung động. Vừa về nước, chàng trai đã đặt vé để một tháng sau quay lại Việt Nam.
Sự lãng mạn, ga lăng của Thomas đã chinh phục hoàn toàn trái tim cô gái Việt. Suốt thời gian sang Việt Nam lần thứ hai, đôi trẻ thường xuyên quấn quýt bên nhau. Một tháng sau, cô gái lo lắng báo tin cho Thomas rằng mình đã có thai. “Anh không xác định gì cả. Anh với em ở quá xa nhau nên không thể cưới được”, bạn trai nhắn với cô. Lúc đó, thu nhập của anh chỉ đủ đáp ứng cuộc sống một mình với đam mê du lịch. Thomas nói mình còn quá trẻ, chưa sẵn sàng lập gia đình và không dám nói chuyện này với bố mẹ. Huyền Trân chết lặng.
“Em không muốn con mình có một gia đình không hoàn hảo. Nếu anh đã quyết định vậy, em sẽ bỏ đứa bé”, cô gái Việt nhắn để thử lòng bạn trai. “Anh tôn trọng mọi quyết định của em”, Thomas trả lời. Tuyệt vọng, cô quyết định bỏ con.
Cái thai hơn bốn tuần tuổi, Huyền Trân một mình đến bệnh viện Từ Dũ định làm thủ thuật. Nhưng cứ đến cổng viện cô lại khóc, quay về. Sau ba lần như thế, Huyền Trân quyết định làm mẹ đơn thân. “Nỗi lo lớn nhất của tôi là làm thế nào nói sự thật với bố mẹ”, cô gái Việt kể.
Mãi đến khi cái thai bốn tháng, bố mẹ Huyền Trân mới biết. Tưởng “giông tố” sẽ ập xuống đầu, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dứng nói với con gái: “Nó không nuôi thì bố mẹ sẽ cùng con nuôi cháu”. Trút được gánh nặng nhưng đêm nào cô cũng khóc vì thương ba mẹ phải chịu điều tiếng không lành và nghĩ đến tương lai của đứa con không cha. “Đó là những ngày đen tối nhất đời tôi”, Huyền Trân nhớ lại. Đã có lúc cô nghĩ đến việc lén sinh con rồi gửi nhà chùa hoặc đem cho.
Trong lúc bế tắc, Trân tìm Facebook của anh trai Thomas kể sự tình. Tin nhắn đó được chuyển đến bà Julie Hale – mẹ của anh. Biết tin, người phụ nữ vội gặp con trai út nói chuyện.
“Thomas nói rất lo lắng nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi bảo ‘con sắp làm cha và phải thực hiện trách nhiệm đó nghiêm túc. Mẹ không thể sống khi biết cháu mình bị bỏ rơi'”, bà Julie kể. Nghe câu nói đó, Thomas ôm chầm lấy mẹ.
Bà Julie và con trai đều chủ động nhắn tin cho Huyền Trân. Thomas hỏi thời gian dự sinh để sắp xếp công việc bay sang, còn bà Julie xin địa chỉ nhà để gửi bỉm, sữa, đồ dùng cho đứa cháu sắp chào đời.
Ngày trở lại Việt Nam, ẵm con trên tay, Thomas thốt lên khi nhìn thấy con giống mình “như đúc” với đôi mắt màu xanh, sóng mũi cao và mái tóc vàng. Để chuộc lỗi với vợ, đêm đêm anh thức cùng Trân pha sữa, thay bỉm cho con. Chỉ một cái cựa mình của bé Freya, cũng khiến ông bố trẻ giật mình lo lắng.
“Hóa ra anh không phải người xấu như mình vẫn nghĩ”, Huyền Trân xét lại. Cô nhận ra thời gian họ bên nhau chưa nhiều, cũng không hứa hẹn điều gì. Đứa trẻ chính là mối duyên kết nối hai người ở hai đất nước xa lạ.
15 ngày sau, vợ chồng bà Julie cũng bay tới Việt Nam thăm gia đình thông gia và cháu nội. Cái ôm ấm áp của người phụ nữ lần đầu gặp đã xóa nhòa mọi khoảng cách và lo lắng của cô gái Việt.
Một tuần ở Việt Nam, bà Julie săn sóc, giặt giũ cho cháu nội và vun vén tình yêu cho con trai. Bà kể với Huyền Trân, Thomas đã buồn bã và lo lắng cho mẹ con cô thế nào trong những ngày xa nhau. Qua bà Julie, cô mới biết chồng đã “mít ướt” rất nhiều khi cô phải mổ cấp cứu lúc sinh con. “Hóa ra trong những ngày tôi lo lắng, hoảng sợ và cô đơn, anh cũng rất đau khổ. Cách yêu thương chân thành của anh và giờ là những lời kể của mẹ đã làm trái tim tôi ấm lại”, cô tâm sự.
Ngày trở lại Việt Nam, ẵm con trên tay, Thomas thốt lên khi nhìn thấy con giống mình “như đúc” với đôi mắt màu xanh, sóng mũi cao và mái tóc vàng. Để chuộc lỗi với vợ, đêm đêm anh thức cùng Trân pha sữa, thay bỉm cho con. Chỉ một cái cựa mình của bé Freya, cũng khiến ông bố trẻ giật mình lo lắng.
“Hóa ra anh không phải người xấu như mình vẫn nghĩ”, Huyền Trân xét lại. Cô nhận ra thời gian họ bên nhau chưa nhiều, cũng không hứa hẹn điều gì. Đứa trẻ chính là mối duyên kết nối hai người ở hai đất nước xa lạ.
15 ngày sau, vợ chồng bà Julie cũng bay tới Việt Nam thăm gia đình thông gia và cháu nội. Cái ôm ấm áp của người phụ nữ lần đầu gặp đã xóa nhòa mọi khoảng cách và lo lắng của cô gái Việt.
Một tuần ở Việt Nam, bà Julie săn sóc, giặt giũ cho cháu nội và vun vén tình yêu cho con trai. Bà kể với Huyền Trân, Thomas đã buồn bã và lo lắng cho mẹ con cô thế nào trong những ngày xa nhau. Qua bà Julie, cô mới biết chồng đã “mít ướt” rất nhiều khi cô phải mổ cấp cứu lúc sinh con. “Hóa ra trong những ngày tôi lo lắng, hoảng sợ và cô đơn, anh cũng rất đau khổ. Cách yêu thương chân thành của anh và giờ là những lời kể của mẹ đã làm trái tim tôi ấm lại”, cô tâm sự.
Rời Việt Nam khi cháu nội và Huyền Trân vẫn ở lại khiến bà Julie buồn lòng. Người mẹ quyết định tìm mọi cách giúp các con đoàn tụ. Việc đầu tiên, bà xin phép bố mẹ Huyền Trân được đón hai mẹ con cô sang Anh.
Ông Nguyễn Văn Dứng, bố Huyền Trân, kể: “Để chúng tôi yên tâm, bà ấy chụp rất nhiều ảnh ngôi nhà, thị trấn nơi mình sống để tôi biết con gái sẽ ở đâu. Bà ấy hứa khi sang Anh, sẽ đảm bảo Trân có cuộc sống hạnh phúc nhất có thể”. Thấy các con thương yêu nhau thật lòng, gia đình Thomas tử tế, chân thành, vợ chồng ông gật đầu.
Sau một năm hoàn tất thủ tục, mẹ con Thomas đón Huyền Trân và Freya sang đoàn tụ. “Giờ con tôi đã có cha, tôi còn có người chồng yêu thương và mẹ chồng tốt bụng, trách nhiệm”, cô gái Việt lúc này đã đổi tên thành Celeste Nguyen, nói.
Khi Huyền Trân sang Anh đôi vợ chồng trẻ được dọn về nhà riêng, cách gia đình chồng 30 phút lái xe.
Cuộc sống ở nơi xứ người không dễ bắt nhịp. Nhưng đúng như lời hứa, bà Julie luôn cố gắng để con dâu “hạnh phúc nhất có thể”.
Mọi đồ đạc trong ngôi nhà của vợ chồng Celeste đều do mẹ chồng sắm sửa. Thấy con dâu ăn mì Ý với nước mắm, lần nào đến thăm, bà cũng xách theo vài chai. “Nước mắm chất đầy nhà, đến nỗi tôi phải bảo mẹ đừng mua bà mới thôi”, cô dâu Việt kể. Đến siêu thị, cứ thấy đồ ăn “made in VietNam” là bà lại “khuân” về.
Con gái được ba tuổi, Huyền Trân gửi trẻ để đi làm từ 9h sáng đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần. “Con bé rất chăm chỉ và ngọt ngào”, bà Julie nói lý do mình yêu quý con dâu. Lo con bị bóc lột sức lao động, cứ Huyền Trân đi làm chỗ mới, bà lại đến tận nơi “phỏng vấn” kỹ lưỡng chủ của cô về thời gian, điều kiện, môi trường làm việc.
Huyền Trân chăm dọn dẹp, vun vén tổ ấm, nhưng Thomas – lúc này đã là kỹ sư thiết kế nội thất – lại lười việc nhà. Nhiều hôm đi làm về nhìn nhà cửa bừa bộn, cô nổi cáu với chồng. Hai người lại “chiến tranh lạnh”. Bà Julie biết chuyện, trong lúc con dâu đi làm, bà xin nghỉ, cùng con trai dọn dẹp nhà cửa sạch bóng. Bà dặn anh mua hoa rồi giữ cháu để vợ chồng Thomas đi ăn tối làm lành. Người mẹ luôn nhắc con “Wife happy, life happy” (Vợ hạnh phúc, cuộc sống mới hạnh phúc).
“Nhiều khi tôi thấy mẹ chiều cô ấy quá”, chồng cô nói vui.
Ngày Huyền Trân trở dạ sinh đứa con thứ hai, nhận điện thoại trong đêm, mẹ chồng cô mặc đồ ngủ, “đầu bù, tóc rối” lái xe đến. Nghe tin cô phải mổ cấp cứu, tính mạng nguy kịch, bà bất tỉnh vì lo lắng. Đến lúc con ra viện, cứ đi làm về, bà lại lật đật sang dọn dẹp, mang quần áo, tã lót của con dâu và cháu nội về nhà mình giặt. Bà mẹ chồng người Anh còn tìm hiểu phong tục Việt Nam để tổ chức lễ đầy tháng cho cháu nội.
“Tôi thương con dâu vì không có người thân nào ở Anh. Lúc nào tôi cũng khuyến khích con bé kết bạn với người Việt”, bà Julie nói. Bà cũng đã hoàn tất các thủ tục để đón mẹ đẻ Trân sang Anh thăm, nhưng vì Covid-19 nên chuyến thăm chưa thể thực hiện.
Cô con dâu người Việt có chút hụt hẫng nhưng không quá buồn. Bởi từ lâu, tình yêu của mẹ chồng đã lấp đầy khoảng trống trong lòng cô.
“Mẹ luôn nói anh Thomas thật may mắn khi cưới được tôi, nhưng tôi lại thấy mình mới là người may mắn – vì được làm con dâu của mẹ. Không có bà, tôi chẳng có được hạnh phúc trọn vẹn như bây giờ”, cô vòng tay ôm hai con, cười rạng rỡ.