Chính phủ duyệt đề xuất tính điểm bằng lái xe, trừ hết điểm phải thi lại

Bằng lái xe sẽ có 12 điểm/năm, nếu người điều khiến bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái xe mới, không vi phạm sẽ được cộng thêm điểm.

Mới đây, Nghị quyết số 123 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8, Chính phủ vừa ban hành có đề cập đến quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính, theo Tuổi Trẻ và Vietnamnet.


12 điểm được quy định trong bằng lái tương ứng với 12 tháng trong năm, khi tài xế vi phạm sẽ bị trừ điểm, số điểm bị trừ tương ứng với hành vi vi phạm. Nếu tài xế không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.

Do còn ý kiến khác nhau, nên trong tờ trình Quốc hội về dự án Luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, theo 2 phương án.

Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phương án 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Vì vậy Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.


Về những vấn đề khác vẫn có ý kiến khác nhau, Chính phủ đã thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm
Trước đó, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất mỗi bằng lái có tổng số điểm là 12, khi tài xế vi phạm thì bị trừ điểm. Khi hết điểm, giấy phép không còn hiệu lực và tài xế phải thi sát hạch lại.
Có tất cả 11 hành vi và nhóm hành vi khi tài xế vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng bằng lái ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.

Cục CSGT khẳng định việc trừ điểm bằng lái đã được các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng nhiều năm nay. Quy định này thể hiện tính nhân văn, thuận lợi hơn vì có cảnh báo với người tham gia giao thông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *