Chi tiêu tằn tiện, người đàn ông tiết kiệm được 20 tỷ để nghỉ hưu sớm: Bí quyết là do đâu

Người đàn ông tiết kiệm được 20 tỷ đồng trong vòng 33 năm đi làm nhờ chi tiêu tằn tiện, mặc chiếc áo 10 năm không vứt, điện thoại mua từ 2007.

Ông Sakaguchi Kazuma (57 tuổi, hiện sống ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) là cựu nhân viên văn phòng. Sáu năm trước, người đàn ông trung niên này quyết định nghỉ hưu sớm sau khi tích lũy được khoản tiền tiết kiệm lên đến 100 triệu yên (tương đương khoảng 20 tỷ đồng). Kể từ khi nghỉ việc, ông Kazuma không có bất cứ nguồn thu nhập nào khác ngoài khoản tiền tiết kiệm trong suốt 33 năm làm việc cật lực.

 

Ngoài số tiền dành dụm được, ông Kazuma còn sở hữu một căn nhà 3 phòng ngủ rộng 90m2 mua cách đây 14 năm, đã trả hết mọi khoản nợ. Đến nay, ngôi nhà này có giá trị khoảng 40 triệu yên.

Thu nhập của ông Kazuma chỉ nhỉnh hơn mức lương trung bình hàng năm 4,4 triệu yên (tương đương 913 triệu đồng) ở tỉnh Kanagawa một chút. Với mức thu nhập của một nhân viên văn phòng có thể nói là khá khiêm tốn, nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao ông Kazuma có thể tiết kiệm được nhiều tiền như vậy. Thậm chí, không ít người cho rằng ông ấy phải sống rất chi li, kham khổ và khắc nghiệt với bản thân.

Được biết, mỗi tháng người đàn ông này chỉ tiêu khoảng 100.000 yên và sống rất tằn tiện, mỗi năm dành dụm được 3,3 triệu yên. Cứ như thế sau 33 năm lao động, ông đã bỏ túi được 100 triệu yên.

“Tôi không bao giờ đối xử tệ với bản thân. Tuyệt đối không” – Kazuma phủ nhận những gì người khác quy chụp về mình. Theo đó, ông tiết lộ chỉ mua những thứ thiết yếu cho cuộc sống và sẽ dùng tới chừng nào không còn tái sử dụng được nữa. Điển hình như việc ông Kazuma có thể mặc một chiếc áo phông 10 năm cho đến khi chúng cũ nát.

“Nhiều người hỏi tại sao tôi không vứt nó đi. Nhưng tại sao tôi phải mua một cái mới trong khi áo đó vẫn còn mặc được chứ”, Kazuma nói.

Mở chiếc tủ lạnh trong nhà ông Kazuma, nhiều người bất ngờ trước viễn cảnh trước mắt bởi gần như trống trơn. Ông chi biết, bản thân chỉ mua vừa đủ để nấu ăn trong ngày tránh lãng phí. Đến chiếc điện thoại Nokia sản xuất từ năm 2007 đã bị tróc sơn, xước màn hình nhưng vẫn đi cùng ông theo năm tháng. Kazuma nói rằng ông chỉ cần nghe gọi, nhắn tin được là đủ.

Chưa hết, tủ giày của ông có những đôi thâm niên trên 30 năm nhưng vẫn được chủ sử dụng hằng ngày. “Tôi cứ đi mãi một đôi, không phải vì tiết kiệm, mà do yêu thích thôi”, người này cho hay.

Ngoài ra, Kazuma cũng lựa chọn những tiệm cắt tóc giá rẻ thay vì những salon đắt tiền với nhiều dịch vụ cao cấp. Bởi ông cho rằng những tiệm rẻ tiền thường có không gian yên tĩnh và ông không bị nhân viên mời chào sử dụng các dịch vụ tốn kém.

Theo ông Kazuma, ông tiết kiệm được nhiều tiền bạc là bởi không ham muốn vật chất và không bị ảnh hưởng bởi quảng cáo. Thay vì chọn thứ mình “muốn”, ông chọn thứ mình “cần”. Bên cạnh đó, Kazuma thích làm “phép trừ” để cuộc sống nhẹ nhàng hơn là liên tục làm “phép cộng”, mua thêm nhiều thứ cho bản thân như nhiều người vẫn làm.

Tuy nhiên, cũng vì sống quá tằn tiện mà vợ ông Kazuma đã không chịu được mà bỏ đi. Hai người không ràng buộc về con cái nên ông cũng không quá bận tâm. Kẻ từ đó tới nay, ông Kazuma thi thoảng mang đồ ra công viên tự nấu nướng và thưởng thức một mình. Thời gian rảnh rỗi ông tham gia các hoạt động thiện nguyện. Năm 2019, ông làm tình nguyện viên suốt 5 tháng để hỗ trợ tỉnh Fukushima khi gặp thiên tai.

Không chỉ vậy, người đàn ông này còn có sở thích đi du lịch. Và giờ đây, ông có thể đến bất cứ nơi nào mình muốn. Mới đây nhất, ông Kazuma xuất bản một cuốn sách mang tựa đề “Tôi đã tiết kiệm được 100 triệu yen nên tôi nghỉ việc”. Nội dung ấn phẩm chia sẻ về 77 mẹo tiết kiệm tiền, đồng thời khuyên mọi người đề cao hạnh phúc của chính mình.

Ông Kazuma khẳng định: “Tôi đang tận hưởng cuộc sống tươi đẹp một cách thoải mái nhất”.

Tương tự, một cô gái khác tên Saki (33 tuổi), đến từ thành phố Tokorozawa, tỉnh Saitama, Nhật Bản cũng sống vô cùng tiết kiệm. Saki làm việc trong một công ty bất động sản với mức lương 200.000 yên/tháng (khoảng 44 triệu đồng). Với mức thu nhập trung bình này, người phụ nữ ấy vẫn có thể mua được 3 căn nhà với tổng giá trị lên đến 55 triệu yên (tương đương 12 tỷ đồng) sau 15 năm chắt bóp.

Nhờ bí quyết “tăng xin giảm mua”, Saki đã mua được căn nhà đầu tiên trị giá 10 triệu yên (khoảng 2,2 tỷ đồng) vào năm 27 tuổi. Tuy nhiên, cô chỉ ở một phòng trong căn nhà, 2 phòng còn lại cho thuê kiếm thêm thu nhập. Hai năm sau, Saki tiếp tục đứng tên căn hộ thứ 2 với giá trị 18 triệu yên (khoảng 3,9 tỷ), để cho thuê. Gần đây nhất là năm 2019, cô gái tiết kiệm tiếp tục mua thêm một căn nhà thứ ba trị giá 27 triệu yên (khoảng 5,9 tỷ đồng).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *