Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026.
Các mẹ có để ý là mấy năm gần đây nhà nhà sinh con trai không? Kiểu không lựa chọn hay kiêng cữ gì, trai gái cũng được, nhưng cuối cùng sinh bé trai. Hoặc mong con gái nên đẻ sòn sòn cũng chưa thấy. Em thì nghe mọi người bảo là có liên quan đến ăn uống, dinh dưỡng. Nhưng có một thực tế là sẽ có 1,38 triệu nam giới có nguy cơ ế vào năm 2026, và nếu tỷ lệ sinh không cải thiện thì tình trạng tương tự sẽ xảy đến với con cháu chúng ta.
Đây là kết luận từ tọa đàm chia sẻ thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh vừa qua do Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức. Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), bác sĩ Mai Xuân Phương chia sẻ, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao trong những năm gần đây và được dự báo còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo. Tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta tăng ở cả thành thị và nông thôn. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026.
Nguyên nhân là do vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo; lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước khi sinh, do áp lực giảm sinh… Hậu quả của tình trạng này sẽ dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi kết hôn, sinh đẻ; gây nên bất bình đẳng, bạo lực giới, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.
Việc nhiều nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình sẽ kéo theo những bất ổn như tỷ lệ nữ giới có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, bạo lực giới, bạo lực gia đình ….
Nhìn sang Ấn Độ và Trung Quốc thì hiện đã có 66 triệu đàn ông bị dư thừa. Các nhà dân số học lo sợ, sự chênh lệch giới tính của hai nước này sẽ gây khủng hoảng cho toàn thế giới. Nhà kinh tế chính trị Nicholas Eberstadt trích dẫn một dự đoán rằng: Đến năm 2030, hơn 1/4 đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 30 sẽ ế vợ. Tình trạng nam thừa nữ thiếu ở 2 quốc gia trên khiến đàn ông chật vật ra nước ngoài tìm bạn đời, hoặc chấp nhận độc thân nếu không quá dư giả…
Theo dự báo, nếu không kiểm soát tỷ lệ sinh thì đến năm 2030, 2050, con số nam giới không có cơ hội kết hôn sẽ tăng lên đến 4,5 triệu. Bên cạnh việc chọn lựa giới tính do quan niệm sinh con trai để lo hương khói cho tổ tiên, còn một vấn đề nữa là các mẹ ngại sinh thêm sau khi đã sinh con trai. Mà em thấy chớ đúng là không có nơi nào người mẹ khổ như ở mình, các mẹ có thấy vậy không?
Mang thai, sinh con, nuôi dạy con, cái gì cũng tới tay vợ. Chưa kể là phải lo lắng nội ngoại 2 bên, việc vì cũng phải góp. Thật ra các ông bố bây giờ cũng đã biết chia sẻ việc nhà cùng vợ, chia sẻ việc chăm sóc con cái… nhưng dường như em thấy hiếm lắm hay sao á, hoặc là các mẹ không khoe ra. Chứ lâu lâu có mẹ khoe chồng nấu cơm cữ, tắm cho con… là chị em phụ nữ ào ào vào bảo “Chồng nhà người ta không làm mình thất vọng bao giờ”
Bởi vậy, 1,38 triệu nam có nguy cơ ế vào năm 2026 là thực tế có thể xảy ra. Em nghĩ là cho dù nữ thừa nam thiếu đi nữa thì chị em cũng chẳng màng chuyện chồng con đâu. Bởi vì cánh phụ nữ bây giờ cũng muộn chuyện kết hôn ấy. Ngó qua bạn bè em bây giờ U40 cũng tung tăng làm việc, đi du lịch, cũng có bạn trai nhưng không có ý định thành gia lập thất, ít nhất cho đến hiện tại.
Hỏi thì chúng nó bảo ngán quá, bao nhiêu trách nhiệm mà nhìn vào những gia đình bên cạnh thì toàn người phụ nữ phải gánh, thôi thì ở vậy cho nhàn tấm thân. Bởi vậy các ông bố, cánh đàn ông mà tâm lý, biết chia sẻ, biết dạy con trai giúp đỡ mẹ, giúp đỡ chị em gái, thì thiết nghĩ vài chục năm nữa dù có dư thừa nam giới thì cũng chẳng sợ ế.
Bài và ảnh tổng hợp từ TT, ANTĐ…