Bóng chuyền nữ Việt Nam ảo tưởng sức mạnh vì toàn thắng… giải giao hữu

Tâng bốc nhau, ca ngợi bằng những mĩ từ đẹp đẽ khi thắng những đối thủ là sinh viên đại học, CLB bóng chuyền bán chuyên nghiệp hoặc không mấy tên tuổi… đã khiến các tuyển thủ nữ Việt Nam bị huyễn hoặc về khả năng của mình và hệ quả là thua tan tác trước Indonesia hay Philippines…

Để chuẩn bị cho SEA Games 2019, ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam quyết định tham dự giải ASEAN Grand Prix 2019. Đây là giải đấu có sự góp mặt của 4 đội bóng chuyền nữ hàng đầu khu vực gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Sau thất bại 0-3 trước chủ nhà Thái Lan và là đội bóng chuyền nữ số 1 Đông Nam Á hiện nay ở trận ra quân, ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam bước vào trận đấu thứ 2 gặp ĐT bóng chuyền nữ Indonesia. Thanh Thúy và đồng đội hứa hẹn có trận hấp dẫn trước đối thủ được đánh giá ngang tài ngang sức. Tuy nhiên, thế trận trên sân hoàn toàn nghiêng về Indonesia khi Việt Nam để đối thủ lấn át và rồi thua một cách bạc nhược.

Nhớ giải đấu hồi tháng 5 tại Indonesia, dù có Manganang trong đội hình, nhưng Thu Hoài, Bích Thủy, Nguyễn Thị Trinh, Dương Thị Hên, Khánh Đang, Kim Thanh… đã khiến đối thủ phải ôm hận khi nhìn U23 Việt Nam nhận cúp ngay trên sân nhà.

Cũng ngần ấy con người, thậm chí đối thủ thiếu đi những tay đập chủ như: Manganang hay Amalia… Việt Nam lại còn được bổ sung thêm Bùi Thị Ngà và Nguyễn Thị Kim Liên nhưng lại để thua một cách muối mặt.

Ở trận đấu cuối cùng, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt tiếp tục nhận thất bại 2-3 trước ĐT bóng chuyền Philippines, qua đó không có chiến thắng nào tại chặng đầu tiên giải bóng chuyền nữ ASEAN Grand Prix 2019. Ba thất bại liên tiếp qua đó bộc lộ hoàn toàn điểm yếu của các VĐV Việt Nam. Trong đó có thể nhìn thấy rõ về kỹ thuật cá nhân có quá nhiều động tác sai và thừa, thể lực, độ dày về hình thể, sự kết hợp, ăn ý, đoàn kết trong lối chơi.

Nhiều các nhà chuyên môn cho rằng việc thi đấu với các đối thủ yếu thì khó có thể học được gì. “Việc mời ai và trình độ thế nào vốn là việc khó khăn với những nhà tổ chức. Thi đấu với những đội yếu thì ta khó mà học hỏi được gì. Nếu muốn học hỏi, nâng cao trình độ thì phải học từ những đội bóng ngang hàng và hơn hẳn chúng ta”, một chuyên gia về bóng chuyền Việt Nam nhận xét.

Đành rằng tổ chức một giải đấu quốc tế là khó khăn, thế nhưng biết là chất lượng chuyên môn thấp mà vẫn bất chấp tổ chức tràn lan, thêm vào đó là bỏ giải chính thống tính điểm của châu Á để tổ chức giải mời lại là điều rất đáng trách.

Khi đó, rõ ràng chúng ta đang bưng bê, tâng bốc nhau lên khi vùi dập những đội bóng học sinh, đại học, bán chuyên nghiệp hoặc chẳng mấy tên tuổi ở trình độ thấp mà quên đi rằng ngoài kia U23 Nhật Bản đã vô địch châu Á, những Indonesia, Thái Lan hay Philippines đang lớn mạnh từng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *