Quá nuông chiều vợ ngay từ những ngày đầu, giờ đây tình cảm vợ chồng đang dần sứt mẻ vì những chuyện vụn vặt nhất. Vợ sai, anh ta cũng chẳng đúng.
Cuộc sống gia đình có lâu bền đòi hỏi vợ chồng phải yêu thương, san sẻ cho nhau từ chuyện nhỏ đến lớn. Một trong hai người không cố gắng vì đối phương, ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân trong khi đối phương cũng cố nhịn cho qua chuyện thì sự việc chỉ có thể ngày một tồi tệ hơn. Thậm chí khi không thể cố gắng được nữa, một trong hai sẽ buông tay như câu chuyện của anh chàng lấy phải cô vợ lười sau đây.
Một người đàn ông xuất thân từ gia đình không hạnh phúc, có bố mang tính gia trưởng và mẹ nhẫn nhịn chịu đựng. Sau này bố mẹ ly hôn, người mẹ một mình tần tảo nuôi các con ăn học thành tài. Anh hứa với lòng mai này sẽ đối xử với vợ thật tốt để cô ấy không phải khổ như mẹ anh.
Thế nhưng cái gì quá nhiều thì cũng không hay, việc cưng chiều vợ quá mức đã dẫn đến bi kịch hôn nhân. Giờ đây khi quyết định ly thân, anh chàng không biết cách mình đối xử với vợ trong suốt những năm tháng hôn nhân là đúng hay sai. Câu chuyện như sau:
“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, tuổi thơ cơ cực và thời đi học thiếu thốn. Gia đình không bình yên khi cha là người gia trưởng, đôi khi bạo hành và không chia sẻ mọi việc trong gia đình với mẹ. Tôi luôn tự nhủ sau này mình phải là người chồng, người cha tốt cho gia đình nhỏ của mình, để vợ con không phải chịu nỗi bất hạnh như tôi từng trải.
Rồi tôi cũng lên Sài Gòn học như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng lúc này ba mẹ đã ly dị, một mình mẹ phải nuôi chúng tôi ăn học nên càng cơ cực hơn. Tôi cố gắng làm thêm, dạy thêm và tiết kiệm hết mức có thể để đỡ đần mẹ một phần.
Thời sinh viên tuy khó khăn nhưng tôi cũng có mối tình sinh viên đầy lãng mạn làm phong phú thêm cuộc sống của mình. Tuy nhiên vì nhiều lý do chúng tôi không đến được với nhau. Ra trường tôi ở lại thành phố làm việc và quen biết với vợ bây giờ. Chúng tôi cưới nhau sau hai năm tìm hiểu.
Sau khi cưới, giữa năm 2015 tôi dồn tiền tích lũy sau 5 năm ra trường và vay thêm mua căn nhà khang trang rộng 130m2 tại ngoại thành, vợ tôi sau đó sinh một bé trai, ngôi nhà nhỏ thêm tiếng cười rộn rã của trẻ thơ. Nói thêm về quá trình từ khi cưới xong, mua nhà, mang thai, sinh em bé của vợ tôi.
Như quan điểm của tôi từ trước sẽ mang lại hạnh phúc cho vợ con, từ khi cưới đến khi mang thai vợ tôi không phải đụng chân tay vào bất kể việc gì trong nhà, cơm nước, giặt giũ, nhà cửa… một tay tôi làm từ A đến Z, vợ chỉ có ngủ dậy, cơm nước sẵn sàng, mang đi làm, tối về cũng mọi thứ sẵn sàng chỉ việc ăn uống nghỉ ngơi. Do công việc của tôi thời gian có thể linh hoạt nên những việc đó tôi làm tốt.
Sau khi vợ sinh xong mọi việc vẫn thế, tôi luôn quan điểm đàn ông sức dài vai rộng nên làm mọi việc giúp vợ giúp con lo từ kinh tế gia đình đến việc nhỏ nhất cũng đến tay. Nay con được gần hai tuổi, thuê người trông em để hai vợ chồng đi làm, vợ tôi cũng được rảnh hơn trước vì không phải cho con bú nhiều.
Tôi vẫn đi làm lo trụ cột kinh tế, sáng dậy sớm đi chợ nấu ăn cho cả nhà và để vợ có cơm mang theo đi làm (chúng tôi kỹ tính nên không thể ăn cơm ngoài) giúp cho con ăn sáng vì cháu khó ăn, trưa chạy về tắm cho con, giúp chị người làm cho con uống sữa, tối về sớm đi chợ nấu ăn tối, dọn dẹp lau nhà cửa, giặt giũ…đỡ đần mọi việc cho vợ con.
Nhiều lúc vì công việc cơ quan gặp nhiều khó khăn tôi thường cáu gắt và cũng đôi lần góp ý vợ nên làm việc nhà giúp chồng vì chồng nhiều việc căng thẳng. Tuy nhiên từ khi mua nhà đến giờ vợ tôi chưa lau nổi một lần, chưa quét hết được cái nhà lần nào, chưa bao giờ dậy sớm đi chợ nấu cho chồng con ăn đến một bữa.
Gần đây nhất chúng tôi có cãi nhau về việc đó, vợ nói tôi là thằng tồi, kể công với vợ. Tôi rất giận vì với tôi những việc đó không đáng gì, tôi vẫn làm tốt, nhưng là người vợ, người mẹ trong gia đình phải biết vun vén lo toan cùng chồng chứ không phải mặc nhiên những việc đó là của người khác, mình chỉ việc đẻ con là xong, còn mọi việc từ lo kinh tế gia đình đến làm mọi việc trong nhà là của chồng.
Tôi thấy chán nản vì không có người đồng hành cùng mình, mọi việc mặc định tôi phải tự lo một mình. Tôi thấy bao nhiêu hy sinh của mình cho vợ con mà không được nhìn nhận, chia sẻ.
Giờ chúng tôi cãi nhau, mỗi người một phòng, tôi đang nghĩ tới việc ly hôn hoặc ly thân vì công sức chăm lo cho gia đình mà vợ không nhìn thấy, không động viên, không chia sẻ cùng, lại cho tôi là người chồng tồi tệ khi kể công với vợ, so bì. Tình cảm vợ chồng lạnh nhạt, chúng tôi không thiết tha gì mà chỉ gần như ở cùng nhà vì con. Mong các bạn độc giả cho tôi lời khuyên, phải làm sao đây?”.
Đọc được câu chuyện của anh, người dùng mạng đều cho rằng anh đích thị là người chồng tốt nhưng đã quá sai khi chiều hư vợ. Với những gì anh miêu tả có thể thấy người vợ thật sự mang bản tính ỷ lại vào chồng.
Thấy chồng giỏi làm kinh tế giỏi cả việc nhà nên cô cho phép bản thân được lười biếng để nhận sự cung phụng của người khác và không cần biết đến ai ngoài bản thân. Nếu người chồng có khả năng sinh con, chắc cô ấy cũng đẩy luôn việc này cho anh ấy.
Mỗi người trong chúng ta đều tồn tại bản tính ỷ lại, chỉ là chúng nhiều hay ít và có điều kiện để phát triển hay không mà thôi. Không chỉ riêng cô vợ này mà bất kì ai nếu thấy anh chồng quá tốt và giỏi giang chắc chắn sẽ lười biếng chẳng kém cạnh. Nhưng sướng quá sinh hư, giờ muốn cô ấy sống có trách nhiệm, siêng năng hơn thì có vẻ rất khó. Chưa kể những trận cãi vã thậm chí là xô xát có thể xảy ra, việc ly hôn chỉ là chuyện sớm muộn.
Không cần biết cô ấy có xuất thân là công chúa hay thường dân, khi quyết định về chung một nhà, cô ấy phải có trách nhiệm cùng chồng chăm lo hạnh phúc gia đình. Ai cũng có giới hạn chịu đựng, đừng quá lạm dụng điều đó để chuộc lợi cho mình. Anh chồng giỏi giang gánh vác hết việc cho vợ nhưng nếu biết thương chồng và hiểu chuyện, người vợ đã không đành lòng để chồng phải vất vả một mình.
Nếu chồng lo kinh tế giỏi đến mức vợ không phải đi làm thì cô vợ cũng phải lo việc nhà. Hai người phải cùng nhau cố gắng vì hạnh phúc chung thì như vậy hôn nhân mới lâu bền.
Chị em phụ nữ cũng đừng nên nghĩ rằng tôi sinh con cho anh thì anh phải chăm lo cho tôi đến suốt đời. Không ai có nghĩa vụ phải lo cho cuộc đời của mình cả, họ chỉ vì thương mình mà cố gắng nên đừng vì thế mà ỷ lại, đừng sống ích kỷ nữa.
Về phần anh chồng, sự việc dẫn đến bi kịch hôm nay phần cũng vì anh ta quá nuông chiều vợ. Tôn trọng, yêu thương vợ là tốt nhưng phải biết hướng cô ấy đến trách nhiệm đối với gia đình, đừng để cô ấy có cơ hội ỷ lại.
Để giờ đây khi sự việc trở nên tồi tệ, có góp ý chẳng chưa chắc hiệu quả, mà có hiệu quả thì cần rất nhiều thời gian để thay đổi dần dần. Thế nên ông bà ta có câu nói rất hay “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về” là vậy.