Nghịch ngợm cắn vỡ nhiệt kế nhưng không được mẹ đưa đi cấp cứu, bé trai đã không qua khỏi. Đây là sự việc hiếm gặp nhưng cũng đáng để các bậc phụ huynh lưu tâm vì không phải lúc nào cũng có thời gian để mắt đến con 24/24.
Nhiệt kế thuỷ ngân là dụng cụ cần thiết phải có trong tủ thuốc của gia đình, nhất là nhà có em bé. Tuy nhiên, thủy ngân bên trong nhiệt kế cực kì độc, chỉ cần một lượng nhỏ thoát ra ngoài là đã gây ngộ độc nghiêm trọng.
Vì thế, khi sử dụng, phải hết sức cẩn trọng, nhất là dùng cho em bé bởi một khi bị vỡ thì hậu quả khó có thể lường trước được.
Bé trai 3 tuổi không qua khỏi vì lỡ cắn vỡ cặp nhiệt độ, mẹ hối hận vì chủ quan
Theo Sohu, mẹ trẻ tên Trương (Trung Quốc) đang cặp nhiệt độ cho bé trai 3 tuổi thì chủ quan không để ý, đến khi quay lại thì đã thấy cậu bé cắn vỡ nhiệt kế. Tuy nhiên, người mẹ không nghĩ sự việc nghiêm trọng đến mức phải đi bệnh viện nên chỉ ép con nôn ra bằng hết, sau đó súc miệng lại bằng nước muối.
Qua ngày hôm sau, cậu bé bắt đầu có biểu hiện lạ, khóc lóc vì đau bụng, liên tục nôn mửa sau đó co giật, bất tỉnh. Quá lo lắng, chị Trương mới đưa con đến bệnh viện, bác sĩ kiểm tra và cho biết cậu bé đã nuốt phải thủy ngân dẫn đến viêm ruột, ngộ độc cấp tính, suy hô hấp và đã không qua khỏi trên đường đưa đi cấp cứu.
Sau khi sự việc xảy ra, chị Trương vô cùng hối hận và đau lòng do sự chủ quan của bản thân đã khiến con mình mãi mãi không tỉnh lại.
Cách xử lý nhanh khi trẻ làm vỡ cặp nhiệt độ thủy ngân
Thủy ngân là một kim loại dễ bị bốc hơi ở nhiệt độ phòng, khi hít phải thủy ngân sẽ hấp thu qua đường hô hấp, vào phổi qua màng phế nang vào máu đến thận, gan lách và hệ thần kinh trung ương. Nếu không được cấp cứu kịp thời, khả năng cao sẽ không cứu được.
Để đảm bảo an toàn bạn nên làm theo các bước sau:
– Bước 1: Nhanh chóng đi ra khỏi phòng bị đổ thủy ngân, sau đó mở hết các cửa, mở quạt, để lưu thông không khí, nhưng phải tắt máy lạnh để ngăn thủy ngân bốc hơi.
– Bước 2: Đeo khẩu trang trong khi thu những hạt thủy ngân rơi trên sàn, sau đó cho vào hũ đậy kín. Cần dọn dẹp nhẹ nhàng để tránh thủy ngân bị rơi vãi xung quanh. Ngoài ra có thể sử dụng lòng đỏ trứng gà sống kết hợp với thủy ngân thành Mercury sulfide khó bốc hơi để việc thu dọn dễ dàng hơn.
– Bước 3: Cho hũ thủy ngân vào thùng rác phân loại, tránh đổ xuống cống rãnh làm ô nhiễm nguồn nước, quần áo dính thủy ngân cần bỏ đi, không nên tái sử dụng.
– Bước 4: Sau khi dọn dẹp, không nên vào phòng ngay mà cần mở hết cửa thông gió trong nhiều giờ sau đó mới vào sinh hoạt.
Khi không may bị nuốt phải thủy ngân, đặc biệt là trẻ nhỏ, bố mẹ không nên móc họng, ép nôn mửa vì như thế chỉ khiến thủy ngân bị đẩy ngược lên trên tràn vào phổi. Cách tốt nhất là nên chuyển đến bệnh viện gần nhất, sau khi được cấp cứu kịp thời thì nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để không bị táo bón, dễ bài tiết.