Đi làm mà thấy mấy chị bầu khệ nệ bụng là mình thương lắm.
Đâu phải ai cũng khỏe mạnh khi mang bầu đâu. Mẹ nào trải qua thời kỳ bầu bí ấy mới hiểu nè. Có người “lên bờ xuống ruộng” cả hết quãng thời gian thai kỳ, còn có người “phẻ re” nên phải hiểu và thông cảm cho họ.
Nhiều mẹ vì cơm áo gạo tiền nên thành ra, mệt mỏi cũng phải ráng đi làm. Có chị mệt quá nên hỏi giờ nghỉ thai sản rồi muốn nghỉ luôn có được thêm tiền gì không?
À có chứ, nhưng tùy mỗi điều kiện mà mẹ được hưởng chế độ riêng nha.
1. Chế độ thai sản
Trước khi nói đến chế độ thai sản được hưởng, mình muốn nhắc để mẹ nhớ, muốn hưởng chế độ này mẹ cần phải đóng BHXH đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì mới được hưởng nha. Muốn biết mình đã đóng đủ chưa, mẹ có thể tra cứu vào trang web của BHXH Việt Nam để xem nha.
Trong suốt quá trình khám thai, mẹ được hưởng chế độ khi đi khám thai, 05 lần và mỗi lần là 01 ngày, chỉ khi vì lý do địa lý hoặc thai có bất thường, thì được 02 ngày mỗi lần.
Mỗi ngày khám thai được hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc chia cho 24 ngày.
Lưu ý ngày hưởng chế độ khám thai sẽ không được tính nếu đó là ngày nghỉ phép, ngày nghỉ hằng tuần, hoặc ngày nghỉ lễ, Tết.
Đến lúc sinh con, mẹ được hưởng 06 tháng thai sản, mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Ngoài ra, mẹ còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần khi sinh con, bằng 2,98 triệu đồng (tương đương 2 lần mức lương cơ sở ở thời điểm hiện tại)
Thời gian được hưởng đã bao gồm ngày nghỉ phép, ngày nghỉ lễ, Tết, và ngày nghỉ hằng tuần.
Mẹ nhớ là tiền hưởng chế độ thai sản sẽ căn cứ vào khoản tiền đóng BHXH mỗi tháng của mình, đóng nhiều thì hưởng nhiều mà đóng ít sẽ hưởng ít.
Có mẹ thắc mắc với mình sao lương mỗi tháng nhận được nhiều lắm, chừng nghỉ thai sản xong sao được nhận ít quá, đấy là ở công ty mẹ làm việc, họ có đóng BHXH trên mức lương thực chất không, hay đóng theo lương cơ bản thôi? Mẹ cần phải check lại chỗ này trước khi nghỉ thai sản nha.
Đấy là khoản tiền hưởng, còn làm cách nào để được hưởng là tùy, lúc thời gian nghỉ thai sản, mẹ có đang còn hợp đồng lao động với công ty không, hay đã xin nghỉ việc rồi.
Nếu vẫn còn hợp đồng với công ty thì đơn giản lắm, mẹ chỉ cần nộp bản sao giấy khai sinh của con cho bộ phận phụ trách bảo hiểm xã hội để họ giải quyết. Ngay khi vừa có bản sao là mẹ nộp liền, càng nộp sớm thì tiền về túi càng sớm nha.
Ngược lại nếu mẹ đã nghỉ việc lúc thai kỳ, trước khi sinh thì chế độ này mẹ phải tự đi làm. Mẹ cần đến cơ quan BHXH nơi quản lý sổ BHXH của mình, cầm theo sổ BHXH đã chốt cùng bản sao giấy khai sinh của con và điền vào tờ mẫu nơi này đưa, 03 ngày là có tiền rồi.
2. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Nếu đã quyết định nghỉ việc luôn sau sinh, mẹ cần biết rõ chế độ bảo hiểm thất nghiệp mình sẽ được hưởng.
Để được hưởng chế độ này, mẹ cũng cần phải coi lại mình đã đủ thời gian đóng chưa, nếu đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn và không xác định thời hạn thì phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, còn với hợp đồng lao động mùa vụ, có thời hạn dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài đáp ứng thời gian đóng, mẹ nên nhớ mình cần phải nghỉ việc văn minh, đó là tuân thủ quy định về chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật. Lúc này phải có Quyết định thôi việc, hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng lao động trong trường hợp chấm dứt do hết hạn hợp đồng.
Khi thỏa 2 điều kiện trên, mẹ cần làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Có 3 loại giấy tờ mẹ cần biết, 1 là Sổ BHXH (mẹ nhớ photo thành 2 bản), 2 là Văn bản thể hiện chấm dứt hợp đồng lao động (là Quyết định thôi việc, Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động) và 3 là Mẫu đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (mẫu này có thể đến nơi Trung tâm Dịch vụ Việc làm nơi mẹ cư trú để xin và điền vào).
Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng, trừ lý do thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an hay đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, áp dụng biện pháp cai nghiện, bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù, ra nước ngoài định cư hoặc là chết) sẽ được xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, mức này sẽ tối đa không quá 22,1 triệu đồng với những người làm việc cho doanh nghiệp tại các vùng trung tâm ở TP.HCM và Hà Nội và không quá 7,45 triệu đồng đối với những người làm việc trong khối Nhà nước.
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ là căn cứ để tính thời gian mẹ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ thêm 12 tháng sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Quãng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, mẹ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Đây chính là quyền lợi của người lao động khi đang trong tình trạng không có việc làm.
Lưu ý rằng kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, mẹ cần sớm làm thủ tục vì thời hạn để thực hiện chỉ có 03 tháng, quá hạn trên sẽ không được giải quyết mà sẽ được cộng dồn cho kỳ sau (nếu có).
Hết rồi, mẹ có kế hoạch này cần nắm để tự làm thủ tục hưởng lợi cho mình nha. Có thắc mắc, vui lòng comment bên dưới để được giải đáp.