Hải Phòng : Bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố – Sự sống còn của hàng triệu người dân

Thông tin từ Bộ Tài nguyên-Môi trường, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40% đến 60%, thậm chí một số khu vực như miền Trung và Tây Nguyên con số này là 70%.

Việc thiếu hụt nguồn nước ngọt sẽ dẫn đến thiếu nguồn nước thô cung cấp phục vụ sản xuất nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và nhất là nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Là một thành phố công nghiệp, nguy cơ ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất là không nhỏ, Hải Phòng đã và đang nỗ lực kiểm soát nguồn ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước ngọt tại một số sông, kênh thủy nông quan trọng của thành phố.

Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước 2013 có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu cho thành phố các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý tài nguyên nước, với quan điểm rõ ràng là chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ an toàn các nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là đã tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 về “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020”.

Một thực tế là Hải Phòng là thành phố đô thị loại I cấp quốc gia, theo quy hoạch thoát nước đô thị, thành phố phải xây dựng 17 trạm xử lý nước thải tập trung nhưng đến nay mới xây dựng được…1 Trạm xử lý nước thải Vĩnh Niệm với công suất 36.000m³/ngày đêm và đang chuẩn bị vận hành chính thức. Bên cạnh đó là 1 Trạm xử lý nước thải khu vực làng nghề Tràng Minh, còn lại các trạm khác chưa thực hiện. Nếu hoàn thành các hạng mục trên thì theo Luật Tài nguyên nước các doanh nghiệp xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố không cần phải xin cấp giấy phép xả nước thải.

Hiện, để kiểm soát nguồn xả thải của các doanh nghiệp vào các sông, kênh, Sở Tài nguyên-Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện việc cấp phép xả thải vào nguồn nước cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc diện bắt buộc phải xin cấp phép xả thải vào nguồn nước. Trong đó, Sở Tài nguyên-Môi trường cấp phép xả thải vào các sông, kênh không phải là nguồn nước thủy lợi của thành phố.

Thực hiện Kế hoạch số 2617/KH-UBND ngày 21-4-2015 về cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015-2020, theo đó dự kiến đến năm 2020 sẽ cấp được 80% số giấy phép. Sở TNMT đã thống kê trên địa bàn thành phố có khoảng 600 cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xả nước thải, trong đó ngoại trừ các khu công nghiệp đã có Giấy phép cho cả khu thì các cơ sở bên trong không phải cấp giấy phép riêng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, số lượng đối tượng phải cấp giấy phép giảm 90 cơ sở so với thống kê ban đầu do nhiều doanh nghiệp di chuyển vào các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp giảm lưu lượng xả thải xuống dưới 5m³/ngày đêm, ngừng hoạt động nhất là sau đại dịch SARS-CoV-2.

Kết quả thống kê cũng cho thấy, từ 2005 đến 2014 (10 năm) tính trung bình toàn thành phố cấp được 8 giấy phép/năm. Nhưng từ sau khi thực hiện Kế hoạch của UBND thành phố và cam kết với Hội đồng nhân dân thành phố, số lượng giấy phép đã tăng dần theo từng năm. Đến nay, toàn thành phố đã cấp được 475/600 giấy phép, đạt tỷ lệ79,1%theo kế hoạch.

Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường trình thành phố cấp được 345 giấy phép, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp được 116 giấy phép, Bộ TNMT và Tổng cục thủy lợi cấp 14 giấy phép. Dự kiến, đến hết năm 2020, sẽ đạt được 80% như Kế hoạch số 2617/KH-UBND đề ra.

Tuy vậy theo ông Trần Văn Phương-Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường: Để đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ cấp phép xả thải còn gặp một số khó khăn. Đơn cử như để lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt đối với cơ sở xả nước thải vào nguồn cung cấp nước ngọt phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì kinh phí rất lớn. Do vậy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn để thực hiện.

Chưa hết, ý thức chấp hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lập hồ sơ xin cấp giấy phép của một số doanh nghiệp còn chưa cao, mặc dù được đôn đốc hướng dẫn nhiều lần nhưng vẫn cố tình, chây ỳ không chấp hành. Rồi ngay cả khi doanh nghiệp đã tích cực lập hồ sơ xin cấp giấy phép nhưng gặp khó khăn về giấy tờ hợp lệ xây dựng công trình xử lý nước thải, sử dụng đất không đúng mục đích…

Khắc phục những tồn tại trên, ông Phương cho biết thêm: Thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch thành phố đề ra trong công tác cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, góp phần đưa công tác quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước vào nề nếp, từ đó cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *