Để ứng phó với bão số 9 có thể mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương không được mất cách giác, chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, cần thiết có thể sử dụng xe tăng, máy bay trực thăng… cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Sáng 26/10, tại cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với bão, Thủ tướng cho biết, chúng ta đang trong tình cảnh “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng.
“Chúng ta không được mất cảnh giác, mà phải lên tinh thần phòng chống bão cao nhất, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân, địa phương”, Thủ tướng nói và cho rằng, cơn bão số 9 rất mạnh, ở cấp 12 trở lên, mức độ ảnh hưởng như một siêu bão, đặc biệt là đối mặt với mưa lũ sau bão.
Thủ tướng yêu cầu công tác cứu hộ cứu nạn tại 5 tỉnh miền Trung bị thiệt hại năng do lũ vừa qua, phải được triển khai tích cực, tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
“Đừng để nhân dân trong bão số 7,8 vừa rồi bị lũ lụt rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, đói kém, nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tinh”, Thủ tướng nói.
Với cơn bão số 9, khả năng gây dông lốc mạnh kéo dài từ ngày 27 đến 29, nhất là là trong ngày 28, do vậy, Thủ tướng yêu cầu kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn, vì như bài học năm 1986 ở Đà Nẵng “tàu vào rồi, neo ở bờ, bị va đập nát hết, gây chết người”.
Đặc biệt kiên quyết không để người dân trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản trước khi bão vào. “Vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, thiệt hại là trách nhiệm hình sự, phải xử lý nghiêm”.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân, ở vùng thấp, ven biển bởi nếu bão vào như dự báo, sẽ gây nguy hại rất lớn, nhất là sóng to, gió lớn, nước biển dâng.
Cùng với đó, bão có thể gây lũ lớn trên sông, gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân. Thủ tướng cũng cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày mà hay gọi là “mưa thối đất”.
Như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp thì vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6km, do vậy cần hết sức lưu ý.
Ở vùng đồng bằng, Thủ tướng lưu ý phải chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt các hồ đập. Phải có bộ phận chuyên môn theo dõi sát các hồ đập, “lưu lượng, mực nước thế nào để xả tràn lúc nào một cách chặt chẽ”, tránh tình trạng như hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) vừa qua.
Nhiều địa phương hồ đập như “thùng nước” treo lơ lửng trên đầu người dân, trong khi nhiều hồ đập đang hư hỏng, nước đã ngập đầy.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, bão đã rất mạnh, nhưng mưa lũ sau bão cũng rất nguy hiểm, do vậy công tác cưu hộ cứu nạn, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng liên quan cần hỗ trợ xác địa phương tốt nhất.
Trong đó, huy động các sư đoàn, quân đoàn, kể cả phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, bị bão lũ đe dọa tính mạng.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành điện phải bảo đảm cho người dân sau bão, “thường gây đổ cột điện nhiều”, ngành giao thông bảo đảm giao thông thông suốt, nỗ lực không để ách tắc nhiều ngày.
Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn, “đói cơm, lạt muối”.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã quen bão lũ, nhưng không được mất cách giác. Nếu chúng ta chủ động sẽ giảm thiệt hại, nếu chủ quan, coi thường, hậu quả sẽ rất lớn.