Cách tả bố siêu lầy của cô bé này đã nhận về điểm 10 tròn trĩnh từ giáo viên.
Tập làm văn là một trong những môn học quan trọng gắn liền với thời học trò suốt cả 12 năm đi học. Đây là môn học không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng đọc – viết, sử dụng câu, tăng vốn từ mà còn giúp trẻ kích thích tư duy, trí sáng tạo, khai triển góc nhìn riêng và khơi gợi cảm xúc cá nhân. Vì tập hợp nhiều yếu tố để hình thành một bài văn nên với các cô cậu học trò, để đạt điểm 10 văn sẽ rất khó so với các môn học tự nhiên vốn chỉ có đúng hoặc sai.
Mới đây, dân mạng được một phen trầm trồ vì bài văn điểm 10 của một học sinh lớp 5 tả về bố mình. Không đi theo lối mòn của cách hành văn cũ kỹ, theo khuôn mẫu mà ta vẫn thường bắt gặp trong các bài làm văn khác, cô bé sử dụng góc nhìn hài hước, dí dỏm của mình để kể về bố theo cách vô cùng tự nhiên.
Không kể về một ông bố trong mơ cao ráo, điển trai, mà nữ sinh này “vạch trần” luôn ông bố có dáng người thấp đậm, bụng to, trán dô, siêu lầy của mình. Được biết bài văn này là của học sinh Anh Thư, sinh sống tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Nguyên văn bài làm đạt điểm tối đa của em như sau:
Ai cũng bảo “người em yêu nhất là mẹ và người yêu mẹ nhất là em” nhưng em cho rằng điều đó không đúng. Người em yêu nhất là bố và bố là người yêu em nhất. Bố em là Nguyễn Kế Hiếu, 42 tuổi.
Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi… Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu “lầy”. Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ. Bố nhà người ta được cấp dưới ngưỡng mộ, bố em đây làm tài xế, xe ôm cho các cô, các bác. Bố em còn thua xa bố nhà người ta.
Nhưng bố em sẵn sàng ký vào bản kiểm điểm của mẹ em mà không mác mẹ, sẵn sàng che giấu khuyết điểm của em, sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô, sẵn sàng thức ến 3, 4 giờ sáng đợi em làm bài xong và đi ngủ, sẵn sàng ngồi bên em “cày” toán khó mấy tiếng đồng hồ, sẵn sàng thức dậy sớm mỗi sáng để gọi em dậy mặc dù bố còn thèm ngủ hơn em, sẵn sàng nhường cho em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích, sẵn sàng cho em mượn iPad vào cuối tuần với lý do “cho nó giải trí thêm chút”, sẵn sàng đánh xe đến lớp đón em cho dù phải bỏ một buổi họp quan trọng, sẵn sàng tấu hài với em, tán chuyện linh tinh cùng em để “giúp nó giảm stress”.
Bố em rất khéo năn nỉ mẹ đừng đánh em, hoặc nhận tội thay để em không bị mẹ mắng. Mấy câu ấy thường chỉ là mấy câu như: “Khiếp sáng sớm đài đã hát dân ca, cải lương hay vọng cổ rồi à?”, “Trời đánh còn tránh miếng ăn nhé!”, “Ê, hình như có Giọng hát Việt rồi kìa!”,… đủ để nhắc khéo mẹ và em thoát nạn.
Nói thế thôi nhưng đối với em, một người bố như thế là tất cả rồi. Bố chả bao giờ khiến em buồn hay khóc. Bố luôn là anh hùng giải cứu em khỏi những trận lôi đình của mẹ, giúp em yêu Toán như xưa, giúp em đi học đúng giờ,…
Cảm ơn bố rất nhiều! Con chúc “Papa” luôn mạnh khỏe, sớm hết bệnh tiểu đường và sống lâu mãi với chúng con, “Papa” nhé!
Bài văn được cô giáo khen ngợi: “Bài viết của em đã đưa cô gặp một ông bố (một người) hội tụ mọi điều xấu và tốt có thể có. Điều mà cô ngưỡng mộ nhất ở ông ấy là cái tình của người cha với con và cái tình của con đối với ông ấy. Bài viết có tài trong sử dụng phép đối sánh để làm bật lên hình ảnh ông bố. Cách tổ chức đoạn, bố cục chặt chẽ. Điểm 10 nhé, trò yêu!”
Quả thật, những áng văn chân thật là những áng văn cảm xúc nhất, cô bé đã dũng cảm để khắc họa về ông bố dù không mấy hoàn hảo nhưng vô cùng yêu thương hai mẹ con. Thay vì tìm văn mẫu và dựa vào đó để viết, cô bé đã tự ghi suy nghĩ tuy có vẻ hài hước nhưng qua đó ai cũng cảm nhận được sự sâu sắc và tình cảm của em dành cho bố. Đừng bắt học sinh phải chạy theo khuôn khổ mà hãy cho các em được tự do sáng tạo, biết đâu một ngày nào đó, những bài văn bình dị nhưng ý nghĩa này sẽ lại xuất hiện!