Từ quan điểm của một cô giáo nhà trẻ, nếu mẹ có điều kiện chăm con lâu hơn thì khoan hãy cho con đi mẫu giáo trước 3 tuổi vì có 3 lý do ảnh hưởng con.
Trẻ bao nhiêu tuổi thì có thể đi mẫu giáo, liệu trước lúc lên 3 hay 3 tuổi có phải là độ tuổi tốt nhất để bé đi mẫu giáo?
Nhiều mẹ vì điều kiện gia đình gửi con đi nhà trẻ từ rất sớm, để mẹ có thể quay trở lại công việc, phụ bố lo kinh tế. Nhưng cũng có nhiều bà mẹ khác cho con đi mẫu giáo sớm là vì áp lực sợ con mình không bằng con người ta. Nếu cho bé đi học muộn quá, mẹ sẽ lo ngại con không hòa nhập được và thua ngay vạch xuất phát so với con nhà khác.
Nhưng theo lời của một cô giáo mầm non lớn tuổi thì cho trẻ đi mẫu giáo sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý trẻ. Khi trả lời phỏng vấn của một phóng viên tờ Sina, cô giáo này đã đặt ra một vấn đề có thể khiến bất kỳ phụ huynhn nào cũng phải suy nghĩ: “Anh có biết câu duy nhất một đứa trẻ chưa tròn 3 tuổi khi vào trường mầm non luôn miệng nói là gì không? Đó chính là câu: “Đi tìm mẹ đi!”.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cô giáo này cho rằng ở tuổi trước lên 3 đứa trẻ cần nhất vẫn là mẹ. Cô giáo dù có chu đáo, yêu thương đến đâu cũng không thể nào bù đắp được nhu cầu này của bé. Những xáo trộn tâm lý và thay đổi môi trường sống sẽ tác động nhiều mặt đến đứa trẻ.
Dưới đây là 3 lý do không nên cho trẻ đi mẫu giáo trước 3 tuổi:
1. Sức đề kháng kém, dễ bị ốm
Sức đề kháng của trẻ 3 tuổi kém hơn hẳn so với trẻ 4 tuổi, rất dễ lây nhiễm chéo ở lớp học. Thông thường, ngay khi một trẻ trong lớp mắc bệnh, một nửa số trẻ đã bị lây nhiễm, trẻ càng nhỏ càng dễ bị lây và bệnh càng khó hồi phục.
2. Khả năng tự chăm sóc bản thân kém
Sống ở trường mẫu giáo là bước đầu tiên con tự lập, xa rời sự chăm sóc của mẹ và tự chăm sóc mình. Trên thực tế, hầu hết các bé trước 3 tuổi vẫn còn thiếu sót về mặt này như mặc quần áo, ăn uống, đi vệ sinh đều cần cô giáo chăm sóc, thậm chí có bé còn cần cô giáo dỗ cho ngủ.
Lớp ít thì chục cháu, lớp nhiều thì đến 20, 30 cháu, giáo viên khó có thể chăm từng bé. Việc con tự dưng không còn được quan tâm như ở nhà sẽ khiến con gặp khó trong việc sinh hoạt cá nhân và ảnh hưởng cảm xúc, phá vỡ sự cân bằng nội tại bên trong bé.
3. Phát triển cảm xúc chưa hoàn thiện
3 tuổi là giai đoạn quan trọng để phát triển trí não như tự chủ và tăng nhận thức về bản thân, cảm xúc bắt đầu dao động và phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Lúc này sự phát triển tinh thần còn non nớt và dễ xảy ra các vấn đề tâm lý.