Để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho trẻ, phụ huynh và nhà trường cần phải theo dõi tình trạng các em học sinh thật kĩ lưỡng.
Sáng ngày 27/10, huyện Củ Chi (TP.HCM) đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa C.ovid-19 cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi. Thời gian tới, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố cũng sẽ thực hiện tương tự. Vì vậy, các bậc phụ huynh cùng nhà trường phải nắm vững cách chăm sóc trẻ trong quá trình tiêm chủng.
Về phía phụ huynh
Vietnamnet đăng tải, trước khi công tác tiêm chủng cho trẻ 12 – 18 tuổi được triển khai, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho nhóm đối tượng trên. Trong đó, có nêu rõ những điều cần lưu ý sau:
– Trước khi tiêm, các bậc phụ huynh phải nói chuyện với trẻ, tạo tâm lý thoải mái nhất cho chúng. Nếu vẫn lo lắng, bố mẹ có thể đi cùng trẻ đến bàn khám sàng lọc để nói rõ hơn về tiền sử bệnh của con. Từ đó, bác sĩ cũng sẽ có những chỉ định tiêm phù hợp.
– Trong quá trình tiêm, phụ huynh nên an ủi trẻ, đừng để bé quá lo lắng hay hoảng sợ. Sau khi tiêm xong, hãy để trẻ nằm nghỉ 15 phút nhằm tránh trường hợp con ngất xỉu hoặc có những chấn thương liên quan. Bố mẹ chỉ nên đưa con về nhà khi trẻ đã hoàn thành 30 phút theo dõi sau tiêm mà không có bất kỳ phản ứng dị ứng nào.
Giống như người lớn, trẻ sau khi tiêm vaccine C.ovid-19 sẽ có một số tác dụng phụ như: đau, đỏ, sưng tại vị trí tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn. Sau vài ngày, các triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất. Nếu bố mẹ muốn dùng những loại thuốc để giảm bớt tác dụng phụ ở trẻ phải trao đổi với bác sĩ.
Đối với chỗ tiêm bị đau, khó chịu, phụ huynh có thể để trẻ đắp khăn sạch, mát và ướt lên vị trí này. Đồng thời cho trẻ vận động cánh tay nhẹ nhàng, uống nhiều nước và ăn mặc thoáng. Trong vòng 24 tiếng sau tiêm, nếu trẻ có những vết đỏ hoặc vết thương nghiêm trọng ở vị trí tiêm, tác dụng phụ ngày càng nặng, không có dấu hiệu biến mất thì bố mẹ phải liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ (BS) Hồ Vĩnh Thắng (Viện Pasteur TP.HCM) chia sẻ với Thanh Niên: “Khi về nhà, trẻ phải theo dõi ít nhất 24 giờ, trên 24 giờ càng tốt. Sau tiêm cho trẻ ăn uống, tắm bình thường. Theo dõi nhịp thở của trẻ có tăng không; nếu da xanh, tái hoặc phản ứng dị ứng da nổi đỏ; nếu trẻ than đau; nếu chỗ tiêm sưng to thì đưa đến cơ sở y tế. Nếu chỗ tiêm đau nhưng không sưng to thì uống giảm đau, hạ sốt…”
Về phía nhà trường
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Trương Thị Thanh Lan, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC) cho biết, đơn vị đã cung cấp tài liệu truyền thông tin cho trung tâm y tế để cấp về cho các trường. Từ đó, nhà trường có trách nhiệm trao đổi với các bậc phụ huynh, học sinh để họ có thể hiểu và đồng thuận tiêm. Tại các trường được chọn làm nơi tổ chức tiêm chủng, phải bố trí diện tích tương ứng với số trẻ tiêm, sao cho thật rộng rãi, thoáng mát. Nơi tiêm cũng phải được bố trí ở khu vực khuất nhằm giảm tâm lý sợ hãi, lo lắng của trẻ.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc tiêm 2 mũi vaccine khác nhau.
Đặc biệt, trong quá trình tiêm, nhà trường phải giao cho thầy cô giám sát, tránh để trẻ “bị” tiêm 2 mũi trong 1 buổi tiêm. Thầy cô giáo tại các trường học cũng phải xác nhận, phân luồng học sinh; tạo điều kiện thoải mái, thư giãn, tránh tâm lý lo sợ ở trẻ. Thay vì cho tất cả cùng tiêm, nhà trường phải điều động từng lớp xuống, lớp này xong mới tới lớp khác. Buổi tiêm chỉ được phép kết thúc khi trẻ cuối cùng hoàn thành xong 30 phút theo dõi sau tiêm.
Các thầy cô phải lập một nhóm riêng cùng với phụ huynh học sinh để theo dõi tình hình sức khoẻ sau tiêm của các em học sinh. Nếu có vấn đề gì, nhà trường sẽ chịu trách nhiệm báo cáo về cơ quan y tế theo dõi, điều tra nếu có.
Các em học sinh ngồi chờ đến lượt tiêm vaccine ngừa Covid-19 sáng ngày 27/10. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Bên cạnh việc chăm sóc sức khoẻ, các em học sinh cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Đồng thời luôn chủ động nâng cao sức khoẻ bản thân.
Theo YAN