Cô gái đau khổ bởi hễ ra đường là trẻ con vừa thấy đã khóc thét, bỏ chạy

Khuôn mặt méo mó, biến dạng khiến người đối diện vừa nhìn cũng cảm giác sợ hãi. Điều này đã làm cho cuộc sống của cô gái trẻ ở Bình Định luôn cảm thấy vô cùng đau khổ.

Khép lại… giấc mơ đến trường

Lần theo địa chỉ cần giúp đỡ do bạn đọc gửi báo Dân trí, chúng tôi tìm đến nhà chị Đào Thị Kiều Diễm (32 tuổi, ở khối Liêm Trực, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Người dân ở xóm nhỏ này cho hay, hoàn cảnh chị Diễm thật đáng thương. Hàng chục năm qua, chị sống trong mặc cảm, tự ti với khuôn mặt biến dạng: mắt trái lồi ra, mũi, miệng méo xệch, răng hàm bị kéo lệch, ăn uống, nói chuyện đều khó khăn…

Song không còn cảm giác tự ti như ngày khuôn mặt mới bị biến dạng, Diễm tâm sự, năm 2004, khi ấy chị đang học lớp 9 thì bị đau nhức ở vùng trán, nửa đầu, nhức răng hàm và chảy máu cam. Lo lắng, cha mẹ đưa Diễm đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán bị viêm lợi và cho thuốc về uống nhưng bệnh không đỡ.

“Uống thuốc vào thì đỡ nhức, hết thuốc thì lại đau. Em cũng cố gắng đi học, thi tốt nghiệp cấp 2, sau đó cha mẹ đưa em đi bệnh viện đa khoa tỉnh khám thì phát hiện bị u xoang hàm. Bác sĩ khuyên cha mẹ đưa em vào bệnh viện tại TPHCM vì ở đây chưa đủ điều kiện để chữa trị cho em”, Diễm kể lại.

Tin Diễm bị bệnh hiểm nghèo như sét đánh ngang tai, bao tiền tích góp cha mẹ vét sạch dẫn con gái vào Bệnh viện Ung bướu (TPHCM) để chữa trị. Sau khi làm đủ các xét nghiệm, hội chẩn và mổ sinh thiết lần thứ nhất, một tháng sau, Diễm trải qua ca đại phẫu thuật, cắt bỏ một đoạn xương hàm trái. Ca mổ được xem là thành công vì mặt em dần phục hồi, sau đó em tiếp tục trải qua 28 lần xạ trị, mỗi ngày một tia.

Gần nửa năm điều trị ở bệnh viện, Diễm được xuất viện về nhà. Lúc này gia đình xin nhà trường cho chị học tiếp, nhưng vì thời gian nghỉ học quá dài nên nhà trường không bảo lưu kết quả. Thế nên con đường học vấn khép lại với bao mơ ước còn dang dở…

Hành trình tìm lại khuôn mặt bị biến dạng

Năm 2006, vết mổ bị viêm nặng, chảy máu liên tục nên Diễm nhập viện điều trị nội khoa tại Bệnh viện Ung bướu. Sau gần 20 ngày điều trị, chị được xuất viện về nhà và uống thuốc theo đơn. Năm 2008, một lần nữa chị phải nhập viện điều trị vì vết mổ tiếp tục chảy máu.

Sau lần điều trị này, Diễm về quê làm hồ sơ xin vào công ty may nhưng họ không nhận vì khuôn mặt dị dạng. Lúc này, Diễm muốn ở nhà dạy kèm trẻ em lớp 1,2,3 rồi cũng chẳng xong vì các bé nhìn thấy mặt chị đều hoảng sợ.

Diễm kể, ngày mới phẫu thuật xong, khuôn mặt chị nhìn không đến nỗi, nhưng càng ngày gương mặt chị càng méo mó: mắt lồi ra, mũi, miệng bị méo, răng hàm bị kéo lệch, da mặt bị teo lại, vết mổ cũng hay chảy mủ, chảy máu…

“Em rất buồn, tự ti về bản thân lắm. Nhiều người thương và đồng cảm hoàn cảnh của em, nhưng cũng không ít người ngại tiếp xúc hoặc ngồi gần nên đi đâu em cũng phải mang khẩu trang”, Diễm bùi ngùi.

Trong khi gia đình chị thuộc hộ nghèo ở địa phương, nhà có năm anh chị em, bốn người đã lập gia đình ra ở riêng nhưng đều khó khăn. Diễm là con út sống với cha mẹ nay đã ngoài 70 tuổi. Bản thân chị chẳng có thu nhập ổn định để tự lo cho mình, nói gì phụ giúp cha mẹ. Vậy nên mỗi khi nghĩ về điều này, Diễm lại thấy tủi thân và suy nghĩ rất nhiều.

“Em xin ba mẹ đi học may và cũng may mắn có một chị ở quê thương cảm nhận dạy nghề rồi còn tạo điều kiện cho nhận đồ về ráp lấy tiền công. Em may những đồ đơn giản, nếu làm cả ngày cũng được 100.000 đồng, làm ngày nào chị chủ trả tiền ngày đó. Dù vết thương đau nhức, nhìn nhiều mắt chảy nước liên tục, nhưng em cũng cố gắng vì mình có thể tự lo được cho bản thân”, Diễm thổ lộ.

Thế nhưng tình trạng bệnh của Diễm ngày một xấu đi. Tháng 9/2020, vết thương lại chảy máu và đau nhức nhiều. Diễm lại vào Bệnh viện Ung Bướu để điều trị, sau một loạt các xét nghiệm từ chụp MRI, chụp CT, các bác sĩ đã tư vấn Diễm tiến hành ca mổ đặt nẹp 3D để tạo hình nửa khuôn mặt biến dạng. Song, cái nẹp này phải đặt hàng bên Úc nên khi nào có sẽ gọi em vào phẫu thuật.

Ngày 25/12/2020, Diễm nhận được thông báo từ Bệnh viện Ung Bướu, lúc này hi vọng tìm lại khuôn mặt xinh xắn như ngày nào lóe lên trong đầu cô gái. Bác sĩ tư vấn sẽ khoét bỏ những phần hư hỏng, lắp nẹp 3D (xương nhân tạo), đồng thời cắt thịt đùi đắp lên chỉnh hình lại khuôn mặt. Sau đó, gia đình đóng tiền nẹp 3D và 8 ốc vít hơn 21 triệu đồng. Cứ nghĩ vậy là xong chỉ chờ ngày mổ nhưng ngày 3/1/2021, bệnh viện thông báo phải đóng tiền mổ 20 triệu đồng.

Lúc đó cả gia đình lo lắng vì trong tay chỉ có vài triệu đồng, nhưng cha mẹ chị đã cố gắng vay mượn khắp nơi, rồi nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Ngày 5/1/2021, Diễm lên bàn phẫu thuật, các bác sĩ cắt thịt đùi tạo hình mặt bên trái và cắt một đường ở cổ lấy động mạch lên nuôi phần tạo hình. Cổ khai khí đạo để thở, ăn bằng đường ống bơm thức ăn từ mũi xuống dạ dày, đây là thời gian đau đớn mà Diễm phải trải qua.

Theo Diễm, từ tháng 1 đến tháng 6, em liên tiếp phải trải qua 4 lần phẫu thuật để tìm lại khuôn mặt như ngày xưa. Tuy nhiên hiện khuôn mặt chị bị biến dạng nặng, vết mổ bị lộ ốc vít, mắt trái lúc nào cũng chảy nước vàng.

“Phẫu thuật lần 4, bác sĩ lấy nẹp ra, sau khi mổ một tuần thì vết thương bị lộ ốc vít, em phải uống, chích và truyền kháng sinh hơn một tuần. Sau lần đó em không may dương tính SARS-CoV-2 nên phải đi cách ly tập trung điều trị”, Diễm nói.

Hiện, Diễm đã về quê Bình Định. Theo giấy hẹn, vào tháng 11 tới đây, chị sẽ nhập viện để mổ lấy ốc vít ra. Bây giờ, hàng ngày em đang uống thuốc giảm đau, kháng sinh để kéo dài thời gian chờ đợi ngày mổ.

“Cha mẹ cả một đời tần tảo chăm lo cho anh chị em em, nhưng suốt 32 năm qua em chưa làm ba mẹ yên lòng… Nhà em giờ trông cậy vào đồng lương bảo vệ của ba nên khó khăn chồng chất. Tiền phẫu thuật lần này cha mẹ em chưa biết vay mượn đâu. Bây giờ em mong phẫu thuật lần này em sẽ có khuôn mặt dễ nhìn hơn chút để dễ hòa nhập cộng đồng. Sau đó, em sẽ kiếm công việc nào đó phù hợp để làm phụ giúp cha mẹ về già”, Diễm tâm sự.

Chủ tịch UBND phường Bình Định (thị xã An Nhơn) Nguyễn Anh Dũng cho hay, hoàn cảnh gia đình chị Diễm thuộc hộ nghèo ở địa phương và chị đang hưởng trợ cấp hàng tháng 540.000 đồng. Trong khi đó, cha mẹ đã lớn tuổi nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm trước, địa phương từng hỗ trợ bò giống nhưng khó khăn quá rồi gia đình cũng bán mất.

Chính quyền địa phương tha thiết mong muốn bạn đọc Dân trí và các tấm lòng hảo tâm chung tay giúp đỡ để chị Diễm có cơ hội phẫu thuật, chữa bệnh, trở về với cuộc sống bình yên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *