Trong video, có thể thấy gia đình nọ đã lộ ra việc không thực sự khó khăn như trình bày trước đó trên đường dây nóng. Nhưng cách ứng xử của cán bộ xã mới đặc biệt gây chú ý.
Tổng đài 1022 đang được coi là một trong những “phao cứu sinh” cho người dân gặp khó khăn về dân sinh, lương thực thực phẩm của nhiều người dân sống trong vùng dịch bệnh. Dù có người trực tiếp phản ánh rằng, họ không thể gặp được nhân viên tiếp nhận thông tin mà chỉ được thông báo nhân viên trực tổng đài bận do quá tải, nhưng tổng đài này vẫn mang lại hy vọng được “tiếp tế” cho những hộ gia đình cần kíp.
Vậy mà, cũng có trường hợp người được tiếp nhận thông tin lại không thực sự khó khăn như lời kêu cứu. Một video dài gần 5 phút quay lại cảnh cán bộ địa phương đến làm việc với nhân dân mới đây đang khiến dân mạng bức xúc. Bởi lẽ, gia đình này liên tục gọi lên đường dây nóng kêu cứu, xin hỗ trợ lương thực cho người lớn và sữa cho em bé, nhưng khi cán bộ đến tận nơi kiểm tra thì thực tế lại khác.
Trong clip, có thể thấy đây là nhà riêng khá khang trang, có 2 tầng lầu. Căn nhà rộng rãi, không quá nhiều đồ nhưng được gia chủ giữ rất sạch sẽ, gọn gàng. Những đồ gia dụng như tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy lọc nước, bếp… đầy đủ tiện nghi cơ bản.
Nhà cửa của hộ gia đình này khá khang trang, rộng rãi và sạch sẽ.
Khi đến thăm nhà, tổ công tác nói chuyện nhã nhặn, hỏi han với giọng tâm tình: “Nhà anh có mấy người, nhà về đây lâu chưa? Vô thăm nhà tí nha anh. Anh chị làm nghề gì, nay đang thất nghiệp hay sao? Nay Ủy ban xã xuống nhà anh thăm tí, nghe nói là thiếu lương thực đúng không?…”
Hai vợ chồng chia sẻ, nhà chỉ có người chồng làm công ty, nhưng đã thất nghiệp 3 tháng nay, còn vợ ở nhà nuôi con. Nhà họ xây đã được 5 năm và có hộ khẩu thường trú 4 năm.
Khi được hỏi về thực phẩm, hai vợ chồng lúng túng nói là “1 tuần đi chợ 2 lần”. Trong nhà họ lúc đó, có thể thấy có 2 thùng sữa tươi loại đắt tiền và nhiều lốc sữa lẻ. Người vợ nói sữa là do họ tự mua và chị gái cho. Gia đình cũng có có thùng mì.
Còn trong tủ lạnh, khi cán bộ mở ra xem thử thì thấy đầy các túi thực phẩm, rau, thịt, hàng chục lon bia. Thùng gạo cũng đầy, có một bao cỡ 20 – 30kg gạo.
Sữa, mì, gạo và rau thịt chất đầy tủ lạnh, nhưng gia đình này vẫn gọi điện đến để xin “cứu đói”.
Tuy tình hình thực tế khá rõ, nhưng nữ cán bộ vẫn rất nhã nhặn hỏi lại: “Nãy chị nói muốn xin sữa cho bé là sữa gì ạ? Nhà mình còn thiếu đồ ăn gì không anh?”. Hai vợ chồng bối rối không trả lời, lí nhí giải thích là sữa cho bé được cho lâu rồi, giờ vẫn muốn xin thêm 1 thùng (loại đắt): “Dạ, muốn xin cho bé, mỗi người cho một vài thùng cho bé uống đó chị”, nhưng nhấn mạnh là xin đúng loại gia đình đang dùng.
Nam cán bộ xã, sau khi thị sát tình hình vẫn nhẹ nhàng nói rằng, gia đình có nhu cầu gì về thực phẩm thì cứ đề đạt, xã sẽ xem xét. Người này hỏi kỹ lại cặp vợ chồng:
– Từ hồi đầu dịch đến giờ, xã có hỗ trợ lương thực thực phẩm gì cho anh chị không?
– Có phát rau 3 lần, cứ hơn 1 tuần là có đợt mới.
– Rồi giáo xứ tặng rau, trái cây nữa đúng không?
– Đúng, mà chỉ có rau với trái cây thôi, không có gì khác.
– Bây giờ cũng chỉ có vậy thôi à. Có ai cấp gạo chưa?
– Dạ chưa.
– Rồi, tôi sẽ ghi nhận.
Thực phẩm khô, sữa và kho chứa gạo của gia đình vẫn còn nhiều đồ.
Video clip trên đã khiến nhiều người phẫn nộ, đặc biệt là người đang thực sự gặp khó khăn, không nhờ mua được hoặc chưa đến lượt hỗ trợ thực phẩm, vì có thể thấy, dù hai vợ chồng thất nghiệp nhưng vẫn nhận được giúp đỡ từ bên ngoài, gia cảnh cũng không đến nỗi khó khăn. Nhưng gây chú ý hơn cả là cách tiếp nhận, xử lý thông tin khéo léo của cán bộ địa phương.
“Nhà này có lẽ thấy người ta kêu rồi được hỗ trợ cũng muốn kêu thử xem sao, ai ngờ người ta thị sát thực tế luôn. Thích cách nói chuyện nhẹ nhàng của tổ công tác ghê, kiểu hỏi thăm để người ta tự nói ra sự thật chứ không bóc mẽ thẳng mặt làm người ta quê” – một người bình luận.
Theo Pháp luật và Bạn đọc