Để thấy rõ hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19, chúng ta hãy so sánh hình ảnh chụp X-quang phổi của bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng.
Hiện nay, nhiều người trên khắp thế giới đang lo ngại về tình trạng “nhiễm nCoV đột phá”, tức là những trường hợp đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh. Điều này nghe có vẻ nguy hiểm nhưng thực tế lại không phải vậy. Theo các chuyên gia y tế trên thế giới, vaccine vẫn có hiệu quả rất lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ con người.
Để thấy rõ điều đó, các bác sĩ ở nhiều quốc gia đã tiến hành so sánh phim chụp phổi của những ca Covid-19 đã tiêm và chưa tiêm chủng. Chỉ cần nhìn hình ảnh thôi mọi người cũng sẽ thấy sự khác biệt.
Theo Thanh Niên dẫn nguồn từ CNN, mới đây, BS.TS Ghassan Kamel, Giám đốc Trung tâm Hồi sức Cấp cứu tại Bệnh viện Đại học SSM Health Saint Louis ở Missouri (Mỹ) đã chia sẻ bức hình chụp X-quang phổi của những bệnh nhân Covid-19 lên mạng xã hội. Đáng nói, hai bức hình này là của hai đối tượng khác nhau, một người đã tiêm chủng và một người chưa tiêm chủng.
Qua đó, có thể thấy, ở phim chụp của người chưa tiêm vaccine, phổi có màu trắng đục, đó là vi khuẩn, chất nhầy hoặc chất tiết. Còn ở phổi những người đã tiêm chủng lại thấy rõ ràng hơn, nhiều mảng đen và chứa đầy không khí.
Giải thích kĩ hơn về điều này, bác sĩ Kamel cho biết, những bệnh nhân chưa tiêm vaccine đã dần có hiện tượng xơ hoá phổi, họ chắc chắn sẽ cần oxy và đôi khi là một số thứ khác nữa. Nếu tình trạng chuyển biến nghiêm trọng hơn, những bệnh nhân này sẽ cần máy thở hoặc đặt nội khí quản khi thở máy, thuốc an thần… hỗ trợ sự sống.
Trong khi đó những người đã tiêm chủng dù có mắc Covid-19 thì hầu hết đều không phải chăm sóc đặc biệt. Có rất ít trường hợp trong nhóm này phải vào phòng hồi sức tích cực hoặc cần hỗ trợ sự sống, hầu hết chỉ có những người có bệnh nền nghiêm trọng hoặc hệ miễn dịch quá yếu mới cần.
Qua những dẫn chứng đó, bác sĩ Kamel nhấn mạnh hơn nữa vai trò của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ông mong rằng những hình ảnh trên sẽ thuyết phục nhiều người đi tiêm chủng hơn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều biến chủng nguy hiểm hoành hành như Delta.
Bên cạnh đó, vị bác sĩ cũng khuyến cáo tất cả mọi người nên đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định phòng dịch ngay cả khi đã tiêm chủng hay chưa. Ông nói: “Nếu bạn không thích khẩu trang, chắc chắn bạn sẽ không thích máy thở”.
Giống như cách làm của tiến sĩ Kamel, bác sĩ bệnh truyền nhiễm người Philippines Anne Gabriel-Chan gần đây cũng đã đăng tải nhiều bức hình chụp phim X-quang phổi của những bệnh nhân mắc Covid-19 cho mọi người cùng thấy.
Theo đó, ngoài chỉ ra điểm khác nhau giữa phổi của hai người đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, vị bác sĩ này còn so sánh hình X-quang phổi của ba bệnh nhân đã tiêm chủng đủ 2 liều vaccine trước 2 tuần khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ lại được tiêm loại vaccine khác nhau, gồm: Pfizer, AstraZeneca và Sinovac.
Có thể thấy, phổi của 3 bệnh nhân này đều không có nhiều thay đổi so với người bình thường. Các triệu chứng của họ cũng rất nhẹ, thậm chí có người còn hầu như không có biểu hiện bệnh.
Như vậy, vaccine đã thực sự phát huy tác dụng, giúp ngăn ngừa trường hợp chuyển biến nặng ở các ca bệnh Covid-19. Một điều nữa có thể khẳng định qua việc so sánh, đó là dù tiêm loại vaccine nào đi chăng nữa thì chúng cùng mang lại cùng kết quả. Hay như bác sĩ Anne nhấn mạnh, không có loại vaccine nào hiệu quả hơn loại vaccine nào, mọi người hãy tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Tóm lại, để bảo vệ sức khoẻ bản thân một cách toàn diện nhất, tất cả mọi người nên chủ động tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thật sớm và đủ liều theo khuyến cáo. Đồng thời, đừng quên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng ngừa dịch bệnh.
Các thông tin đời sống xã hội sẽ liên tục được cập nhật tại YAN!
SAU KHI TIÊM VACCINE, CẦN BAO NHIÊU NGÀY ĐỂ TẠO RA KHÁNG THỂ?
Công dụng của tiêm vaccine ngừa Covid-19 chính là giúp mọi người không bị chuyển biến bệnh nặng, giảm khả năng xuất hiện những triệu chứng Covid-19 hoặc nguy cơ lây nhiễm virus. Dù vậy nhiều người vẫn còn thắc mắc về cách thức sinh ra kháng thể của cơ thể sau khi tiêm vaccine.
Để giải đáp cho mọi người, TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ) và Dược sĩ Trần Thị Quốc Tuyến (Hành nghề tại Hungary) đã có những phân tích cụ thể về vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) và vaccine vector virus (AstraZeneca).
Theo đó, hai dược sĩ cho biết, điểm chung của các loại vaccine trên chính là cần ít nhất 10 ngày để tạo ra kháng thể chống virus. Trong thời gian này, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để nhận diện protein gai, từ đó xâm nhập sâu vào các tế bào trong cơ thể.