Hải Phòng không chỉ lợi thế hội đủ cả 5 loại hình giao thông (đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa) mà còn có cả những công trình mang vóc dáng thời đại.
Đổi mới trong tư duy và hành động, trong xu thế hội nhập để phát triển, phát triển để hội nhập… đó là hướng đi khác biệt mang tên Hải Phòng – thành phố nơi cửa biển, mạnh mẽ và kiên cường.
Đổi mới trong tư duy và hành động
Có thể nói, Hải Phòng là cái nôi của phong trào cộng sản, phong trào công nhân cả nước, trung dũng, kiên cường “đi trước về sau” trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất, Hải Phòng cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, truyền thống vẻ vang ấy ngày càng được phát huy mạnh mẽ.
Đặc biệt, với bản lĩnh quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, quân và dân thành phố, từ những đốm lửa đầu tiên được nhen lên với tư tưởng và hành động “xé rào“, “khoán chui“, đổi mới cơ chế quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, thêm một lần Hải Phòng trở thành quê hương của cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Đảng.
Cách làm này của Hải Phòng đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nên đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
“Xé rào“, “khoán chui” là kết tinh của tư duy sáng tạo, quyết đoán, biết vận dụng và thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng vào thực tiễn Hải Phòng; góp phần đúc kết nên những kinh nghiệm thực tiễn quý giá trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều địa phương và trên phạm vi cả nước.
Điều đáng nói, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập, những con người Hải Phòng với ý chí và bản lĩnh thép tiếp tục vượt mọi chông gai, chung sức xây dựng một thành phố Hải Phòng lớn mạnh cả về diện mạo, tầm vóc và vị thế trong Vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và cả nước.
Bác Phạm Ngọc Tuyền, 60 tuổi, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An – người đã theo cùng dòng chảy của sự thăng trầm và phát triển Hải Phòng trong hơn nửa thế kỷ qua tự hào nhận xét về một Hải Phòng rộng, dài, rực sáng đến không ngờ. Đời sống của người dân thành phố được nâng lên đáng kể và là nơi để mỗi người con đã từng rời xa đều muốn quay trở về; một thành phố xanh, văn minh và đáng sống.
Lực hút các nhà đầu tư
Không phải ngẫu nhiên mà các Tập đoàn kinh tế lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Geleximco, Flamingo… đã và đang chọn Hải Phòng làm “bến đỗ“, bởi Hải Phòng không chỉ lợi thế hội đủ cả 5 loại hình giao thông (đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa) mà thành phố này còn có cả những công trình mang vóc dáng thời đại.
Chỉ 5 năm trở lại đây, Hải Phòng đã đưa vào hoạt động nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như: đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, Quốc lộ 10 mở rộng, cầu vượt Lê Hồng Phong, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầu Hàn, cầu Đăng, cầu Tam Bạc, cầu Hoàng Văn Thụ và nhiều công trình hạ tầng giao thông khác trên địa bàn các quận, huyện.
Hải Phòng được mệnh danh thành phố của những cây cầu. Cầu Bạch Đằng hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án quan trọng trong phát triển tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Tuyến đường bộ cao tốc ven biển qua Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa dài hơn 500km cũng đã được khởi công, xây dựng…
Cùng đó, làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong nước đã đến với thành phố Cảng với tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng, Hải Phòng là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thương đường biển phía Bắc; đồng thời là trung tâm kinh tế trọng điểm Vùng Duyên hải Bắc bộ.
Với rất nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển đa dạng, thành phố Hải Phòng hiện đang là địa phương đầu tư trọng điểm nhất của Tập đoàn Vingroup trên cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp với sự hiện diện của Tổ hợp sản xuất ôtô-xe máy điện VinFast tại Cát Hải-Hải Phòng.
Nhà máy sản xuất ôtô VinFast được xây dựng đáp ứng xu thế công nghệ 4.0; công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất 38 xe/giờ.
Cùng với những thành tích trong lĩnh vực công nghiệp, tại Hải Phòng, Tập đoàn Vingroup đang tiếp tục tập trung phát triển hàng loạt các dự án trọng điểm.
Dự án công viên chủ đề VinWonders Vũ Yên quy mô hàng đầu châu Á có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD đang được triển khai sẽ trở thành “điểm đến mới của châu lục” với những trải nghiệm mới lạ hấp dẫn du khách trong nước và thế giới; góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ ngành du lịch Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sun Group chia sẻ, Tuyến cáp treo Cát Hải-Phù Long là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm du lịch cao cấp như sân golf, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Onsen, làng văn hóa ven biển, bãi biển công cộng, cảng tàu du lịch… sẽ được Tập đoàn Sun Group triển khai trong tương lai.
Dự án của Sun Group cũng mở ra những cơ hội mới cho nhiều nhà đầu tư khác tại Cát Bà, Hải Phòng, tạo sự cộng hưởng trong phát triển kinh tế chung của thành phố, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hải Phòng vào năm 2050, bên cạnh những ngành công nghiệp và dịch vụ khác vẫn được coi là thế mạnh của thành phố như đóng tàu, cảng biển…
Đón thêm dòng vốn dịch chuyển
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên địa bàn cũng như các tập đoàn nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào thành phố cần số lượng rất lớn về lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, Hải Phòng đã tập trung cao chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong những năm qua.
Hải Phòng có nguồn nhân lực dồi dào với số lao động trẻ lên tới 1,3 triệu người; trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo liên tục tăng lên qua các năm, riêng năm 2019 đạt 82,5%.
Ngoài ra, sự thuận tiện trong lưu thông với địa phương trong vùng và khu vực cũng tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng thu hút người lao động từ các địa phương lân cận như: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình… đến làm việc.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số đào tạo lao động.
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng cho rằng, điểm nhấn là xuyên suốt 5 năm liền, từ năm 2016 đến nay, thành phố đều chọn chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước – Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” với mong muốn tạo lập một môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng để thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào thành phố.
Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục phát huy các lợi thế, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài; tiếp tục thu hút đầu tư có định hướng, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Thành phố tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như cảng biển, logistics, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; khai thác thế mạnh du lịch biển, đa dạng hóa các hình thức du lịch, phát triển du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-văn hóa…
Cùng đó, Hải Phòng đẩy mạnh thu hút các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp chất lượng cao; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia…
Thành phố kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài với đầu tư của các doanh nghiệp trong nước để phát huy nội lực doanh nghiệp thành phố với vai trò “vệ tinh“./.