Đâu đó trên đời vẫn có những mảnh đời bất hạnh, dẫu cuộc sống còn tạm bợ nhưng nhìn cách mà chú Bằng, cô Hậu yêu thương đứa con gái nhỏ bị ????eo ????ão ????ẩm ????inh sẽ khiến chúng ta ấm lòng….
“Loan thích gì nè, xíu ba mua “cà kê – cà phê” cho con nha! Mua “cà kê” về uống, rồi tối ba lấy “bơm – cơm” cho ăn”, vừa nói chú Bằng vừa đưa ống tay áo cũ mèm lau mũi cho đứa con gái nhỏ.
18 năm qua, Nguyễn Thị Kiều Loan (con gái chú Bằng) vẫn ngây ngô như một đứa trẻ lên ba. Chứng bệnh ????eo ????ão ????ẩm ????inh đã khiến cơ thể Loan teo tóp, nặng vỏn vẹn 17kg, chỉ biết cười đùa, ú ớ theo cha đi lượm ve chai trên sông.
“Thương chứ, nó là con của mình mà!”
Trời chập choạng tối, trên chiếc ghe cũ đậu dọc bờ kè công viên Tầm Vu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chú Nguyễn Văn Bằng (50 tuổi) gom lại đống ve chai vừa vớt được trên sông, phủi phủi miếng nệm cũ, tự nói tự cười mình ên rồi lật đật bước lên bờ, hướng về đứa con gái nhỏ.
“Lại đây ba cõng lên ghe nào”, chú Bằng cúi thấp người xuống, lộ luôn tấm áo rách phía sau lưng, cõng Loan trên vai, cười hạnh phúc: “Mình về thôi con”.
Nghe tiếng ghe máy nổ ì ạch rồi chạy dọc trên sông Sài Gòn, Loan ngồi co ro một góc trên tấm nệm cũ, cố với đôi tay cong queo ra hiệu cho chú Bằng khi nhìn thấy chiếc tàu buýt sông, cười ngọng nghịu.
“Ba, ba, con thích đi, vui vui”.
Mỗi ngày, Loan thường ngồi dọc bờ kè công viên Tầm Vu lúc 16h để đợi chú Bằng đi vớt ve chai về đón
Không như những đứa trẻ bình thường khác, từ trong bụng mẹ, Loan đã mắc phải chứng teo não bẩm sinh. Vì điều kiện gia đình khó khăn, không có tiền thăm khám bác sĩ lúc mang thai nên khi Loan chào đời, vợ chồng chú Bằng mới chết lặng vì con mình chẳng giống con người ta, cái đầu Loan chỉ nhỏ xíu.
“Bác sĩ bảo con bé bị ????eo ????ão ????ẩm ????inh rồi, bệnh này không có chữa được, có tiền thì mua thuốc bổ não, đồ ăn ngon cho con bé để nó khỏe hơn thôi. Lúc đó 2 vợ chồng chú chỉ biết ôm nhau khóc”, chú Bằng tâm sự.
Đưa con từ bệnh viện trở về nhà, nhìn đứa trẻ nhỏ xíu nằm lọt thỏm trong vòng tay cô Nguyễn Thị Hậu (44 tuổi, vợ chú Bằng), 2 vợ chồng gạt nước mắt, cố gắng làm lụng để nuôi con. Không có đất có vườn, công việc bấp bênh khiến 2 vợ chồng lấy sông nước làm chốn nương thân. 4 năm trước, chú rời bỏ vùng quê nghèo tại An Giang, đưa vợ con lên Sài Gòn bám trụ trên chiếc ghe nhỏ đậu bên mé bờ cầu Bình Triệu, đi vớt ve chai để sống qua ngày.
“3 năm trước, Loan bị bệnh nặng quá, chú mới đưa nó vô Nhi đồng 1 để khám, mà khổ không có giấy tờ, bảo hiểm y tế nên chữa bệnh được một thời gian, hết tiền, chú phải đưa em về nhà. Giờ con bé hay đau ốm, có chảy nước mũi là không bớt, cứ khò khè hoài luôn”, chú Bằng nhìn con gái, buồn bã.
“Con bé coi vậy chứ biết hết, có điều đi vệ sinh không tự chủ được, còn ăn uống thì bình thường, chỉ thích ăn cá, ăn “bơm – cơm” thôi. Còn đi đứng thì y như người say rượu, cong vẹo lắm, nói chuyện chỉ được vài từ quen quen hà” , nói đoạn, chú Bằng nhìn Loan, cười tự hào: “Vậy là giỏi lắm rồi Loan hen, con gái của ba Bằng mà”.
Mặc dù biết Loan sinh ra đã khác những đứa trẻ bình thường khác nhưng suốt 18 năm qua, 2 vợ chồng chú Bằng chẳng bao giờ nghĩ đến ý định sẽ sinh thêm một đứa con nào khác. Một phần vì sợ không đủ điều kiện để lo cho con, phần còn lại là vì Loan, cô chú muốn dành tất cả tình thương, thời gian của mình để bù đắp cho đứa trẻ vốn đã chịu thiệt thòi từ khi còn chưa mở mắt nhìn cuộc đời…
“Nhiều lúc chú nghĩ cũng buồn, không phải buồn cho 2 vợ chồng mà buồn cho con của mình, sao nó lại thiệt thòi như vậy, tay chân, đầu óc không được trọn vẹn như người ta. Còn nó đã là con của mình, có ra sao thì mình vẫn thương, chứ sao mà bỏ được. Phải lo cho nó, thương nó nhiều hơn nữa kìa, con của mình chứ phải ai đâu mà chối bỏ, như vậy tội lắm”, chú Bằng nghẹn lời.
“Mình đâu dám ước, chỉ mong con không chịu đói là được”
“ Con gái của mẹ về rồi, lên ghe mẹ tắm cho Loan hen” , đưa đôi bàn tay nhấc bổng Loan lên chiếc ghe lớn hơn, cô Hậu quay sang phía chú Bằng hỏi: “Nay vớt được nhiều không ông?”.
Mấy chục vỏ lon bia, đống sắt vụn từ căn nhà đập bỏ là thành quả của 2 cha con sau một ngày xuôi ngược trên dòng sông Sài Gòn . ” Chắc cũng được hơn 10kg sắt, bán ra 50 ngàn, ve chai thêm ít nữa, cũng đủ tiền chợ rồi”, chú Bằng trầm tư.
Mấy chục năm bôn ba xuôi ngược, tài sản lớn nhất mà chú Bằng có được là chiếc ghe cũ được mua lại của chủ thuyền để làm chỗ che mưa, che nắng cho cả gia đình. Lúc trước ở ghe nhỏ, mưa xuống, nước lên khiến ghe bị lật, cả gia đình bơi giữa dòng sông Sài Gòn. Mấy tháng trước, chú đi mượn 30 triệu tiền góp, mua được cái ghe lớn để Loan có chỗ sinh hoạt.
“Cả gia đình không ai có giấy tờ nên sống lay lắt trôi dạt chứ biết làm sao , chỉ tội cho con Loan, nó đau ốm suốt mà chú không đủ điều kiện đưa đi khám đàng hoàng. Cứ cách 2 – 3 ngày lại phải mua thuốc ho, sổ mũi cho nó, cầm cự cho qua thôi, cũng may con bé không bệnh nặng, không thì khổ lắm”, chú Bằng nói.
Ngồi trong lòng mẹ, Loan đưa đôi mắt ngây ngô nhìn xung quanh, cô bé thích thú với cái giọng ồm ồm của ba, hay mắc cỡ khi có người lạ xuất hiện rồi dúi đầu mình vào mẹ, thẹn thùng.
18 tuổi, đáng lẽ Loan đã thành cô sinh viên năm nhất đại học, hay ít nhất cũng từng trải qua những ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng không, thời thơ ấu của em gắn liền với bệnh viện, với những mũi kim tiêm, với chuyến ghe rày đây mai đó của ba… Lớn lên trên ghe, trôi dạt theo con nước, trong trí nhớ ít ỏi mà em có thể nhận thức được là nụ cười sảng khoái của ba mẹ khi “trúng mánh” một lượng ve chai lớn, là khi được mấy cô chú đi ghe lớn dúi cho vài chục ngàn tặng Loan mua bánh, mua “cà kê”…
“Thương ba mẹ, thương lắm, thích uống cà kê”, Loan cười hồn nhiên nói.
Trên chiếc ghe chật chội, bên cạnh đống ve chai tích góp mấy ngày qua, chẳng có thêm vật gì đáng giá ngoài chiếc quạt máy cũ, ít rau củ, bịch gạo treo trên chòi bếp. Mọi sinh hoạt, ăn uống của 3 con người đều gói gọn trên mấy mét vuông này.
“Tắm giặt thì cô lấy nước ở sông, còn nấu ăn thì chú chạy ghe qua bên kia xin nước, ở riết thành quen, giờ còn khổ gì nữa đâu”, cô Hậu nói.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, chú Bằng đưa mắt nhìn về phía vợ con, cười nghẹn: “Chú đâu dám mong gì, có tiền lo cơm nước, thuốc men cho con Loan là được, không để con mình phải đói bụng thôi. Con bé đã chịu thiệt thòi nhiều lắm rồi…”.
Có lẽ mười mấy năm qua, điều mà chú Bằng, cô Hậu day dứt nhất là chẳng thể nào cho Loan một nơi ở cố định khi phải bôn ba khắp nơi vì miếng cơm manh áo.
Trong chiếc ghe nhỏ, 3 con người ngồi lại với nhau, nụ cười hiền khô của họ nhưng xua tan mọi khó nhọc trên đời. Dẫu cuộc sống còn tạm bợ nhưng nhìn cách mà chú Bằng, cô Hậu yêu thương đứa con gái nhỏ sẽ khiến chúng ta ấm lòng…