Bố mẹ mất sớm, cụ Nguyễn Thị Cốm (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định) sống cô độc một mình từ khi đôi mươi. Cũng từ đó, bà bị bệnh thấp khớp, không dám lập gia đình. Giờ đây một mình bà sống hiu quạnh, bữa đói bữa no trong căn nhà nhỏ tồi tàn, rách nát.
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không dám lấy chồng vì bệnh tật đeo bám
Tìm đến xóm Chợ, xã Thành Lợi, (huyện Vụ Bản, Nam Định), trong một buổi chiều đông, khi hỏi cụ Nguyễn Thị Cốm (70 tuổi), thì ai ai cũng biết. Hình ảnh cụ bà hiền hậu, kham khổ, sống cô độc một mình trong căn nhà tồi tàn vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ mỗi người dân nơi đây, ai cũng thương xót cho hoàn cảnh, số phận của cụ.
Căn nhà cụ Cốm nhỏ xíu, lỉnh kỉnh các vật dụng cũ mèm, không có giá trị.
Theo chân những tình nguyện viên huyện Vụ Bản, chúng tôi tìm được đến nhà cụ Cốm. Căn nhà nhỏ rộng chưa đầy 10 mét vuông, cửa vào nhà cao vỏn vẹn hơn một mét nằm lọt thỏm giữa khu dân cư khá sầm uất, kín cửa, cao tường.
Trước cửa nhà cụ Cốm, những mẩu cây khô đủ loại chất đống làm củi đốt. Cái giỏ nhựa chứa vài chiếc đĩa, bát mẻ, đôi đũa mốc meo đen kịt nằm phía trước cổng ra vào. Mọi thứ được phủ tầng tầng, lớp lớp bụi trắng mờ.
Căn nhà được các mạnh thường quân và chính quyền địa phương xây tặng.
Các thành viên hội Thanh niên tình nguyện huyện Vụ Bản cũng thường dành thời gian đến thăm cụ Cốm.
Thấy có khách đến nhà, cụ Cốm nở một nụ cười hiền hậu, khắc khổ và nói: “Nói lớn lên, tai điếc lắm rồi”, sau đó mời chúng tôi vào nhà dù căn nhà chẳng có đủ chỗ cho 3 người đứng.
Từ khi sinh ra, cụ Cốm cũng được bao bọc bởi bàn tay của cha mẹ như bao người khác. Cha mẹ sinh được 3 người con gái, cụ Cốm là con út. Lớn lên, các chị lần lượt đi lập gia đình, còn mình cụ sống với cha mẹ đến năm 20 tuổi thì hai người cũng mãi mãi ra đi.
Căn nhà nhỏ xíu của cụ Cốm nằm lọt thỏm giữa khu dân cư khá sầm uất.
Chiếc quạt là vật dụng quý giá nhất trong nhà do người chị em kết nghĩa của cụ Cốm tặng.
Cụ Cốm trầm ngâm kể về số phận khổ cực của mình.
“Trước cha tôi đẹp lắm, ông cụ đi dạy học từ hồi còn trẻ. Sau khi cha mất thì tôi cũng bị bệnh thấp khớp từ ngày đó luôn. Mẹ tôi làm ruộng, buôn muối rồi cũng mất sau đó, các chị đi lập gia đình nên hàng ngày mình cứ đi bắt con cua, con ốc sống tạm bợ một mình thế thôi”, cụ Cốm tâm sự.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” sống hàng chục năm cô đơn, khắc khổ, tai khó nghe, mắt mờ, răng rụng, nhưng cụ Cốm vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo, hay cười lắm. Nhắc đến việc hồi trẻ không lấy chồng, lập gia đình, cụ Cốm cười ngượng nghịu:
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Cốm vẫn còn minh mẫn, hoạt bát và vô cùng hiền hậu, có phần e thẹn.
“Ngày xưa quan niệm lắm, phải lấy người khoẻ về làm được việc. Thân tôi khi 21 tuổi đã bị thấp khớp nên không dám lấy chồng. Mình bệnh tật đi lại còn khó khăn, lấy chồng vào sợ không làm gánh vác gia đình được thì người ta đánh chửi. Mà cũng chẳng ai hỏi lấy, nhỡ có hỏi cũng không dám lấy. Giờ còn sống được đến ngày hôm nay là may mắn lắm rồi”, cụ Cốm cười ngượng.
“Giờ mắt đau, tai cũng điếc, răng rụng, sống một mình mãi cũng quen rồi”
Căn nhà sập xệ, nhỏ xíu cụ đang sống hiện tại được các nhà thiện nguyện và chính quyền địa phương dựng trên đất của cha mẹ cụ để lại. Trong nhà kê vừa đủ cái giường cũ với vài chiếc hòm, hộp lỉnh kỉnh là chật cứng. Mái ngói đã xô lệch, trời mưa thì giột, nắng thì nóng như cái lò.
Phần mái nhà đã dột nát.
Hai chị gái của cụ thì một chị đã mất, một người bị đột quỵ từ năm 2012, cụ Cốm muốn đi thăm cũng chẳng thể đi được: “Mình đi ra cửa còn khó khăn rồi, trước đây hai chị em còn viết thư được giờ thì mắt mờ rồi. Chị lấy chồng rồi cùng chồng vào Thành phố Buôn Ma Thuột từ khi còn trẻ và sinh sống trong đó.
Trước chị ấy còn khoẻ thì mỗi năm cho mình được mấy đồng giúp đỡ, giờ chị ấy cũng nằm liệt, con cháu phải bón cháo cho ăn tôi cũng không dám mơ ước đi thăm được”, bà Cốm chia sẻ.
Hộp đựng gạo nhỏ xíu.
Giỏ nhựa đựng bát bám nhiều lớp bụi, cáu bẩn.
Sống một mình neo đơn, không nơi nương tựa, mỗi tháng cụ Cốm được chính quyền địa phương hỗ trợ 405.000 đồng/tháng. Do thuộc diện hộ nghèo nên được trợ cấp 50.000 đồng tiền điện hàng tháng.
“Tôi dùng cũng không bao giờ hết 50.000 đồng tiền điện, nhà có cái gì đâu, các chú xem… Có mỗi cái quạt chị em kết nghĩa cho với cái bóng điện là hết không có gì. 50.000 đồng tiền điện dùng không hết thì mình được nhận tiền thừa, nếu dùng quá lên thì phải nộp tiền”, cụ Cốm nói.
Khu vực bếp của cụ Cốm nằm ở trước cửa, sát nhà.
Trước đây khi còn sức khoẻ, đi lại được cụ Cốm thường đi buôn quả chanh kiếm thêm vài đồng trang trải cuộc sống. Khoảng 2 năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, bệnh tật đeo bám nên cụ đành ở nhà.
“Thấp khớp nhiều đêm đau không ngủ được ngày nào cũng phải 2 ấm thuốc, một tháng là 60 ấm đều đều. Thuốc thì ra chợ, mua thuốc nam thôi, 1 thang thuốc nam là 8 nghìn đồng uống được 3 ngày. Không có thuốc uống thì thấp khớp đau lắm”, cụ Cốm tâm sự.
Dù sống khổ cực nhưng cụ Cốm vẫn hay cười, khi gặp mọi người, hàng xóm.
Nhắc đến mong ước về con cháu, ánh mắt cụ Cốm đượm buồn rồi cố gượng cười nói: “Sống một mình mãi cũng thành quen. Một mình cũng được, con cái nhiều khi nó chửi cho ngày trước ngày sau lại chạy. Cũng muốn, mà thôi, kệ”, cụ Cốm nghẹn lại.
Giờ đây khi tuổi cao, sức yếu. Cụ Cốm chẳng có mong ước gì lớn lao nữa. “Có tiền ăn với mua thuốc là mừng. Nếu được thì mong sửa cái nhà cho đỡ mưa giột, đỡ khổ là mừng lắm rồi. Sửa thôi là mừng lắm chứ không ước xây mới đâu”, cụ Cốm tâm sự.