Nhiều gia đình thường đẻ 2 – 3 con, tuy nhiên cách nuôi dạy đối với mỗi đứa trẻ là không giống nhau. Thứ tự của trẻ trong gia đình có thể ảnh hưởng đến phương pháp cha mẹ nuôi dạy con và hình thành nên tính cách của chính người con đó.
1. Con đầu lòng
Con đầu lòng thường là những nhà lãnh đạo có xu hướng tuân theo các quy tắc và luôn cố gắng để đạt được mục tiêu. Nhờ đặc điểm này, họ có thể rất thành công trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Con cả có xu hướng trở thành người cầu toàn và luôn phấn đấu để làm hài lòng người khác. Họ luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu, vì vậy luôn cư xử như những người trưởng thành dù còn nhỏ và chịu trách nhiệm về mọi việc trong gia đình.
Tuy nhiên, con đầu lòng cũng có xu hướng thống trị và chiếm giữ. Bởi vì rất sợ mắc lỗi, những đứa trẻ lớn nhất trong gia đình không thích sự linh hoạt. Ví dụ như họ không thích thay đổi mọi thứ và trở nên do dự khi cần bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Khi con cả làm cha mẹ:
Cha mẹ thường có xu hướng kì vọng cao vào những người con cả. Bởi vậy khi những người con cả trở thành cha mẹ, họ cũng có xu hướng kì vọng nhiều vào con mình và luôn muốn giữ mọi thứ theo thứ tự.
Đôi khi bạn cũng có thể nhận ra mình quá mức khắt khe với con. Tuy nhiên, khi sinh người con thứ hai, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dung hòa và thư giãn hơn.
2. Con thứ
Con thứ thường đóng vai trò là người hòa giải trong gia đình, họ thường học cách thương lượng và thỏa hiệp để có thể phù hợp với tất cả thành viên. Nhờ khả năng đàm phán tốt, con thứ có mối quan hệ xã hội phong phú. Họ rất linh hoạt và sẵn sàng “đi theo dòng chảy”.
Có một điều ít người để ý là con thứ luôn thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hơn con cả hoặc con út. Bởi vậy, họ dần học cách “vừa lòng” để bù đắp. Đó là lí do họ có xu hướng thiết lập các mối quan hệ bạn bè mạnh mẽ hơn so với gia đình.
Khi con thứ làm cha mẹ:
Khi làm cha mẹ, bạn có thể sẽ muốn bù đắp sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với mình trong thời thơ ấu. Thay vì phán xét nhanh chóng một vấn đề liên quan đến con cái, bạn sẽ lắng nghe chúng và nhìn thấy cả hai mặt của bất kỳ vấn đề nào.
Bạn cũng là người có thể đưa ra quyết định tốt nhất và công bằng cho cả gia đình. Vì con thứ biết cảm giác bị bỏ rơi như thế nào nên bạn sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng các con của mình cảm thấy được sự công bằng.
3. Con út
Con út trong gia đình có xu hướng tự do hơn các anh chị. Kết quả là con út thường tự lập và tự tin hơn. Họ thường có tinh thần tự do, vui vẻ và hướng ngoại.
Các bạn trẻ là con út cũng thích phiêu lưu và cởi mở hơn, luôn thích những trải nghiệm độc đáo và chấp nhận rủi ro hơn so với anh chị. Chính vì điều này, con út có sức quyến rũ một cách tự nhiên với mọi người xung quanh và họ thường là trung tâm của sự chú ý vì điều này.
Là “em bé” của gia đình, họ ít trách nhiệm hơn và đôi khi có thể cư xử một cách vô tư.
Khi con út làm cha mẹ:
Nếu bạn là đứa trẻ nhỏ nhất trong gia đình, có lẽ bạn cũng sẽ khuyến khích con mình tìm kiếm sự phiêu lưu như chính bản thân hồi trẻ. Bạn thường không bị ràng buộc bởi các lý thuyết và tin vào trực giác của mình khi chọn điều phù hợp với gia đình nhiều hơn.
Bạn có thể gặp một số vấn đề với việc thiết lập các quy tắc trong gia đình. Đừng coi nhẹ điều đó, bởi bạn nên nhớ rằng các quy tắc là cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ em. Vì vậy, bạn nên quan tâm đến một số kỹ năng về việc tổ chức.
Đôi khi, bạn có thể quá mềm yếu với con cái, nhưng đừng quên rằng đây không phải là cách tiếp cận tốt nhất dành cho con của bạn.
4. Con một
Những đứa trẻ là con một có xu hướng giống với con đầu lòng. Chúng tự tin, thành công, cầu toàn và có tính lãnh đạo bẩm sinh.
Tuy nhiên, những người con một có thể trở nên ích kỷ và tự cho mình là trung tâm vì không bao giờ chúng phải cạnh tranh với một đứa trẻ khác để được chú ý hoặc không bao giờ phải chia sẻ đồ chơi với ai cả.
Những người con một cũng rất tham vọng, dám nghĩ dám làm và hoạt bát. Bởi chúng lớn lên trong môi trường toàn người lớn, do đó sẽ trưởng thành hơn.
Khi con một làm cha mẹ:
Nếu là con một, bạn có thể gặp một số vấn đề khi xây dựng nên gia đình của riêng mình. Bạn cần học cách chia sẻ tất cả những thứ bạn đang sở hữu. Ban đầu có thể sẽ khá khó khăn, bạn có thể cảm thấy như “cá rời khỏi nước”, nhưng rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Thêm vào đó, đừng quên rằng ai cũng cần không gian riêng. Dù bạn từng là con một, dành được tất cả thời gian của mọi người, nhưng khi có gia đình, hãy hiểu các thành viên cần học cách tôn trọng nhau. Và đừng buồn hay quá lo lắng khi các con yêu cầu điều này, bởi như vậy sẽ giúp con bạn phát triển mạnh mẽ hơn.