5 vấn đề, 3 giải pháp giúp biến nguy thành cơ…

Chiều 20/8, diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” với chủ đề “Vững vàng vượt khủng hoảng” đã được tổ chức nhằm thảo luận, đưa ra giải pháp chống “bão Covid-19”. Sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo đến từ các doanh nghiệp lớn như VPBank, PNJ, Tập đoàn Minh Phú, AA Corporation, Tập đoàn Thiên Long, FPT, Deloitte,…

Theo lãnh đạo của các doanh nghiệp, đại dịch thiên niên kỷ Covid-19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Khảo sát nhanh tại sự kiện cho thấy, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của cơn bão Covid-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí có thể dài hơn. Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ”. Các doanh nghiệp cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là một con đường không thể khác.

Hội thảo chỉ ra 5 vấn đề trọng yếu nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay bao gồm: Đổi mới sáng tạo chuyển đổi tổ chức, Tăng trưởng doanh thu, Bảo vệ người lao động, Duy trì nguồn vốn lưu động và Giảm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Để giải quyết những vấn đề này, bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn của mình, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã thống nhất đưa ra những giải pháp ưu tiên cấp bách.

Một là phát huy vai trò và tinh thần của người lãnh đạo. Hơn lúc nào hết tại thời điểm này, người lãnh đạo doanh nghiệp phải khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình, không chỉ trong tư duy, trong xử lý tình huống mà trên hết, còn phải là người truyền cảm hứng và kiên tâm. Cho dù các bối cảnh kinh doanh khác nhau, mô hình vận hành mỗi doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh tương ứng khác nhau, nhưng điều quan trọng hơn cả là cần một nhà lãnh đạo kiên tâm để đưa doanh nghiệp từ “sống sót đến thịnh vượng”. Để đảm bảo sự sống còn tiến đến hưng thịnh của doanh nghiệp, nhà lãnh đạo cần phải hành động quyết đoán, kịp thời, phải đưa ra được những chiến thuật, quyết định trong ngắn hạn nhưng trong tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn này, nhà lãnh đạo cũng cần trao gửi niềm tin, truyền cảm hứng “chiến đấu” cho đội ngũ nhân viên của mình để cùng hướng đến một mục tiêu chung giúp doanh nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng.

Hai là sáng tạo, đổi mới bằng công nghệ. Đây là thời điểm phải đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới lên tột bậc. Nếu trước đây số hóa, tự động hóa chỉ là định hướng của doanh nghiệp thì hiện nay số hóa, tự động hóa phải được xem là việc không thể không làm. Phải đẩy nhanh quá trình số hóa để tạo ra những thay đổi, mang lại giá trị mới và lợi nhuận hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Các thử nghiệm có thể được thực hiện liên tục trong thời gian ngắn, vài tuần hoặc một tháng để liên tục rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như với ngành nuôi và chế biến tôm, tỷ lệ nuôi tôm thành công thông thường là 50-60%, để đạt được hiệu quả cao nhất cần nâng tỷ lệ này lên 90-95% thậm chí là 100%. Muốn làm được điều này không có cách nào khác là ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào chuỗi giá trị nuôi và chế biến tôm.

Ba là tập trung phát triển nguồn nhân lực. Con người là tài sản giá trị nhất đối với một doanh nghiệp. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, doanh nghiệp cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài; đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động. Tăng năng suất sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm được giá thành sản phẩm đáp ứng được xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay. Và muốn tăng năng suất lao động thì phải tăng thu nhập để kích thích tinh thần CBNV. Cùng với việc tăng năng suất lao động là phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để tạo ra những đội ngũ nhân viên không ngừng học hỏi, sẵn sàng có những sáng kiến sáng tạo để tìm ra cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.


Tương ứng với các thách thức được nêu ra, bằng kinh nghiệm tư vấn và triển khai hàng loạt các dự án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và tại Việt Nam, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyển đổi số của FPT đã đưa ra những giải pháp tương ứng bằng ứng dụng công nghệ.

Theo ông Việt Anh, đối với bài toán tăng trưởng doanh thu, việc tái cấu trúc lại quy trình kinh doanh, đầu tư hạ tầng, để đẩy mạnh bán hàng online đang mang lại những hiệu quả rõ rệt. Thực tế tại FPT Retail, doanh thu mảng online trong giai đoạn Covid-19 đã tăng trưởng vượt bậc hay khách hàng của FPT là một công ty Gas tại Nhật đã tăng trưởng 10% doanh thu. Đồng thời, việc ứng dụng nền tảng online cũng sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo việc duy trì kết nối với nhân viên.

Về vấn đề đảm bảo nguồn vốn, sáng tạo trong vận hành, ông Việt Anh cho rằng ứng dụng các giải pháp công nghệ tự động hóa sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Nhiều khách hàng của FPT đã ứng dụng các giải pháp tự động hóa như FPT SPro, FPT.AI, akaBot… giúp tiết kiệm lên tới 60% chi phí, đồng thời gia tăng đến 80% năng suất.

Đối với bài toán gián đoạn chuỗi cung ứng, việc đưa vào ứng dụng nền tảng Hội chợ trực tuyến sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách dễ dàng. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM đã đưa vào ứng dụng nền tảng này với 50 showroom đang hoạt động và dự kiến đến cuối năm con số này sẽ lên mức 100 showroom.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *