Bức ảnh chiếc xe Mercedes màu trắng đi vào làn bên phải (theo chiều lưu thông) tại hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) đã thu hút hàng trăm tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đi như chiếc Mercedes trong hình sẽ bị xử phạt với lỗi sai làn đường.
Ghi nhận hiện trường, hệ thống biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường và dấu hiệu khác trên mặt đường đã rất rõ ràng, thể hiện đúng ý đồ tổ chức giao thông qua hầm đường bộ Kim Liên của cơ quan chức năng. Và đa số người dân hiểu, chấp hành tốt quy định này.
Hầm Kim Liên với bản phân làn không đúng quy chuẩn.
Tuy nhiên, hệ thống báo hiệu đường bộ được lắp đặt tại đây chưa cập nhật đúng với Quy chuẩn Quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, QCVN 41/2019 của Bộ GTVT. Do vậy việc xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cụ thể là ôtô và xe máy đi sai làn là chưa có cơ sở theo quy định của pháp luật. Muốn xử phạt, cơ quan chức năng phải cập nhật, đồng bộ lại hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường và các dấu hiệu nhận biết khác tại hầm đường bộ Kim Liên cho đúng với QCVN 41/2019, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, tuy chưa thể xử phạt lỗi “sai làn”, nhưng hệ thống biển báo hiệu thế hệ cũ cũng đủ để người tham gia giao thông qua nơi đây nhận biết và chấp hành, nếu họ có ý thức.
Ý kiến này nêu khoản 3, Điều 13 Luật GTĐB và thông tư TT31/2019 về việc Quy định tốc độ tối đa và khoảng cách an toàn cho phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông. Theo đó, phần nhiều những trích dẫn luật nêu trên nhằm vào tính “tự giác” của người điều khiển phương tiện. Nếu hiểu theo cách này thì việc tham gia giao thông cũng không nhất thiết phụ thuộc hoàn toàn vào biển báo, vào bất cập của biển báo (chưa giống so với Quy chuẩn 41/2019) để cố tình điều khiển phương tiện giao thông khác với ý đồ tổ chức giao thông. Ví dụ như điều khiển ôtô đi vào làn bên phải trong hầm đường bộ Kim Liên là chưa đúng.
Các bạn đánh giá ý kiến này thế nào?
Khoản 3, điều 13 Luật GTĐB: “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải”. Muốn hiểu rõ điều luật này cần xem Thông tư 31/2019/ TT – BGTVT để biết quy định tốc độ tối đa các loại phương tiện khi tham gia GTĐB. Tốc độ thực tế di chuyển hay tốc độ được quy định với từng phương tiện vẫn là điểm gây khó hiểu cho người tham gia giao thông. Về nguyên tắc mọi điều khoản trong Luật chỉ có một cách hiểu và không suy diễn.