“Có mâm bát mà cô còn không rửa được thì làm được cái gì? Cô có biết làm vợ không đấy, hay là để tôi gửi về mẹ đẻ để dạy lại” – Chồng quát Ngọc khi cô nhờ rửa bát hộ.
Lấy chồng đúng như một canh bạc. Nhiều lần Ngọc than thân trách phận mình không biết kiếp trước ăn ở ra sao mà kiếp này lấy ngay phải anh chồng lười biếng, lại còn gia trưởng.
Nhiều lúc lướt mạng xã hội thấy chị em kể cưới 10 năm, 15 năm rồi mà vợ chồng vẫn yêu nhau thắm thiết, Ngọc thấy ngưỡng mộ và cũng ganh tị lắm. Bởi cô mới kết hôn được có 3 năm thôi mà đã thấy ngao ngán vô cùng.
Tỉnh – chồng Ngọc luôn có suy nghĩ rạch ròi về vai trò người chồng và người vợ trong gia đình. Anh quan niệm: “Đàn ông đeo tạp dề, cầm rẻ rửa bát thì không đáng mặt đàn ông”. Chính vì vậy, tất tật việc trong nhà anh đều mặc kệ vợ.
Ngọc cũng đi làm như anh, nhưng chiều về nhà cô còn phải lo cơm nước cho chồng con, dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho cả nhà. Đó là còn chưa kể Ngọc phải tự mình chăm con, cho đứa nhỏ đi học… Còn Tỉnh về đến nhà là anh nằm dài trên ghế đợi cơm, mắt dán vào điện thoại hoặc laptop, mặc cho Ngọc xoay xở tất cả mọi việc.
Tỉnh lười đến nỗi mẹ anh thi thoảng ghé sang chơi cũng cảm thấy “ngứa mắt”. Bà không đồng ý cách đối xử của anh với Ngọc, thậm chí nhiều lần bà mắng như tát nước bảo phải san sẻ việc nhà với vợ mà anh vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí Tỉnh ngày càng ích kỷ hơn.
Thứ 6 tuần trước, Ngọc bị lây cảm cúm của con gái nên 2 mẹ con nằm bẹp giường từ sáng. Đến lúc Tỉnh đi làm về thấy khu bếp lạnh tanh, cơm nước chưa nấu. Anh hỏi Ngọc thì cô kêu ốm mệt chưa kịp chuẩn bị bữa tối.
Cứ nghĩ chồng thấy vợ ốm thì sẽ đeo tạp dề, xắn tay vào bếp nấu cơm. Hoặc anh sẽ mua tạm gì đó về ăn rồi mua cháo cho 2 mẹ con. Nhưng không, khi Ngọc đang thiêm thiếp ngủ thì giật thót mình bởi tiếng chồng quát: “Ơ hay, lại còn nằm ngủ nữa được. Không dậy mà lo cơm nước đi. Tôi đói lắm rồi đấy”.
Nghe vậy, Ngọc nhổm dậy lo cơm nước. Thấy bước chân của vợ run rẩy, tay làm thì lóng ngóng, Tỉnh còn quát thêm: “Không phải tỏ ra yếu đuối như thế, tôi còn mệt bằng mấy cô đây”.
Ngọc tủi thân đến ứa nước mắt. Cô cố gắng nấu cho xong bữa cơm để chồng khỏi cằn nhằn.
Ăn xong bữa tối, thấy đầu óc vẫn quay cuồng, Ngọc đứng lên thều thào nhờ chồng rửa hộ. Nhưng vừa nói hết câu anh liền vung tay hất đổ hết mâm bát. Đứa con sợ quá bật khóc, còn Ngọc thì càng thêm luống cuống.
Anh gắt gỏng: “Tôi nhịn cô từ chiều đến giờ là đủ rồi nhé. Có mâm bát mà cô còn không rửa được thì làm được cái gì? Cô có biết làm vợ không đấy, hay là để tôi gửi về mẹ đẻ để dạy lại?”.
Ngọc khóc nức nở, đứa bé cũng gào khóc theo. Cô cúi xuống dọn từng mảnh sành vỡ. Tay cô rỉ máu vì cạnh sắc của mảnh sành cứa phải.
May sao đúng lúc đó mẹ chồng Ngọc sang chơi. Bà nhìn qua là biết tất cả. Mẹ Tỉnh xồn xồn cầm chổi, hướng đầu cán thẳng mặt anh: “Anh thì giỏi rồi, thích làm công to việc lớn để không phải đụng chân vào việc nhà à? Thế 1 năm qua anh mang được bao nhiêu tiền về đưa vợ, hay cũng toàn cái Ngọc cung phụng cho cả nhà, rồi hầu hạ anh từng bữa?
Tôi nói cho anh biết, bố anh giỏi như thế cũng chưa bao giờ có thái độ đó với tôi đâu. Đừng để đến lúc vợ đâm đơn ly dị mới tỉnh ngộ. Tôi trước nay không dạy anh “tính nhà quan”, trèo đầu cưỡi cổ vợ như vậy. Anh học ai thì chừa ngay. Chứ để tôi thấy lần nữa thì không xong với tôi đâu”.
Mẹ chồng Ngọc gằn giọng giận dữ khiến Tỉnh không dám cãi trả nửa lời. Bà ném cái chổi về phía anh, bắt anh dọn dẹp thay vợ.
Sau đó bà nâng đỡ Ngọc ngồi lên ghế rồi ôn tồn bảo: “Mẹ không bênh con mẹ đâu. Cùng là phụ nữ, mẹ hiểu được nỗi đau khổ của người vợ có chồng hẹp hòi, ích kỷ. Sống mà khổ quá thì con cứ ly hôn đi. Bố mẹ vui vẻ. Mẹ không dạy được con mẹ thì mẹ nhất định không để nó làm khổ con cái nhà người khác”.
Ngọc nghe thấy những lời nói đó thì bật khóc cảm động. Còn Tỉnh thì cun cút làm nốt việc nhà không dám kêu ca. Cũng từ đó anh đối xử ôn hòa với vợ hơn. Anh ta nom vậy nhưng cũng sợ vợ bỏ, mặt khác Tỉnh còn bị mẹ đẻ “bắt vía”.