Nhà hàng ở Điện Biên bị ‘bom’ 350 mâm cỗ cưới: Có thể khởi kiện, đòi bồi thường được không?

Liên quan đến vụ việc chủ nhà hàng tiệc cưới ở Điện Biên bị khách đặt cỗ đám cưới “bùng” 350 mâm trị giá khoảng 300 triệu đồng, nhiều độc giả đặt câu hỏi liệu trong trường hợp này, nhà hàng có thể khởi kiện, đòi bồi thường được không?

Như tin đã đưa, chiều ngày 30/9, lãnh đạo UBND phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết, công an phường này vừa nhận trình báo của chủ nhà hàng Tâm Phúc về việc nhà hàng bị khách đặt rạp, cỗ đám cưới nhưng bị ‘đánh tháo’.

Tối cùng ngày, anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng Tâm Phúc, ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), cho biết vẫn đang chờ công an xác minh, tìm cặp cô dâu, chú rể đã đặt 350 mâm cỗ cưới của nhà hàng rồi “bùng”.

Theo đại diện nhà hàng Tâm Phúc cho biết họ nhận đơn đặt hàng làm cỗ khoảng 1 tuần trước.

“Họ đặt 350 mâm cỗ cùng rạp cưới vào chiều nay (30/9). Trong đó, nhà gái đặt 200 mâm ở quê, còn nhà trai đặt 150 ở phường Mường Thanh. Nhưng đến giờ, chúng tôi không thấy người đặt cỗ hay bất kỳ vị khách cũng như cô dâu, chú rể đến dự tiệc. Tôi cũng không liên lạc được với họ“, trên Zingnews.vn dẫn lời đại diện nhà hàng nói.

Theo anh Long, chi phí cho 350 mâm cỗ và dựng rạp là khoảng 300 triệu đồng, khách hàng đặt cỗ là người quen nên không nhận tiền cọc trước khi làm cỗ. “Cặp nam nữ này là khách hàng hay ăn tại quán, thường nhậu tại nhà hàng tôi. Khi họ đặt yêu cầu làm cỗ cưới thì tôi đồng ý”, chủ nhà hàng nói và cho biết thỏa thuận làm tiệc cưới giữa 2 bên không có giấy tờ, hợp đồng chỉ bằng miệng.

Do 2 bên chỉ hợp đồng miệng nên trong trường hợp này nhiều người đặt câu hỏi liệu nhà hàng có thể khởi kiện, đòi bồi thường được không?

Về việc này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc đặt tiệc cưới với nhà hàng là một giao dịch hợp đồng. Tuy 2 bên không thành lập văn bản, giao dịch đã xảy ra và phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên.

Nếu bên đặt tiệc và nhà hàng thừa nhận có giao dịch thì đều phải chịu trách nhiệm khi có lỗi gây thiệt hại, dù có giấy đặt cọc hay không.

“Tôi cho rằng không bỗng dưng mà phía nhà hàng làm 350 mâm cỗ để mang tới. Nếu không thoả thuận được trong trường hợp này, phía bị thiệt hại (nhà hàng) có thể khởi kiện vụ việc ra toà, yêu cầu bồi thường”.

Luật sư Dũng cũng cho rằng hợp đồng cũng được thể hiện dưới các hình thức như lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khác, chứ không nhất thiết luôn luôn phải lập thành văn bản.

Chẳng hạn như việc đi mua một món hàng, bạn trả tiền và nhận hàng thì đó là giao dịch hợp đồng, không ai bắt buộc bạn phải lập thành văn bản để người bán hàng và bạn ký kết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *