Mới đây, một nữ phụ huynh ở trường THPT Trương Định (Hà Nội) đã bị kick khỏi nhóm chat chung, bị cha mẹ khác lăng mạ khi từ chối đóng khoản tiền tự nguyện trong buổi họp đầu năm.
Đầu năm, hàng loạt chi phí phải đóng cho một học sinh bao gồm: học phí, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tiền bán trú… khiến áp lực đè nặng lên vai phụ huynh. Không phải ai cũng dễ dàng chi trả nên nhiều cha mẹ rất mong bớt được khoản phí nào thì bớt, hoặc có thể lùi lại thời điểm khác thì đóng.
Mới đây, theo báo Pháp luật và Bạn đọc, chị H.T có con hiện đang học trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã gặp nhiều chuyện bức xúc trong việc họp quỹ phụ huynh đầu năm.
Chị H.T chia sẻ rằng hội phụ huynh yêu cầu đóng 1,5 triệu đồng/học sinh, tuy nhiên đã giảm xuống 700 nghìn do nhiều người phản đối số tiền quá cao. Chị H.T sau đó chỉ quyết định đóng 237 nghìn (bao gồm 100 nghìn tiền photo, 137 nghìn cho tiền sinh hoạt lớp). Hội phụ huynh cũng đã đồng ý và trả lại cho chị 500 nghìn.
Tuy nhiên, hôm sau con chị lại phản ánh rằng bị bạn bè trêu chọc trước những quyết định không đóng tiền của mẹ. Chị H.T đã nhắn lại việc này trong group ban phụ huynh, và yêu cầu nếu 137 nghìn không để làm gì thì sẽ lấy lại luôn. Đồng thời, các hoạt động không do nhà trường tổ chức nhưng lại là ý kiến của hội phụ huynh đi riêng thì gia đình chị cũng sẽ không tham gia.
Ngay sau đó, chị H.T đã bị đẩy khỏi group chat chung, đồng thời chịu nhiều tiếng lăng mạ và mỉa mai như: “Đừng biến mình thành con rắn độc lên mặt dạy đời ai”, “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của chúng nó vì sự ngông cuồng của mình”, “Thật ghê tởm con người đó…”.
Sự việc sau khi được đăng tải nhận về rất nhiều ý kiến trái chiều. Quả thật việc đóng học phí luôn là gánh nặng nan giải của các bậc phụ huynh, tuy nhiên xử lý thế nào cho khéo không phải ai cũng làm được.
Tiền đóng quỹ phụ huynh quá cao, và đã mang tính “tự nguyện” thì hãy để phụ huynh tự nguyện
Phụ huynh Đức Dũng bày tỏ: “Người có điều kiện thì không nói, người không có điều kiện mà bắt đóng 1 triệu mà là tự nguyện thì ấm ức lắm. Đầu năm biết bao nhiêu chi phí, đáng lẽ là phụ huynh với nhau nên hiểu tâm lý mà dư ra đôi ba đồng, rồi 2-3 tháng sau đóng tiếp một đợt. Bởi tiền phụ huynh cũng đâu dùng được luôn, phải đợi có sự kiện. Ai là hội trưởng thì nên hiểu và bớt đi những khoản không cần thiết để phụ huynh bớt đi gánh nặng kinh tế đầu năm”.
Phụ huynh Hằng Phương chia sẻ: “Đồng ý với suy nghĩ của bác phụ huynh, nếu không nêu ra điểm hợp lý thì không đóng. Chưa kể tiền phụ huynh là tự nguyện không bắt buộc, có ít góp ít chứ cha mẹ nào muốn con kém bạn kém bè. 500 nghìn hay thậm chí 50 nghìn, 5 nghìn mà không rành mạch tiền bạc thì cũng nhất quyết không đóng một xu!”.
Phụ huynh Thương Be (có con đang học lớp 1 trường THPT Ngô Quyền) chia sẻ: “Chưa tính đến vấn đề tiền học phí, thì cách các cha mẹ chê bai nữ phụ huynh kia là không chấp nhận được. Quá mang tính dạy đời và áp đặt tư tưởng cá nhân, bảo sao các con đi học lại không trêu bạn bè cho được. Bạo lực học đường có thể đến từ những cái nhỏ nhặt nhất thế này”.
Anh Văn Trung tâm sự: “Cũng chính vì sợ con mình bị cô giáo và các bạn phân biệt đối xử, phụ huynh khác nhìn vào không thiện cảm mà hầu hết các phụ huynh ngại lên tiếng phản đối mặc dù thấy nhiều khoản chi tiêu không hợp lý. Hội phụ huynh cũng có nhiều loại, có nơi đóng tiền triệu mà có nơi lại chỉ thu mấy chục nghìn/người, bảo sao cha mẹ không thắc mắc”.
Ban cha mẹ là cần thiết, nhưng chi tiêu thế nào thì cần có sự minh bạch và tiết kiệm của phụ huynh
Thực tế, lập quỹ phụ huynh là rất cần thiết khi trong những ngày lễ có thể tặng quà thầy cô hay làm các hoạt động tập thể giao lưu các bạn học sinh. Tuy nhiên, người Hội trưởng cần có sự minh bạch trong chi tiêu tài chính, đồng thời tiết kiệm các hoàn phí để bớt đi gánh nặng cho các cha mẹ đầu năm. Một giải pháp cũng được nhiều người đưa ra là chia nhỏ đóng trong năm, thì việc đóng cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Phụ huynh Nguyễn Vy chia sẻ: “Quỹ lớp thì nên đóng. Nhưng đóng các mục không rõ ràng, gây hiểu lầm, khoản nào nên chi thì chi. Các mụa kia dư thừa, không cần thiết thì nên bỏ. Tập trung cho bồi dưỡng học tập. Chứ thêm nhiều khoản phí cùng một lúc thì gia đình kinh tế khó khăn làm sao chi trả được”.
Anh Nam Bình bình luận: “Mình nghĩ nếu Hội trưởng minh bạch thì cũng không sợ phụ huynh không đóng, chỉ là các khoản tiền đầu năm khá nhiều nên họ muốn bù trừ được đồng nào hay đồng đó. Có nhiều cách giải quyết như chia nhỏ đóng trong năm, gộp tiền lại chỉ đóng 1 khoản hay tạm ứng trước.”
Cô giáo cũng cần lên tiếng và tìm cách giải quyết thay vì im lặng
Chị Hân Ni chia sẻ: “Cô giáo chủ nhiệm trong trường hợp này thấy sai sai, phụ huynh bị xúc phạm không lên tiếng đã đành, đằng này học sinh cũng không bảo vệ được. Để trong lớp xảy ra tình trạng miệt thị học sinh thì làm sao tập trung học. Đứng ra cô phải là cầu nối để gắn kết lại chứ không phải tỏ ra vô can”.
Phụ huynh Tâm Tuyết bình luận: “Người giải quyết được chuyện này bây giờ chỉ có giáo viên, phụ huynh nào cũng đang căng thẳng với nhau thì khó ngồi lại mà họp bàn lắm. Với chỉ khi cô giáo công bằng với tất cả học sinh, không để con trẻ bị bắt nạt thì cha mẹ mới an tâm cho học được. Cô giáo nên nhắn tin với phụ huynh và gặp riêng 1 buổi, đồng thời yêu cầu ghi rõ các khoản phí. Trách nhiệm của giáo viên trong chuyện này cũng cần làm rõ đấy!”.