Bộ trưởng Giáo Dục: “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao được”

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng “đồng tiền đi liền chất lượng”, chất lượng thấp vì mức học phí người học bỏ ra còn thấp so với thế giới.

Chất lượng giáo dục không đáp ứng nhu cầu thị trường

Chất vấn Tư lệnh ngành giáo dục, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng Châu Á. Đại biểu nêu câu hỏi “giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng Châu Á?. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của Châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới”.

Ông Nhạ cho hay đây là tín hiệu đáng mừng. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định, xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để đầu tư cho những trường xuất sắc.

Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận, chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

“Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế…” – Bộ trưởng Nhạ nêu lý do.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của các đại biểu.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Giáo dục dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là do mức học phí. Ông Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và cho rằng “đồng tiền đi liền chất lượng”.

“Mức học phí bình quân sinh viên Việt Nam khoảng 650USD còn quá thấp, thí dụ so sánh cùng một ngành như vậy ở các nước như Mỹ là 19.000 USD. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo đại học rất khó để đáp ứng được nhu cầu.

Chúng tôi đang nghiên cứu, sắp tới đề nghị sẽ không thu học phí theo bình quân mà có phân loại tương ứng với chất lượng các trường, đối với các trường, các ngành nếu không đáp ứng có thể sáp nhập hoặc giải thể, tránh tình trạng cào bằng” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?

Cũng liên quan đến nhóm vấn đề chất lượng giáo dục đại học, Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc mở rộng quy mô giáo dục đại học quá lớn, chất lượng kém sẽ dẫn đến lãng phí, cử tri hoài nghi chất lượng giáo dục đại học. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chất lượng của các trường đại học không đạt yêu cầu, sinh viên thất nghiệp. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học cũng chưa cao.

Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng hậu kiểm vấn đề tuyển sinh của các trường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh: Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *