Kể từ khi bóng chuyền Việt Nam hòa nhập với đấu trường khu vực và quốc tế, các đội bóng đã có bước tiến đáng kể khi lọt sâu vào các giải đấu châu lục.
Việc đầu tiên phải kể tới là việc bóng chuyền Việt Nam đã dần khẳng định được thương hiệu sau một quãng thời gian không lấy gì làm dài khi vươn mình ra khu vực và châu lục. Lần lượt việc các cầu thủ thành công khi xuất ngoại như Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Ngô Văn Kiều và Trần Thị Thanh Thúy đã phần nào nói lên năng lực phẩm chất của bóng chuyền Việt Nam.
Nhìn cách Ngọc Hoa hòa nhập với nền bóng chuyền hàng đầu khu vực Đông Nam Á khi bước lên ngôi cao nhất tại giải bóng chuyền Cúp các CLB châu Á năm 2012 hay Ngô Văn Kiều xưng hùng xưng bá tại xứ sở vạn đảo cùng Thanh Thúy được chơi tại 3 giải đấu hàng đầu châu lục như Thái Lan, Đài Loan hay Nhật Bản đã khẳng định vị thế của bóng chuyền Việt Nam. Cá nhân thành công là thế, nhưng với các CLB, ít người biết tới thành công đứng thứ 4 tại giải bóng chuyền các câu lạc bộ nam châu Á của đội bóng Sanest Khánh Hòa.
Sanest Khánh Hòa dưới triều đại của HLV Thái Quang Lai được đánh giá là thành công nhất làng bóng chuyền với thành tích top 4 châu Á năm 2018 được coi là ngoài sức tưởng tượng của bóng chuyền nam Việt Nam. Sau khi lên ngôi vô địch năm 2017, Sanest Khánh Hòa với tư cách đương kim vô địch Việt Nam tham dự giải bóng chuyền các câu lạc bộ nam châu Á tại Myanmar.
Giải đấu quy tụ những đội bóng hàng đầu châu lục và mang tầm cỡ thế giới. Tuy nhiên các chàng trai Việt Nam không hề e ngại mà chiến đấu với hơn 100% sức mình từ vòng bảng. Những thành quả rực rỡ được mang lại khi họ lần lượt vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi để ghi tên mình vào vòng bán kết. Đây là thành tích mà nhiều người hâm mộ bóng chuyền nam Việt Nam khó có thể tưởng tượng ra trước khi đội bóng xuất quân.
Những Xuân Tân, Văn Kiều, Văn Tiên, Thanh Thuận, Triển Chiêu, Đình Nhu và Trung Trực đã chơi thứ bóng chuyền hiện đại cùng với dó là nỗ lực hết mình tại giải đấu. Lọt vào tới bán kết và không thể vượt qua đối thủ cực mạnh Khatam Ardakan của Iran và Wapda của Pakistan (trong trận tranh 3-4) nhưng thành tích thứ 4 châu lục cũng là phần thưởng xứng đáng cho Ngô Văn Kiều và các đồng đội.
Đây cũng chính là thành tích cao nhất cấp CLB của bóng chuyền Việt Nam khi bước ra châu lục. Còn nhớ ngay trong trận bán kết với đối thủ Khatam Ardakan của Iran, Sanest Khánh Hòa luôn dẫn trước từ 4-6 điểm và chỉ chịu thua khi sức khỏe đi xuống cùng với chút ít kinh nghiệm trận mạc tại một đấu trường lớn. Qua đó để thấy rằng chúng ta không hề yếu kém về kỹ chiên thuật, vấn đề chỉ nằm ở thể lực và các VĐV ít được cọ xát với những CLB quốc tế mạnh.
Nằm trong top 4 của châu Á đối với bóng chuyền nam Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại vẫn như một giấc mơ, nơi những tài năng trẻ của đội bóng phố Biển như được chắp thêm niềm tin và khát vọng có thể mang thêm nhiều vinh quang về cho CLB Sanest Khánh Hòa.
Không chỉ có thế, chúng ta có quyền hy vọng nếu được đầu tư xứng đáng, được cọ xát thường xuyên và tập luyện trong một môi trường thuận lợi, bóng chuyền Việt Nam có thể vươn mình ra biến lớn với nền tảng có sẵn của mình. Việc xuất khẩu cầu thủ cùng với đó là sắp tới chúng ta thay đổi về cách làm bóng chuyền như mở lại việc cho đội bóng sử dụng ngoại binh, rút ngắn số đội bóng tham dự giải VĐQG cùng với việc mời chuyên gia ngoại nắm đội….NHM hy vọng sớm thấy được một nền bóng chuyền phát triển rực rỡ trong tương lai gần.