TP.HCM: F0 điều trị tại nhà nếu bị bỏ rơi thì sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ y tế

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang được kiểm soát, cứ định kỳ các quận và huyện phải đánh giá tình trạng của mình và báo cáo với cấp trên để có kế hoạch hoạt động.

Theo tin đăng trên báo Thanh Niên, chiều ngày 15/11/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký Văn bản thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Ảnh: Bản đồ cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 15/11/2021. Nguồn: Báo Thanh Niên.

Hiện tại toàn địa bàn TP.HCM đang giữ nguyên cấp độ 2 (vùng vàng). Nếu xét theo khu vực quận và huyện thì có:

– 10 địa phương đạt cấp độ 1 là vùng xanh gồm các quận 1, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh (Giảm 3 địa phương so với tuần trước).

– 11 địa phương đạt cấp độ 2 là vùng vàng gồm các quận 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp và huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và thành phố Thủ Đức (Tăng 4 địa phương so với trước).

– Duy nhất 1 địa phương đạt cấp độ 3 – vùng cam là huyện Cần Giờ.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đang có hơn 47.000/64.000 ca nhiễm được cách ly tại nhà, chiếm tỷ lệ 73%.

Đứng trước bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và có xu hướng tăng cao, để ứng phó với tình hình, thích nghi với trạng thái bình thường mới, ngành y tế đang tính toán việc tăng cường Trạm Y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà và tái lập các khu cách ly tập trung ở các quận, huyện.

Thời gian qua, có nhiều F0 thực hiện điều trị tại nhà phản ánh khi test nhanh phát hiện bệnh đã báo cho Trạm Y tế phường nhưng chậm nhận được thuốc, trong đó có túi thuốc C. Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM xác nhận có xảy ra vụ việc nên nhắc nhở các địa phương. Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế và hướng dẫn cán bộ y tế chưa nắm thông tin để chấn chỉnh.

Phía Sở Y tế đã làm việc với Giám đốc các Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức để quán triệt trên tinh thần các F0 điều trị và cách ly tại nhà, có đủ điều kiện sử dụng túi thuốc, bao gồm cả túi thuốc C mà vì lý do gì đó, Trạm Y tế không phát thì sẽ bị xử lý.

Nếu người dân nào phản ánh, mong là báo chí thông tin đến Sở Y tế để được cấp phát kịp thời cho người dân.

Về túi thuốc C, tính đến cuối tuần qua, Sở Y tế TP.HCM còn khoảng 20.000 liều, đủ cung ứng cho F0 có chỉ định sử dụng trong giai đoạn này. Nhưng bà con cần phải hiểu rằng, không phải tất cả F0 đều có thể sử dụng túi thuốc C mà loại này chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ về mặt chuyên môn, khi F0 có triệu chứng. Cơ quan này ghi nhận có cả trường hợp cán bộ y tế chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm với người dân nên sẽ nhắc nhở và xử lý.

Vậy nên, việc cần làm bây giờ của bà con khi chưa nhiễm bệnh là cần ý thức được các biện pháp phòng tránh và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, cũng cần trang bị kiến thức nếu không may bị nhiễm bệnh thì cần xử trí như thế nào? Chủ động khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được cấp phát thuốc kịp thời. Đồng thời có biện pháp tự chăm sóc bản thân để mau chóng hết bệnh. Khi bị chậm trễ trong việc cấp phát thuốc thì phải phản ánh ngay để được giải quyết kịp thời.

Nói về việc xử lý trách nhiệm cán bộ y tế, còn tùy mức độ hậu quả của việc chậm trễ mà xem xét hình thức xử lý kỷ luật. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như làm người khác qua đời, có thể phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với cán bộ y tế này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *