Về một số trường hợp dù đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn tử vong, chuyên gia đã chỉ ra những đối tượng có nguy cơ cao.
10 F0 tử vong dù đã tiêm 2 mũi vắc xin
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 11/11, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong ngày TP HCM có 38 trường hợp ca F0 tử vong, trong đó có 34 trường hợp có bệnh nền, 4 người không có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 – 50 tuổi có 2 trường hợp, từ 51- 65 tuổi là 15 người, trên 65 tuổi là 21 bệnh nhân.
Về tiền sử tiêm vắc xin, có 20 bệnh nhân chưa tiêm vắc xin tử vong, trong đó có 12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Tử vong sau tiêm 1 mũi gồm 2 trường hợp, sau tiêm đủ 2 mũi có 10 bệnh nhân trên 50 tuổi và có bệnh nền.
“Như vậy tử vong tập trung người lớn tuổi và có bệnh nền, không có trẻ em. Nhóm nguy cơ tử vong cao khi nhiễm COVID-19 là người cao tuổi, có bệnh nền và chưa được tiêm vắc xin. Ban chỉ đạo tiếp tục tìm những người già, lớn tuổi chưa tiêm vắc xin cần xem xét tiêm vắc xin để và bảo vệ cho những nhóm người này tránh nhiễm COVID-19 từ người thân”, ông Châu cho hay.
Phủ vaccine gần 70% dân số, quốc gia châu Âu vẫn ghi nhận kỷ lục hơn 50.000 ca COVID-19
Lý giải nguyên nhân dù đã tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ tử vong, ông Châu cho biết, tiêm vắc xin COVID-19 chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh, khi mắc bệnh thì giảm diễn tiến nặng và giảm tử vong.
Đối đối với chủng Delta của virus SARS-CoV-2 thì dù có tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh và khi mắc bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng và tử vong. Tuy nhiên, khi tiêm đủ liều vắc xin thì tỉ lệ mắc bệnh và chuyển nặng thấp hơn, số ca bệnh nặng, thở máy xâm lấn ít hơn rất đáng kể so với người không tiêm vắc xin.Chưa phải con số đại diện cho cả nước
Đánh giá về vấn đề trên, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết, tỉ lệ tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là không tránh khỏi. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét lại quy trình tiêm, ví dụ như những người tiêm đó đã tiêm loại vắc xin gì, đối tượng tiêm bao nhiêu tuổi, và việc theo dõi, giám sát sau khi tiêm như thế nào.
PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn tại Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng cho rằng việc tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19 không thể giảm được 100% việc mắc COVID-19 hoặc nguy cơ tử vong. Có những vắc xin hiệu lực cao như vắc xin sởi – tiêm một mũi có thể được miễn dịch suốt đời. Sản xuất một loại vắc xin phải mất 4, 5 năm, có vắc xin sản xuất mất đến 10 năm. Thậm chí, có những bệnh truyền nhiễm hiện nay chưa có vắc xin như HIV AIDS, sốt rét.
Về Covid-19, chưa đến 2 năm chúng ta đã có vắc xin để tiêm cho người dân trên toàn thế giới. Vắc xin này có những hiệu quả trong việc phòng bệnh nhưng tùy loại vắc xin, hiệu quả khác nhau. Có vắc xin nhà sản xuất báo cáo khoảng trên 90% hiệu quả, có vắc xin khoảng 60-70%.
Những người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng quan trọng nhất là họ không bị trở nặng, không triệu chứng và không gây quá tải cho hệ thống y tế. Vì thế cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ là tiêm 2 mũi rồi vẫn sẽ tử vong, nhưng chủ yếu là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.
Đánh giá về tỉ lệ tử vong trên, PGS Phu cho rằng, đây chưa phải con số đại diện về tỷ lệ ca nặng và tử vong do nhiễm Covid-19 sau tiêm vắc xin của cả nước. Chưa thể đánh giá mức độ cao hay thấp vì đây chỉ mới là con số ban đầu và thống kê ở một phạm vi nào đó. Việc đánh giá cần chờ vào thời gian mới chính xác, PGS nói.
Bác sĩ Khanh cũng nói thêm ngoài việc xem xét lại quy trình tiêm chủng vắc xin, chúng ta cần giám sát kỹ những đối tượng có bệnh nền, người trên 65 tuổi, sau tiêm vắc xin nếu có phản ứng cần được đưa đi bệnh viện cấp cứu và sử dụng thuốc chống virus ngay.
“Ngoài ra, mọi người cần hết sức lưu ý việc tuân thủ 5K, mở cửa là điều kiện tất yếu, số ca nhiễm tăng lên cũng là điều đã đoán trước, nhưng thói quen 5K chúng ta cần hình thành để giảm nguy cơ lây nhiễm cho mình, cho chính những người xung quanh và toàn xã hội”, BS Khanh nói.
Theo Soha