Dù là nam hay nữ, một khi đã bước ra ngoài xã hội để làm việc, bạn không thể tránh khỏi những chuyện ấm ức, buồn lòng. Nhưng phi lý như trường hợp của anh chàng sau đây thì chẳng còn từ ngữ nào diễn tả.
Cụ thể, chia sẻ với giới truyền thông, anh Dương (28 tuổi, sống ở Trùng Khánh và làm việc tại công ty đồ dùng cho trẻ em) đã tổ chức tiệc cưới vào ngày 19/9 vừa rồi. Vợ chồng anh đã mời người thân, bạn bè 2 bên gia đình và 23 đồng nghiệp có quan hệ thân thiết với anh Dương tới dự đám cưới.
Khi tới chung vui cùng cặp đôi trẻ tuổi, 23 đồng nghiệp của anh Dương đã gửi tới anh tổng cộng 4.389 tệ (hơn 15,5 triệu đồng) tiền mừng cưới. Tuy số tiền đó không nhiều nhưng của ít lòng nhiều, anh Dương cũng chẳng chê trách gì, vui vẻ nhận lấy tấm lòng của mọi người.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau đám cưới, lãnh đạo công ty lại nói với anh Dương rằng một đồng nghiệp đã tố cáo anh mượn cơ hội tổ chức đám cưới để trục lợi. Công ty yêu cầu anh phải hoàn trả toàn bộ số tiền đó cho đồng nghiệp, đồng thời gửi lời xin lỗi trong group chat của công ty thì chuyện này mới không bị truy cứu.
Sự cố này khiến anh Dương vô cùng ngỡ ngàng, bởi lẽ gửi tiền mừng khi đi đám cưới là chuyện rất thường tình. Hơn nữa, 23 người mà mừng 4.389 tệ không gọi là nhiều, trung bình mỗi người chỉ mừng được 200 tệ (hơn 700.000 nghìn), tương đương với chi phí mà họ bỏ ra khi đi ăn nhà hàng.
Đến dự đám cưới họ cũng được ăn tiệc, vậy sao chuyện này lại bị biến tướng thành hành vi đầu cơ trục lợi. Giờ công ty bắt anh phải trả tiền cho đồng nghiệp thì chuyện này không được hợp tình hợp lý cho lắm. Nhưng vì không muốn làm lớn chuyện lên nên anh Dương cũng đồng ý trả tiền lại cho 23 đồng nghiệp.
Thế nhưng, sự việc vẫn chưa kết thúc tại đó. Không lâu sau, tổng công ty đã gửi biên bản xử phạt cho anh Dương. Trong biên bản ghi rõ anh Dương tổ chức đám cưới để kiếm lợi, vi phạm kỷ luật và quy định của công ty. Hành vi cụ thể là mời 23 đồng nghiệp đến ăn cưới để thu 4.389 tệ. Vì vậy, công ty đã tiến hành cảnh cáo và sa thải anh Dương khỏi chi nhánh công ty Trùng Khánh.
Sự việc đi quá xa khiến anh Dương không thể ngồi yên được nữa, anh đã phản bác lại rằng công ty xử phạt như vậy là không thích đáng. Anh Dương cho biết, anh tổ chức đám cưới và mời đồng nghiệp đến dự, anh không hề nhờ họ làm việc gì hay yêu cầu họ khi đến đám cưới phải đưa tiền mừng hay mang theo quà cáp gì.
Với anh, tiền mừng cưới chỉ là một tập tục mang tính tượng trưng, có cũng được không có cũng chẳng sao, kể cả đồng nghiệp tay không đến dự tiệc cưới thì anh vẫn tiếp đãi như bình thường. Cho nên, bảo anh tổ chức đám cưới để trục lợi, điều chuyển anh khỏi chi nhánh Trùng Khánh là việc không thích đáng.
Sau đó anh Dương đã gửi đơn khiếu nại với cấp trên về biên bản xử phạt vô lý này, anh cứ nghĩ rằng công ty sẽ xem xét lại hình phạt nhưng phản ứng của công ty khiến anh càng ngỡ ngàng hơn. Công ty không hề quan tâm đến đơn khiếu nại của anh, thậm chí còn kiến nghị anh xin nghỉ việc.
Dẫu biết trên đời có nhiều câu chuyện hy hữu, nhưng trường hợp của anh Dương phải nói là quá đặc biệt, vô lý đến nực cười. Và cho dù nó xảy ra ở Trung Quốc, Việt Nam, hay ở bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới, thì chẳng một ai có thể chấp nhận được.
Tất nhiên, mọi nguồn cơn phải bắt nguồn từ vị đồng nghiệp xấu tính, một mặt đi đám cưới của anh Dương, nhưng mặt khác lại âm thầm báo với cấp trên là anh trục lợi. Đồng nghiệp thâm hiểm kiểu đó thì nhiều, nhan nhản trong đời sống, nhưng oái ăm ở chỗ là cấp trên cũng hùa theo đồng nghiệp lên án anh, thậm chí còn lập biên bản xử phạt.
Thật tội nghiệp và đau xót cho anh Dương, đám cưới là ngày vui nhưng sau đó là chuỗi ngày sống vật vã. Đã ề chề đi trả lại tiền cho người khác (cho dù mình chẳng làm gì sai), đã nhân nhượng xin lỗi công ty nhưng sau cùng vẫn mất việc. Trong khi cuộc sống hôn nhân mới bắt đầu, anh cần kinh tế để chứng minh mình có thể là trụ cột cho gia đình.
Nhưng cuộc sống là vậy, chốn công sở là thế đó mọi người ạ. Có những công ty rất đàng hoàng, tử tế và chuyện nghiệp thì cũng sẽ có những công ty nhiều mánh khóe hoặc chuyện làm trò mưu hèn kế bẩn, họ sẽ khiến bạn kiệt sức và mệt mỏi từng ngày, sau đó bạn sẽ phải chủ động từ chức.
Sếp đã vậy, công ty đã thế, mà các bạn đồng nghiệp khác cũng không dám lên tiếng bảo vệ anh Dương. Cho dù lúc ban đầu, họ rất hồ hởi đi chúc mừng, thậm chí còn rủ nhau bỏ phong bao. Số tiền là do đồng nghiệp tự nguyện bỏ ra, chẳng có gì nhiều nhặn đến mức bị gọi là trục lợi, thậm chí chú rể đã phải đau xót trả lại tiền, xem như cho đồng nghiệp đi ăn cưới chùa, vậy mà vẫn chẳng có ai đứng ra bênh vực cho anh, chua chát quá đỗi!!!
Phải chăng, đây là một âm mưu muốn đuổi việc anh Dương từ trước? Hay các đồng nghiệp đang nghĩ rằng, chuyện của người khác thi mình không nên can thiệp vào, hoặc bớt đi một người thì những kẻ còn lại, đỡ đi một suất ‘sa thải’ khi công ty gặp sự cố?
Nhưng thôi, anh Dương đừng nên đau lòng nữa, thay vào đó nên mừng vui khi thấy được bộ mặt thật của mọi người trong công ty, việc của anh là vứt bỏ những kẻ không đáng, tìm cơ hội mới và môi trường tốt hơn. Đừng sợ lòng người nhỏ nhen, hãy sợ khi bản thân yếu đuối và không đủ năng lực. Bởi người có tài, nhất định sẽ có chốn để phát triển rộng mở.
Sau cùng, một câu chuyện tuy buồn nhưng cũng là phản ánh thực tế cho sự khắc nghiệt của cuộc sống. Những bạn trẻ mới ra đời xin hãy cẩn thận với chốn công sở. Nơi đây bề ngoài tuy gió yên bão lặng nhưng bên trong luôn ẩn chứa sóng ngầm.