Phó ban Dân nguyện Quốc hội: “Rà soát tố cáo nghệ sĩ làm từ thiện của bà Phương Hằng là tất yếu-nhưng khi tố cáo ai phải có căn cứ”

Theo tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, những lùm xùm vừa qua liên quan đến chuyện bà Phương Hằng đấu tố nghệ sĩ làm từ thiện đã bộc lộ rõ lỗ hổng của luật pháp, cũng như nhu cầu ʙức ʙối phải thay đổi”.

Công an TP.HCM đang rà soát tố giác của bà Nguyễn Phương Hằng liên quan đến chuyện nghệ sĩ làm từ thiện. Những tranh cãi suốt thời gian qua có thể sắp đi tới hồi kết.

Nhưng vấn đề khiến nhiều người đang quan tâm là hiện chưa có khung pháp lý để việc làm từ thiện diễn ra thuận lợi, trong khi đó việc thành lập quỹ, tổ chức từ thiện còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do thủ tục rườm rà…

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lưu Bình Nhưỡng – ĐBQH khóa XIV, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

CẦN CÓ CƠ CHẾ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH CÁ NHÂN LÀM TỪ THIỆN VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN

– Thưa ông, gần đây có khá nhiều tranh cãi xoay quanh việc luật chưa cho phép cá nhân được huy động tiền từ thiện vào tài khoản riêng, mà phải thông qua thành lập quỹ từ thiện. Trong khi đó, việc thành lập quỹ thường mất nhiều thời gian. Ông đánh giá gì về việc này?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Gần đây, tôi cũng nghe được rất nhiều ý kiến nói rằng: nhiều người đã được cải tử hoàn sinh nhờ sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, luật pháp lại chưa có quy định cho phép các cá nhân tự huy động tiền từ thiện. Bất cập này sinh ra có lẽ vì trước kia chúng ta cứ sợ cá nhân làm từ thiện không tốt, có thể bị lợi dụng. Nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, tôi thấy nhiều người, điển hình như ông Đoàn Ngọc Hải.

Có hàng trăm, hàng nghìn người được ông Hải giúp đỡ. Ông bỏ tiền túi, bỏ công sức ra tự đi làm, không có điều tiếng gì. Vậy tại sao những người khác không làm được như thế? Phải chăng rất cần có cơ chế để khuyến khích cá nhân làm từ thiện, cũng như quản lý hoạt động này cho tốt?

Chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 64 và theo tôi được biết, đã trình lên Thủ tướng hai lần nhưng do chưa bảo đảm nên chưa được thông qua. Dư luận vẫn rất mong NĐ mới sớm được ban hành.

Tôi cũng đã từng nghe được nhiều phản ánh về việc thành lập quỹ từ thiện mất nhiều thời gian mới hoàn tất cấp phép. Khúc mắc này không phải do luật. Bởi vì luật pháp nước ta luôn muốn người dân được cắt giảm bớt các thủ tục hành chính. Nhưng những rườm rà về thủ tục hành chính lại nảy sinh trong chính tình hình thực tế.

RÀ SOÁT TỐ CÁO CỦA BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG LÀ TẤT YẾU

– Như vậy, những cá nhân, nghệ sĩ tự đứng lên huy động tiền từ thiện như thời gian vừa qua đều phạm luật?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Về mặt hình thức là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 64. Nhưng chúng ta cũng sẽ không dựa vào đó để phạt ai cả. Vì nước ta đang có hàng trăm, hàng nghìn người làm từ thiện kiểu như vậy. Nếu mà nói họ sai thì trong xã hội sẽ có rất nhiều người từng nhận giúp đỡ từ họ, sẵn sàng đứng ra trước pháp luật để bảo vệ những con người như thế.

Họ sai về mặt hình thức, nhưng bản chất của vấn đề và nội dung họ làm thì không sai. Luật cũng không có quy định nào xử phạt hành chính những người như thế.

Chuyện Công an can thiệp là khi có dấu hiệu trục lợi. Một là lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, hai là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tức là đánh vào lòng tin của người khác, nói là huy động tiền để đi làm từ thiện nhưng không làm, mà dùng tiền đó vào mục đích khác, hay khi được người ta tin tưởng rồi nhưng lại giữ tiền riêng cho mình.

Cả hai đều có mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi khác nhau, nên cách xử lý khác nhau.

– Vậy theo ông, việc Công an TP.HCM vào cuộc để rà soát tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng liên quan đến chuyện nghệ sĩ làm từ thiện nói lên được điều gì?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Nếu đã có dấu hiệu phạm tội, cơ quan chức năng phải vào cuộc để đảm bảo kỷ cương, phép nước.

Chính quyền có trách nhiệm phải đưa ra câu trả lời chính thức, và chính xác cho dư luận để kết thúc những tranh cãi, lùm xùm như vừa qua.

Theo luật tố tụng, bị can không có nghĩa vụ phải chứng minh mà người nào muốn truy tố họ thì phải chứng minh họ phạm tội. Cụ thể trong tình huống này, bà Hằng khi muốn tố cáo ai thì phải có căn cứ, tài liệu. Nếu tố cáo sai thì theo luật tố cáo, bà Hằng sẽ phải chịu xử lý của pháp luật.

3 CÁCH ĐỂ CÁ NHÂN LÀM TỪ THIỆN CHUẨN MỰC

– Cá nhân muốn làm từ thiện thì hiện nay, họ nên làm như thế nào cho đúng, thưa ông ?

TS Lưu Bình Nhưỡng: Theo quy định pháp luật hiện nay, cá nhân muốn làm từ thiện sẽ có 3 cách.

Thứ nhất, họ sẽ thành lập ra các quỹ xã hội từ thiện theo NĐ 93/2019. Trước đây là NĐ 148/2007. Đây là các luật quy định về quỹ xã hội từ thiện, trong đó có 9 nội dung và vấn đề từ thiện là 1 trong 9 nội dung đó.

Thứ hai, họ làm từ thiện dựa theo quy định của NĐ 64/2008. Đây là quy định hiện hành và hiện nay, Chính phủ đang sửa. Với Nghị định này, làm từ thiện sẽ phải thông qua hội chữ Thập đỏ, MTTQ, các cơ quan báo chí truyền thông…

Lựa chọn thứ 3, các cá nhân sẽ đóng góp tiền cho các cá nhân, tổ chức đang thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của NĐ 20/2021 về trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội như trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, tật nguyền, người già cô đơn không nơi nương tựa…

Với cả 3 con đường làm từ thiện như vậy, pháp luật đều chưa có quy định cho các cá nhân tự đứng lên huy động tiền, trừ những trường hợp đang nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

Cá nhân tôi, khi còn làm việc ở khóa XIV, từng lấy danh nghĩa cá nhân đi xin tài trợ, tôi không cầm bất cứ đồng xu nào. Tôi không có tài khoản riêng, cũng không có tài khoản trung gian. Người ủng hộ sẽ gửi thẳng đến cơ sở, địa chỉ cần giúp đỡ.
Nguồn:Soha

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *