Nhờ những thành công trong chống dịch, Hải Phòng vẫn duy trì được sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đã đạt hơn 10 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.
Giữa lúc nhiều nhà máy trên cả nước phải dừng hoạt động vì dịch C̶ovid-19 thì những container thành phẩm từ khu công nghiệp VSIP Hải Phòng vẫn đều đặn xuất hàng ra cảng để kịp giao cho các đối tác. Những hãng thời trang lớn như Adidas, Nike, Vitoria Secret, Calvin Klein… vẫn đều đặn nhận hàng từ các nhà máy ở Hải Phòng.
Hải Phòng hiện tại là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất không phải giãn cách xã hội nhờ thành công trong các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt. Nhờ vậy, kinh tế Hải Phòng tăng trưởng 13,5% trong nửa đầu năm, đứng thứ tư cả nước.
Thành phố vẫn duy trì gần như 100% nhà máy thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế, thậm chí còn tuyển thêm hàng nghìn công nhân, thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư. Hải Phòng tiếp tục duy trì đà sản xuất đang là điểm sáng cho kinh tế cả nước vào lúc này.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế TP Hải Phòng, đã chia sẻ với Báo một số nỗ lực cũng như kinh nghiệm của thành phố để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Tuyển mới 35.000 lao động
Theo ông Kiên, nhờ khống chế dịch bệnh tốt, các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng gần như duy trì hoạt động 100% công suất. Rất ít công nhân phải nghỉ việc do dịch bệnh.
Ông Kiên cho biết doanh thu của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng trong 7 tháng đầu năm đạt 10,3 tỷ USD (gần 240.000 tỷ đồng), tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo hết tháng 8, doanh thu sẽ vào khoảng 12,75 tỷ USD, đạt khoảng 79% kế hoạch.
Các nhà máy tại Hải Phòng ước sẽ xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 11,12 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng tới 15% so với năm ngoái. Số nộp ngân sách ước trong 8 sẽ đạt hơn nửa tỷ USD, đạt tới 128% kế hoạch.
Sản xuất duy trì và tăng trưởng nên gần như không có công nhân nào của Hải Phòng phải nghỉ việc do dịch. Thậm chí các nhà máy còn tuyển thêm hàng chục nghìn lao động.
Theo tính toán của Ban quản lý Khu kinh tế TP Hải Phòng, tổng số lao động đang làm việc là hơn 177.000 người, tăng khoảng 35.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lao động nước ngoài tăng khoảng 3.400 người. Thu nhập bình quân của lao động tại Hải Phòng đạt khoảng 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong 8 tháng đầu năm, Hải Phòng thu hút 25 dự án FDI cấp mới với số vốn 304 triệu USD, 40 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2,479 tỷ USD. Như vậy tổng vốn FDI thu hút từ đầu năm đạt gần 2,8 tỷ USD, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
“Nhờ thành quả chống dịch một cách quyết liệt của Thành phố giúp chúng tôi đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khu công nghiệp, khu kinh tế. Điều đó giúp hỗ trợ ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông Kiên chia sẻ.
Một trong những cách làm đặc biệt của Hải Phòng là xây dựng một bộ tiêu chí để doanh nghiệp tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày theo tỷ lệ %. Bộ tiêu chí này gồm rất nhiều yếu tố như tỷ lệ lao động ngoại tỉnh, các yếu tố nhập hàng, vận chuyển, các yếu tố có thể tác động đến sản xuất.
Căn cứ vào tỷ lệ sẽ xác định nguy cơ lây nhiễm trong nhà máy là cao hay thấp. Tỷ lệ này được cập nhật hàng ngày, doanh nghiệp cũng phải báo cáo tới Ban quản lý. Ban quản lý sẽ căn cứ vào tỷ lệ này để cho phép doanh nghiệp hoạt động hay không.
Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp đều được hướng dẫn xây dựng phương án chống dịch, lập đội phản ứng nhanh, tổ chức phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động để tầm soát.
Chống dịch từ quản lý lao động
Ông Lê Trung Kiên chia sẻ một trong những vấn đề khó nhất để đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng chính là việc đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động.
Trên địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng hiện nay có khoảng 177.000 lao động, trong đó có gần 5.000 lao động người nước ngoài và trên 50.000 lao động ngoại tỉnh.
Lao động ngoại tỉnh chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh. Do đó, với điều kiện giao thông thuận lợi như hiện nay, đa số người lao động ngoại tỉnh đều có xu hướng đi làm và về trong ngày.
“Điều này gây áp lực lớn cho việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động”, ông nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề trên, Ban quản lý vận động doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất trong “thời dịch” bằng cách chủ động bố trí nơi ở, hỗ trợ kinh phí để người lao động ngoại tỉnh ở lại Hải Phòng làm việc. Ban quản lý cũng vận động hạn chế việc sa thải lao động. Đối với những trường hợp phải nghỉ việc hoặc tạm nghỉ do có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh (F1, F2, F3) đều được công ty có các chế độ, chính sách phù hợp.
Đối với lao động là người nước ngoài, Ban quản lý cũng đề xuất UBND TP ban hành quy chế quản lý mới, để người lao động nước ngoài có thể được tạm trú tại doanh nghiệp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Diễn tập và chuẩn bị cho phương án xấu nhất
Tuy giữ được an toàn cho sản xuất cho đến lúc này, ông Lê Trung Kiên cho biết Hải Phòng vẫn luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng đối phó với việc có ca bệnh lây vào các nhà máy trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Việc đối phó thế nào đã được tính toán kỹ để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động một cách tối đa.
Ông Kiên đánh giá, trong trường hợp dịch diễn biến xấu hơn, để duy trì được chuỗi sản xuất thì phương án “3 tại chỗ” vẫn là phương án tối ưu, mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để có thể thực hiện thành công thì phương án cần phải phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại các doanh nghiệp và cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động.
Hiện Hải Phòng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Thứ nhất, Ban Quản lý đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án “3 tại chỗ” riêng. Một cách linh hoạt hơn, TP thống nhất tùy theo tình hình thực tế tại doanh nghiệp có thể xây dựng các phương án khác như “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc “1 cung đường, nhiều điểm đến”.
Thứ hai, các doanh nghiệp cũng đã chủ động mua sắm, dự trữ nhu yếu phẩm, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người lao động và nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất đảm bảo có thể triển khai ngay các phương án khi có tình huống đột xuất phát sinh.
Khi diễn tập chúng tôi rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương án mẫu để các doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ ba, Ban quản lý cùng với các quận, huyện cũng đã rà soát các địa điểm có thể sử dụng phục vụ nhu cầu tạm trú đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp có khó khăn về việc bố trí chỗ ở cho người lao động. Một bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp Nam Cầu Kiền bằng vốn xã hội hóa cũng đã và đang được xúc tiến xây dựng.
Thứ tư, trong đầu tháng 8 vừa qua, Ban quản lý đã tổ chức thí điểm diễn tập phương án “3 tại chỗ” tại Công ty thép cao cấp Việt Nhật (Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng). Riêng tại Công ty TNHH LG Display (Khu công nghiệp Tràng Duệ) diễn tập phương án 2 tại chỗ (1 cung đường, 2 điểm đến).
“Khi diễn tập chúng tôi rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương án mẫu để các doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế”, ông Kiên chia sẻ.