Nội thất sang chảnh trong căn biệt thự 400 m2 trên đỉnh đồi ở Đà Lạt

Không chỉ sở hữu diện mạo nổi bật mà căn biệt thự còn gây ấn tượng bởi kiến trúc nội thất bên trong.

Nhà Nam Hồ là công trình nghỉ dưỡng được xây dựng trên một đỉnh đồi lộng gió tại Đà Lạt, có diện tích rộng rãi tới 400 m2.

Xung quanh là “thung lũng ánh sáng”, đồi núi bao quanh với tầm nhìn thoáng đãng đặc trưng của xứ sở ngàn hoa.

Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của căn biệt thự, kiến trúc sư Phạm Tiên Sinh cùng các cộng sự đã quyết định thiết kế các không gian mở, khai thác tối đa mọi góc nhìn. Các không gian trọng tâm được bố trí đan xen với nhau, đảm bảo các phòng có tính riêng tư của cá nhân và tính cộng đồng của tập thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đa dạng của các thành viên.

Gam màu tối của mái lợp và tường bao giúp ngôi nhà dù mang vẻ đẹp hiện đại vẫn trở nên hài hòa với khung cảnh thơ mộng của thành phố này.

Không gian ngoại cảnh của ngôi nhà là một khu vườn lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản với cây xanh, cát trắng, hồ nước.

Những viên đá, sỏi được sắp xếp ngẫu nhiên tạo điểm nhấn. Tất cả tạo nên khu vườn đẹp bình yên – nơi thư giãn lý tưởng, tái tạo năng lượng và tinh thần cho bất cứ ai đến đây.

Căn biệt thự có sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại thông qua hệ mái dốc đặc trưng, các ô cửa sổ được cách tân cũng như hệ vách kính, cửa lùa. Giải pháp này cũng góp phần mở rộng tầm nhìn, đưa ánh sáng và gió tự nhiên chan hòa vào trong ngôi nhà.

Tầng trệt là không gian sinh hoạt chung với phòng khách, bếp và nhà ăn. Thủ pháp giải phóng không gian tầng trệt, kết hợp với khu vườn lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật và bức tường rào kín đáo ở mặt tiền làm tôn lên dáng vẻ trầm mặc, gợi sự tò mò và thú vị cho căn biệt thự.

Tất cả các vách ngăn được giải phóng, tăng sự giao thoa giữa con người và tự nhiên. Hệ cửa kính nhiều cánh có thể mở toàn phần kết nối không gian trong và ngoài nhà. Khi cần, gia chủ đóng cửa lại, vừa đảm bảo riêng tư, vừa mang đến không gian ấm cúng.

Trong nhà, hai chất liệu được sử dụng chủ đạo là gỗ và bê tông, vừa mang đến vẻ hiện đại, tiện nghi, vừa tạo nên không gian ấm cúng và gần gũi. Từng chi tiết trong ngôi nhà đều được đầu tư chỉn chu đến hoàn hảo. Đặc biệt, các chi tiết gỗ đều được tạo điểm nhấn với những đường khắc đẹp mắt.

Phòng khách bài trí đơn giản với bộ sofa cùng tông màu gỗ, tạo cảm giác ấm cúng.

Cửa lùa và ban công lớn tầng hai mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài. Các lam gỗ trong cửa kính lùa cũng là nét thiết kế được lấy cảm hứng từ kiến trúc Nhật Bản. Du khách có thể vừa ngồi trò chuyện ngoài hiên rộng, vừa ngắm khung cảnh Đà Lạt thơ mộng bên ngoài.

Phòng ngủ thiết kế tinh tế, trang nhã. Mỗi phòng được bài trí theo những phong cách khác nhau.

Ban công thoáng đãng với những ô cửa vòm độc đáo. Đây cũng là nơi thư giãn, ngắm cảnh tuyệt vời cho gia chủ.

Ở tầng áp mái, những ô cửa kính được mở tại mái dốc vừa lấy sáng, đón gió vào trong, vừa giúp du khách có thể ngắm nhìn bầu trời Đà Lạt về đêm đẹp lung linh

Không gian rộng rãi, nội thất tiện nghi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tập thể cho du khách.

Kiến trúc nhà Nam Hồ hướng đến sự đổi mới trong việc cách tân hình thức, ứng dụng vật liệu và lồng ghép các giá trị văn hóa một cách phù hợp với bối cảnh chung, tạo dấu ấn đậm nét về một công trình nghỉ dưỡng mang hơi thở hòa quyện giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *