Hành trình 10 năm cõng bạn giống như một câu chuyện cổ tích, không phải bắt đầu từ lời bông đùa trẻ con “nay mình cõng bạn nhé”, mà khởi nguồn từ những lần đèo bạn ngã, cả hai cùng đứng dậy rồi gắng gượng tiếp tục đến trường.
Đôi bạn 10 năm cõng nhau Minh Hiếu – Tất Minh
– Nó khuyết tật thì cho đi học làm gì?
– Đằng nào cũng bỏ học thì đèo làm gì?
Rất nhiều người dân đã từng thắc mắc như thế, khi chứng kiến cậu bé 7 tuổi ngày nào cũng tình nguyện cõng bạn đến trường, trên con đường đất sỏi dài gần 2 cây số.
Với “vốn liếng” chỉ có tình bạn và sự can đảm, Hiếu đã tình nguyện cõng Minh đến trường trong suốt 10 năm. Để rồi cả hai trở thành học sinh giỏi tỉnh, thi đỗ đại học với điểm số top đầu – những điều mà khi nhìn một cậu bé khuyết tật bắt đầu học đi, nhiều người đã nói với Minh rằng cậu hãy thôi nuôi mơ mộng hão huyền.
Bắt đầu từ tháng 8/2020, “đôi bạn 10 năm cõng nhau đi học” trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất mạng xã hội. Ngay khi trở thành hiện tượng và đón nhận những luồng ý kiến trái chiều, người ta vẫn thấy ấm lòng khi cả Minh Hiếu lẫn Tất Minh vẫn rất kiên định. Khi đôi bạn phải tạm thời xa nhau vì Minh Hiếu trượt nguyện vọng 1 (Đại học Y Hà Nội), nhiều người hi vọng ngôi trường có thể xét đặc cách cho cậu nam sinh này. Nhưng khi đó, Hiếu khẳng khái từ chối và lời giải thích của cậu cũng thật bình dị.
“Mình rất xúc động và cảm ơn mọi người đã quan tâm, tuy nhiên việc đặc cách là không hợp lý. Vì một cá nhân không thể ảnh hưởng đến chuyện tuyển sinh của trường Đại học ở 1 quốc gia. Mình biết bản thân đến đâu, nên không muốn vin vào sự nổi tiếng của 2 đứa để có lợi cho bản thân”.
Hơn 10 năm cũng là một thập kỷ dài gần 4000 ngày. Đó là quãng thời gian không hề ngắn trong cuộc đời mỗi người, và càng dài hơn khi tạo bởi sự kết nối giữa những đứa trẻ. Bất cứ hành trình nào cũng thế, gặp được nhau là cái “duyên”, nhưng lại được tiếp nối bằng chữ “thương”. Hành trình 10 năm cõng bạn giống như một câu chuyện cổ tích, không phải bắt đầu từ lời bông đùa trẻ con “nay mình cõng bạn nhé”, mà khởi nguồn từ những lần đèo bạn ngã, cả hai cùng đứng dậy rồi gắng gượng tiếp tục đến trường.
Ngay từ khi chào đời, Tất Minh đã bị khuyết tật bẩm sinh với hai chân bị liệt, một tay co quắp không thể cử động được. Nhưng khác với những đứa trẻ tật nguyền khác, Minh thích chạy và nhảy hơn hẳn. Cậu thường một tay tự lái, hai chân đạp trên chiếc xe ba bánh do ba tự chế. Cậu đi nhiều đến mức một năm ba mẹ phải thay đến 3-4 chiếc xe mới chịu được sức đi của cậu con trai.
Tất Minh không nhớ bao nhiêu lần từng ngã nhào trên chiếc xe lăn. Cậu nhớ hồi lên 5 tuổi đi chơi cùng đám bạn. Tất Minh ngồi một góc cổ vũ, nhưng khi thấy các bạn cùng hò reo chiến thắng, cậu nhóc đã không kiềm chế được mà đẩy xe lăn theo. Đang trên đà xuống dốc, chiếc xe không tự chủ được nên đã lao cả người cả xe xuống con mương ngập bùn phía trước. Người lớn hốt hoảng khi thấy cậu nhóc cả thân mình ngã xuống mương, quần áo lấm lem ngập trong bùn, vừa khóc vừa hoảng sợ. Những lần ngã nhào như vậy cũng không khiến Tất Minh chịu ngồi yên một chỗ.
Điều gì đáng sợ nhất với người khuyết tật?
Minh bảo: Đó là không có bạn chơi cùng.
Người ta luôn ái ngại chơi với người khuyết tật, vì gặp vướng mắc trong vấn đề đi lại. Những cuộc đi chơi thưa thớt thời niên thiếu, sẽ để lại những khoảng trắng trong tâm lý người khuyết tật, khiến họ mất đi sự kết nối với thế giới xung quanh và dần trở nên thu mình. Minh cũng từng là một cậu bé cô độc như thế. Trong xóm, Minh cũng chơi với đám bạn, nhưng chỉ đứng một góc cổ vũ hay lặng lẽ dõi theo. Duy chỉ có Hiếu tình nguyện cõng bạn đi chơi, đi ăn, đến cả cắt tóc cũng rủ cậu đi theo.
Những đứa trẻ thường vô tư, ham chơi, rồi mau quên. Đâu ai ngờ câu nói “hôm nay mình cõng bạn nhé” của một đứa trẻ 7 tuổi lại khởi nguồn cho một hành trình cõng bạn kéo dài 10 năm. Tình bạn thời trẻ con đã quý, ấy vậy mà nó còn kéo dài và là điểm tựa tinh thần cho một mảnh đời suốt cả thập kỷ.
Đường làng thời đó chưa được rải nhựa, ngày nắng đi thì không sao, nhưng cứ mưa lại ngập trong bùn đất, trơn trượt rất dễ ngã. Cứ mỗi lần ngã xuống đất, quần áo lấm lem bùn thì cả hai lại giấu bố mẹ, tiếp tục đến trường. Hiếu ngã thì không sao, nhưng cậu chỉ lo khi Minh ngã, người không tự chủ được thì sây sát đau bạn lắm.
Có gặp ở ngoài đời mới thấy Hiếu đã che chở cho bạn thế nào. Đi đến đường đá, ổ voi hay ổ gà, Hiếu cứ thế băng qua chứ không dám ngoặt tay lái vì sợ Minh đằng sau thay đổi tư thế đột ngột thì bị ngã mất. Cậu rành mạch từng thời gian, bao giờ đi học, bao giờ đi chơi để Minh không phải ở nhà một mình quá nhiều. Hiếu tự nhận mình là người thích chăm sóc người khác, và một khi đã giúp, là sẽ giúp trọn đến cùng.
Giữa những cậu thiếu niên thường ít nói, kiệm lời và ít dành tình cảm cho nhau. Minh ít khi nói lời cảm ơn, cả khi ngã cũng không bao giờ than đau nửa lời. Nhưng trong tâm, Hiếu vẫn hiểu bạn mình muốn gì. Mọi thứ giữa 2 cậu học trò xuất phát từ sự thương cảm bình dị. Và lý do để một cậu bé 7 tuổi có thể đưa ra quyết định can đảm cõng bạn suốt 10 năm, cũng giản dị như cách trò chuyện của Hiếu: “Dù Minh sinh ra khiếm khuyết nhưng chưa bao giờ bạn buồn hay oán trách số phận. Nhìn mình và các bạn tay chân lành lặn còn bạn thì phải ở nhà, mình thấy thương bạn lắm nên quyết tâm phải làm điều gì đó để cùng đưa bạn đến trường”.
Từ cấp 1 cho đến cấp 3, Hiếu và Minh đều thống nhất chọn chung trường, chung lớp. Sáng Hiếu cõng Minh đi học, nếu cần giải bài tập thì cõng bạn lên bục giảng. Năm lớp 10 thì chủ yếu Hiếu cõng bạn, nhưng đến năm lớp 11-12 thì ai cũng phụ được, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ Minh kể cả những học sinh khối khác. Có lẽ chính Hiếu là sợi dây gắn kết Minh với những học trò cùng trường, và tiếp thêm động lực cho cậu hiểu rằng, bản thân Minh cũng bình thường như biết bao đứa trẻ khác.
Cứ thế, người ta dần quen với bóng hình đôi bạn cõng nhau đến trường. Minh gọi Hiếu là anh. Tên thật của Hiếu là “Văn Hiếu”, nhưng cậu tự gọi mình là Minh Hiếu, với chữ “Minh” xuất phát trong tên người bạn cậu cõng 10 năm.
Luôn có tình bạn đẹp trong từng hành động nhỏ đó. Hiếu che chở bạn mọi lúc mọi nơi, cùng rủ bạn đi chơi và đi học. Hiếu không bao giờ để bạn chơi một mình, sẵn sàng “chiến đấu” với bất kỳ ai nếu cố tình trêu đùa ác ý về khiếm khuyết của Minh.
Lớn lên với những khiếm khuyết tay chân, những ngày nằm liệt giường với hàng tá ca phẫu thuật chỉnh hình, và hơn hết là ánh nhìn xót xa của cha mẹ, Minh hiểu hết những điều ấy, và tự tạo cho mình nguồn năng lượng tích cực để bản thân cũng được bình thường như những người khác. Ở Minh có một ý chí kiên định, điều đó âm thầm truyền cho Hiếu, và khiến những người xung quanh an tâm.
Đầu năm cấp 3, Minh từng cương quyết xin thầy Hiệu trưởng được tham gia thi chuyển cấp như những đứa trẻ khác. Cuối năm cấp 3, cũng chính Minh xin bố mẹ cho đi học trên Hà Nội, dù biết có viễn cảnh cậu và Hiếu có thể không được đồng hành với nhau.
Thể trạng Minh yếu, cơn đau thường âm ỉ ùa về mỗi khi thời tiết thay đổi “trái gió trở trời”. Minh đau lắm, nhưng không than tí nào. Có hôm ôn thi học sinh giỏi tỉnh môn Sinh, cậu đang học thì mất sức, cả người nóng sốt. Minh phải xin cô giáo cho nghỉ ngơi một lúc trên ghế thì mới tiếp tục học tiếp. Ấy vậy mà từ một cậu học trò không chuyên, Minh đạt giải Khuyến khích còn Hiếu cũng kịp mang về giải Nhì khi chỉ cách vị trí dẫn đầu 0,25 điểm.
Cả chặng đường dài, đôi bạn cứ kiên cường vượt qua. Từng chút một, cả hai dần học tốt lên, giúp Minh hòa đồng với xung quanh. Nhắc đến người bạn cõng mình 10 năm, Minh không giấu được sự biết ơn: “Hồi nhỏ bạn bảo cõng, mình cũng vô tư để bạn làm, không suy nghĩ nhiều. Nhưng khi biết bạn tập xe đạp để chở mình thì lúc ấy biết ơn Hiếu lắm. Bạn hi sinh rất nhiều, đánh đổi tuổi thơ để đưa mình đến trường. Đó là điều mình luôn dành sự tôn trọng cho bạn”.
10 năm được bạn cõng, nhưng không vì thế mà Minh trở nên thụ động, ỷ vào sức bạn. Minh từng quả quyết từ chối đề nghị “học chung trường đại học của Hiếu” vì cậu không muốn hạnh phúc cá nhân của bạn vì mình mà phải dang dở. Cứ thế, cả hai có những ngã rẽ riêng. Hiếu khao khát trở thành bác sĩ để tận tay chữa lành đôi chân cho bạn. Còn Minh thì mong trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để phù hợp với việc ngồi một chỗ. Cả hai cùng cố gắng, rồi cùng nhau ôn thi và đạt trên 28 điểm Đại học, lọt vào Top 5 thí sinh có số điểm cao nhất trường cấp 3.
Minh nếu thiếu Hiếu, có sống ổn không?
Câu trả lời là: “Vẫn ổn”.
Sau nửa năm trở thành sinh viên, Minh dần quen với cuộc sống đô thị nhộn nhịp, tự mình đi xe lăn đến trường. Minh có những người bạn mới, vẫn luôn được yêu thương hết mực vì sự vui vẻ và nguồn năng lượng tích cực mà cậu mang đến cho tất cả mọi người ngay từ lần gặp đầu tiên. “Mấy ngày đầu tập đi khá phức tạp, vả lại giao thông Hà Nội đông đúc hơn ở quê. Mình cũng cố gắng học đi, cố gắng học cách qua đường. Giờ thì có thể tự mình đi đến giảng đường rồi” – Minh tự hào nói.
Xúc động trước nghị lực của Tất Minh, rất nhiều “mạnh thường quân” đã trực tiếp đến nhà và mong được hỗ trợ đôi bạn. Minh được trường Đại học Bách khoa Hà Nội tài trợ xe lăn điện và thiết kế lối đi riêng, đặc cách được ở cùng bố trong ký túc xá. Trường cũng giao nhiệm vụ cho 2 sinh viên sẽ giúp Minh leo bậc thang mỗi ngày ở giảng đường. Những ngày đầu đi lại có vất vả, nhưng đó là những gì chàng trai 18 tuổi này cần trải qua, để trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn.
Nhìn Minh tự lái xe đến trường, ai cũng thấy an tâm về chặng đường phía trước của cậu. Minh không phải không có nỗi lo, nhưng hơn hết, Minh chấp nhận tất cả khiếm khuyết và cậu biết bản thân thiếu điều gì. Minh có tính cách vô cùng quyết liệt, nếu muốn gì sẽ cố gắng đến cùng và chinh phục nó bằng mọi giá – cái tính cách mà theo cậu, những người khuyết tật rất cần để vượt qua mặc cảm bản thân.
Còn với Minh Hiếu, cậu bạn cũng được một gia đình trên Thái Bình nhận ở trọ mà không mất tiền phí. Hiếu được tin tưởng giao chức Lớp phó học tập của lớp Y1B khóa 50 ngành Y khoa Thái Bình.
Cuộc sống vẫn luôn như vậy, trong một góc tiêu cực nào đó, sẽ luôn thấy phần nhiều tích cực hơn. Khi chia sẻ câu chuyện về Hiếu và Minh, tôi không có suy nghĩ các em sẽ trở thành “người hùng”, càng không phải “hình tượng mới” cho giới trẻ. Cả hai đều là những cậu học trò với ước mơ dở dang, có những khó khăn riêng cần trải qua thời trẻ. Nhưng thứ giúp các em sống tốt, đó chính là sự tử tế và lòng tin vào bản thân. Chỉ hai thứ đó thôi, cũng đủ khiến người ta tin rằng, dù đến bất cứ đâu thì cả hai vẫn sẽ sống tốt và nhận được sự giúp đỡ của những người tốt.
Khi bắt đầu tiếp xúc với Minh, tôi đã nghĩ về một cái gì tủi tủi, một câu chuyện nhiều nước mắt và những lời tâm sự nặng nề về những lần Hiếu gắng sức cõng bạn. Nhưng câu chuyện chỉ đúng phía sau, còn Minh trong mắt mọi người lại là con người hoàn toàn khác. Minh là cậu chàng hài hước, khỏe mạnh và vui vẻ nhất trên đời. Minh thậm chí còn nói nhiều và khéo ăn nói hơn cả Hiếu – chàng trai tuy to con nhưng tính cách lại dè dặt.
Khác với những cậu bé khuyết tật khác, Minh không để hai chữ “khuyết tật” đánh mất đi đam mê. Cậu bạn thích nhạc rap, thích học một ngành vất vả như Công nghệ thông tin dù bản thân ốm yếu chỉ nặng hơn 30kg. Ngay cả khi đối diện với viễn cảnh không có Hiếu cõng, Minh vẫn nhất quyết xin cha mẹ cho đi học ở thành phố xa lạ.
Mỗi thứ Minh có hứng một chút, nhưng điều cậu thích nhất ở bản thân là luôn suy nghĩ lạc quan. Minh rất mơ mộng và đặt ra mơ ước cao cho bản thân. Cậu muốn mai này phụng dưỡng cha mẹ, trở thành trụ cột trong gia đình. Sau khi tốt nghiệp, Minh muốn tự thành lập một công ty riêng.
Minh tâm sự: “Công việc sau này còn phụ thuộc nhiều vào năng lực. Người ta thường nói nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề. Mình học Công nghệ thông tin nhưng chưa chắc đã đi theo lĩnh vực này. Tùy thuộc vào hoàn cảnh này, nhưng mình muốn tự thành lập công ty riêng”.
Còn với Hiếu, ai cũng mừng thầm khi biết cậu chọn theo đuổi nghề bác sĩ, một nghề cần lắm trái tim biết yêu thương và chia sẻ với những người khó khăn. “Mình xem nhiều phim khoa học viễn tưởng thì thấy người ta có rất nhiều cách chữa lành đôi chân. Như lắp chân robot, hoặc tạo ra thuốc nào đấy để xương phát triển. Tuy rằng rất khó, nhưng mình vẫn muốn thử, và biết đâu đấy, lại được tận tay chữa đôi chân cho Minh” – Hiếu nói.
Cả hai có những khát vọng riêng, nhưng luôn có sự hiện diện của việc giúp đỡ người khác. Với Minh là trách nhiệm chăm lo gia đình, còn với Hiếu là chữa lành đôi chân cho bạn.
Ước mơ mà, đâu ai nỡ đánh thuế hi vọng của tuổi trẻ. Luôn có những tia sáng lạc quan trong ước mơ của những thiếu niên 18 tuổi này. Minh bị khiếm khuyết tay chân, nhưng điều chúng ta nhận được không phải “cậu học trò ủ dột”, mà lại là chàng trai dám ước mơ, dám thực hiện. Cả hai mới chỉ 18 tuổi, và thật tâm chúng tôi đều mong những giấc mơ này sẽ thành hiện thực. Vì tình bạn của cả hai quá đẹp, và những gì 2 nam sinh này mang lại sẽ còn đóng góp nhiều cho cộng đồng.